Không phải là lần đầu nhà thơ Vân Long xuất bản tuyển tập thơ. Cuối năm 2009, ông được in trong diện “Sách Nhà nước đặt hàng” cuốn Vân Long - tác phẩm. Đó là loại sách Bộ Văn hóa đặt Hội Nhà văn in để cung cấp cho thư viện các tỉnh thành. Tôi được tiếp xúc với thơ ông khá sớm, bắt nguồn từ một bài thơ tôi đã yêu và thuộc lòng khi còn là học sinh Trường cấp III Ngô Quyền, Hải Phòng: Qua dải sân mưa tôi ngắm em/ Màn mưa nhòa những nét thân quen/ Tình yêu mới nở sao mà đẹp/ Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen.

Tuy tuổi nhỏ của tôi lớn lên ở Hải Phòng nhưng đến năm 1963, vào bộ đội thông tin, đi nhiều miền đất nước, không được chứng kiến những ngày Hải Phòng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ thế nào, tôi thường đọc thơ Vân Long viết về Hải Phòng trên các trang báo khoảng thời gian ấy để hình dung ra phẩm cách con người Hải Phòng trong cuộc chiến, thấy thành phố quê hương mình dù bị tàn phá, con người vẫn “chạy máy, làm thơ, chén trà đầu ngõ…”, “Quán bán hoa hôm nay quá nhiều hoa/ Thành phố bộn rộn những hồi còi báo động/ Người vào xưởng máy vai mang súng/ Người đi phá bom kìm búa trong tay…”. Bài thơ ngắn, từng câu như những nhát chém, kết bằng câu: “Sống hay chết, vấn đề đã cũ/ Những mái nhà kiêu hãnh ngẩng cao...” (Qua quán bán hoa). Đọc những câu thơ chia lửa với thành phố quê mình như vậy, tôi đoán quyết anh phải là người Hải Phòng chính gốc!
Sau này tôi mới biết: Cùng với đất nước, năm 1965 cũng là năm biến động trong đời thơ Vân Long. Đang tĩnh tọa ở một dàn nhạc lớn, vừa cưới vợ xong, ông đã phải chuyển công tác xuống Hải Phòng, để lại người vợ trẻ ở Hà Nội. Rồi 10 năm chiến tranh ác liệt nhất ở thành phố Cảng là 10 năm anh sống đơn lẻ với trang viết ở đó… Hai, ba tháng mới được nghỉ vài ngày, thường phải đạp xe suốt đêm khi những cây cầu ở đường 5 bị bom Mỹ phá hoại… Lướt qua đời sống của nhà thơ Vân Long để thấy nó đầy biến động, không mấy tương ứng với tính cách của thơ ông, cũng là của tâm hồn ông. Có thể nói Vân Long là người làm chủ được cuộc sống tinh thần của mình, dù trong biến động nào vẫn là con người điềm tĩnh, mực thước, hết lòng với công việc, có trách nhiệm với thơ, sáng tác cũng như nghiên cứu… Đấy là mẫu mực của một nhà thơ – gắn bó đời thơ mình với đất nước, đứng ở vị trí người công dân tận tụy, gương mẫu, sáng tạo.
Có thể nói, Vân Long đã đem hồn thơ tinh tế, thanh nhẹ của người Hà Nội mà hòa vào cuộc sống lửa thép, bom đạn Hải Phòng, đồng thời, anh kéo sự nóng hổi, cuộn xiết của đời vào thơ… Đó là cuộc đấu tranh tạo một thế hài hòa giữa ảo và thực, của đôi cánh mơ mộng chân trời với bước chân trần trên mặt đất chông gai, khúc khuỷu... Thơ Vân Long viết ở Hải Phòng vừa có sự rộng mở về đề tài, vừa thay đổi về nhịp điệu, tốc độ, hình tượng thơ:
Cần trục thép - tay ta - gân guốc
Máy nóng bỏng – lòng ta – thâu đêm
Kìa! Vật gì bỗng đỏ hừng mỏ móc
Ồ sương tan, ta trục mặt trời lên!
Tôi tưởng thấy đôi mắt mở to say sưa và tấm lòng còn mở rộng hơn của nhà thơ để ngắm nhìn, thần thánh hóa lao động của bạn bè mình vào một buổi sớm mai, sau đêm dài công việc... Mặt trời như một tù nhân của đại dương được cẩu lên từ mặt biển vừa tan sương đêm, một hình tượng rực rỡ, vạm vỡ và lãng mạn. Một cảnh sương tan khác nảy nở trong tình thơ Vân Long: Sương đã tan, thành phố cồn như biển/ Nghe nắng đổ bốn bề bạc rắc vàng rơi/ Thành phố đẹp bất ngờ tôi choáng váng/ Chẳng bao giờ tôi hiểu biển đến nơi! (Hải Phòng, một sớm sương mù). Có lẽ giới họa Hải Phòng cũng phải chạy đua với ông để dựng những cảnh sắc đa dạng một thành phố hoa phượng đẹp đến vậy mà vẫn bình tĩnh xốc vác, đầu sóng ngọn gió, giữa bom đạn vẫn ánh lên những tươi đẹp, non tơ. Có lẽ chỉ sau khi chia sẻ những giây phút tận cùng sống chết ấy với người dân thành phố mới cho ông trải nghiệm sâu sắc để viết những lời gan ruột này: “Thành phố biển/ Những cuộc đời như biển/ Càng sâu đằm sau mọi bão giông/ Tôi nhỏ xíu trước vô cùng của biển/ Lại lớn lên ý thức cái Vô Cùng!”.
Không chỉ là những bài thơ, tập thơ cụ thể, năm tháng này đã bồi bổ cho ông một tầm nhìn, tầm cảm, tầm nghĩ mới mẻ, rộng mở. Ông đã hòa trộn chất tinh nhạy, dịu êm của khởi thủy tâm hồn ông với những cảm xúc cuộn chảy, xô bồ, rực lửa vừa thu nhận được từ vùng đất biển những năm lửa đạn. Đó vừa là thành tựu của một giai đoạn đầy thử thách cam go, vừa là bước chuẩn bị cho một thời kỳ sáng tác sung mãn, chín tới sau này...
Vân Long còn trải thêm 5 năm công tác ở Hà Sơn Bình cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20 trước khi được trở lại sum họp với gia đình ở Hà Nội. Không biết do sự trớ trêu của số phận hay tự ông cũng muốn “lang thang” thêm dăm năm như vậy để bổ sung vốn hiểu biết về một vùng đất khác: vùng núi Hòa Bình. Ngay từ tập thơ đầu Tia nắng (1954-1962) còn ở Hà Nội, Vân Long tỏ ra ham tìm hiểu cuộc sống công nghiệp, bị hút vào những công trình xây dựng, trong thơ ông đã có Lớn giữa Việt Trì, Mở lối (viết về khu công nghiệp Việt Trì, về công trình khu gang thép Thái Nguyên...) thì lên vùng núi, ông lại được tham dự một chuyến đường sông trên con tàu thủy xinh xắn Ngược sông Đà lần cuối, trước khi nước dâng lên hàng trăm mét, ngập hết những thác Thằng Rồ, Mép Hổ, Ba Hòn Gươm nổi tiếng hung hãn... để hái được chùm thơ Ngược sông Đà: “Thuyền anh mắc cạn lên đây/ Mượn em đôi dải yếm làm dây kéo thuyền!”/ Câu ca xưa nở một nụ cười/ Sông thành biển Hồ, nụ cười không tắt”. Rồi với đội khảo sát địa chất khu thủy điện, ông có Tầng đá gốc, Dòng sông - cuộc đời: (Ơi sông Đà, dòng sông độc đáo/ Quặt khúc “Đà Giang độc bắc lưu”/ Phải sông bị ép hai bờ núi/ Đã bung ra quẫy sóng, đổi chiều… Với Hà Tây, ông có Thăm chùa Hương mùa thu trong trẻo, nên thơ, đang từ thênh thang biển rộng, ông vẫn tìm ra cái mới ở con sông Tích nhỏ bé bên cổ thành Sơn Tây: …dù cạn hẹp, nước vẫn là nước mới/ Bầy trẻ đuổi nhau cầu cửa Tiền, năm ấy/ còn chưa có mặt trên đời!
Mở đầu giai đoạn II ở Hà Nội, gặp không khí Đổi mới trong văn học, ông như trở lại bản ngã tinh tế thanh lịch Hà Nội của mình, nhưng ở một đẳng cấp cao hơn, một tầm suy tư rộng lớn hơn. Lúc này, thơ ông như được cô đúc lại, được giản lược đi, hiện thực được nén ép, cả hiện thực tâm trạng đến những ảo giác, tâm linh... Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận định: “Ông đã nén chặt chữ lại, nén chặt cảm xúc, cả thời gian, không gian... sức nổ của thơ mới thành nguyên tử. Vân Long thành công ở những bài thơ ngắn...Tôi sững sờ trước hai câu thơ với sự phát hiện lạ lùng về loài chim bay trên bầu trời lại mang hình chữ “nhân”:
Viết chữ nhân lên bầu trời
Bầy chim trách người trường mặt đất
Chân trời là điều có thật
Chân trời trên cánh bay
Nguyễn Trọng Tạo phát hiện: Tách hai câu thơ đầu thì hai câu ấy đã là một bài thơ lớn! (trích tham luận của Nguyễn Trọng Tạo Tọa đàm 60 năm thơ VL (21/2/2013).
Đến lượt tôi thử làm công việc ngắt ngọn: Chỉ lẩy ra những câu thơ hay, đỉnh của mỗi bài thơ (trong đó có một số câu đã được thả lên trời vào dịp Ngày thơ Nguyên tiêu): Hoa đại đầu thế kỷ/ Rụng vào tôi bây giờ (Ngõ Tràng An); Trận mưa thu ào qua/ Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt (Vào thu); Em như con gió thổi qua ngang/ Trẻ đến làm đau cả lá vàng (Thu cảm); Lật trang sách tiếng cá quẫy/ Đêm rơi đầy chiếc gạt tàn (Vào tranh); Xanh nguyên nỗi cô đơn nghệ sĩ (Dang dở); Tôi viết thư cho bạn/ Một chiều đầy mây trôi/ Về mơ hồ địa chỉ/ Xứ tâm linh cuối trời (Gửi Tô Hà); Và em đồng hiện, em phân thân/ Thời gian củ hành tôi bóc vỏ/ Kỷ niệm làm trận gió/ Đụng dây đàn tiếng ngân (Kỷ niệm)... Tôi không ngạc nhiên khi Nghìn câu thơ tài hoa của Nguyễn Vũ Tiềm (2000) chọn đến trên hai chục cụm câu thơ hay của ông. Có thể thấy hiện diện trong cả tập tuyển, không gian sống của thơ ông là tình bạn, tình yêu. Con người làm việc quên tuổi lại khá nhiều lúc ghi lại cảm thức thời gian cay nghiệt: Đêm qua mưa/ hoa sữa/ Khóc xanh mặt hè (Thời gian). Ông tự tin đến độ có thể tự giễu mình, ngay cả khi nói về cái chết, để mỉm cười: Năm ngoái còn chơi đào thế trực/ Năm nay nhà rộng thế tung, hoành/ Ngày mai ngang dọc vừa ba thước/ Cây cỏ thế gì trên mộ anh? Đó là sự hòa nhập cả với bệnh tật, sống chết, đổi thay. Cần thế trực để hòa nhập với không gian hẹp và sẵn sàng tung, hoành ngang dọc khi đủ đất dụng võ. Ông thường thích thú nhắc đến hai câu thơ của bậc đàn anh Ngô Quân Miện: Chiều êm ả ngấm như men rượu/ Tôi đang già chẳng vội già đi. Đó cũng là nhịp sống ung dung nhưng không uổng phí thời khắc nào của người thơ quên tuổi Vân Long!
Phạm Đức