Hà Nội

Vẫn lan tỏa nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm

26-02-2018 14:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong đời sống tinh thần của người Việt, đầu xuân năm mới, người dân vẫn xin chữ các ông đồ với mong muốn có nhiều sự mới mẻ, thành đạt, bình an, hạnh phúc... Đáng mừng, trong xã hội hiện đại, tục xin chữ đầu năm vẫn được người dân duy trì, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nét đẹp văn hóa người Việt

Từ thế kỷ XII, nhà Lý cho xây Văn Miếu và Quốc Tử Giám (Hà Nội) để dạy chữ và thờ ông tổ của Nho học, tục xin chữ ở nước ta có thể ra đời từ đây. Thực tế cho thấy, việc xin chữ diễn ra quanh năm khi gia đình có việc hiếu, hỷ, thượng thọ... để treo trong nhà, người xin bày tỏ nguyện vọng và thầy đồ sẽ lục tìm trong các áng cổ văn để tìm chữ có ý nghĩa phù hợp. Tuy nhiên, việc xin chữ ngày Tết và đầu xuân năm mới diễn ra phổ biến hơn bởi Tết theo chu kỳ thiên nhiên là mùa xuân, mà “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”, mùa xuân là bắt đầu của một năm nên xin chữ đầu xuân là hợp mọi nhẽ.

TS. Hán học, nhà thư pháp Cung Khắc Lược - một trong “tứ trụ” thư pháp Việt Nam nhấn mạnh, tuy mỗi thời đều có sự phát triển nhưng xin chữ đầu năm vẫn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người dân mỗi độ xuân về. Thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn của người dân dành cho năm mới may mắn, bình an, một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Trong khi đó, ông Kiều Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút chia sẻ, xin chữ ngày Tết hay những ngày đầu năm luôn được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình bởi bức thư pháp sẽ được treo trang trọng trong gia đình và cũng là thể hiện những mong ước của gia đình vào năm mới.

Thông thường, đầu xuân năm mới, mọi gia đình thường mong cho mình một cuộc sống bình an, từ đó người dân thường hay xin chữ An, Phúc cho toàn thể gia đình, con cái. Đối với người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ Hưng, Thịnh, Phát, Lộc, Tín; người đi học thường xin chữ Tài, Đăng Khoa; có người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn... Tuy nhiên, dù xin chữ gì và với ông đồ nào thì việc xin chữ đầu năm của người dân vẫn là xin cái đức độ, tài năng, lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Một du khách nước ngoài xin chữ tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 tại Hà Nội.

Một du khách nước ngoài xin chữ tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 tại Hà Nội.

Lan tỏa trong đời sống hiện đại

Với ý nghĩa kể trên, tục xin chữ đầu năm vẫn được người dân nước ta gìn giữ từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Đặc biệt, trước, trong những ngày Tết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân với sự góp mặt của các ông đồ hàng đầu nước ta đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. 5 năm trở lại đây, Hội chữ Xuân đã được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bởi địa danh này được xem là biểu tượng của trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất cả nước, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiểu truyền thống quý báu của dân tộc như hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng nhân tài... Ngoài mục đích để người dân xin chữ các ông đồ, Hội chữ Xuân còn tạo ra sân chơi lành mạnh giúp các thư pháp gia có điều kiện trổ tài, sáng tác và người dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.

Năm 2018, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 với chủ đề Hiền tài (từ 24 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng) tiếp tục được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhân dân lại nô nức kéo nhau đến xin chữ các ông đồ. Đến với sự kiện này, người dân được các ông đồ cho chữ hoặc người dân xin chữ các ông đồ trong những túp lều riêng. 63 ông đồ cho chữ ở Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 đều là những người có khả năng viết thư pháp chữ Hán - Nôm, chữ Quốc ngữ, đã vượt qua kỳ khảo tuyển thẩm định trình độ của Ban Tổ chức nên nhân dân hoàn toàn tin tưởng về độ chính xác trong từng chữ được cho.

Đặc biệt, trong lần thứ 5 liên tiếp diễn ra, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu đã trưng bày và giới thiệu 34 tác phẩm thư pháp Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Hiền tài” trên nhiều chất liệu, theo nhiều phong cách khác nhau. Nội dung các tác phẩm không chỉ phản ánh giá trị “Tôn trọng hiền tài” của dân tộc mà còn có ý nghĩa khích lệ thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, kế thừa truyền thống của cha ông và từng bước góp phần nâng cao trình độ của người viết thư pháp cũng như trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của công chúng.

Có thể nói, Hội chữ Xuân đã trở thành “đặc sản” của Hà Nội mỗi khi Tết đến xuân về nhiều năm qua. Hình ảnh những ông đồ trong trang phục áo the, khăn xếp với những nét thư pháp tài hoa đã minh chứng cho sức hút của nghệ thuật thư pháp, đồng thời đưa tục xin chữ - nét đẹp văn hóa tốt đẹp trong đời sống tinh thần người Việt được lan tỏa, gìn giữ và kế thừa.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn