Vẫn khó kiểm soát ATTP ở cơ sở nhỏ lẻ

09-01-2017 07:57 | Thời sự
google news

SKĐS - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề rất nóng, đã đến giới hạn đỏ, nhất là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2017.

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề rất nóng, đã đến giới hạn đỏ, nhất là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2017. Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội trong buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội cuối tuần qua về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, nhiều bộ, ngành cùng dự. Trước khi làm việc, Đoàn giám sát đã trực tiếp đi giám sát thực địa khoảng 40 điểm như: vùng trồng rau, chợ đầu mối, siêu thị, lò giết mổ, bếp ăn tập thể, cửa hàng dịch vụ ăn uống... trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội nên nghiêm cấm bán gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không có dấu kiểm dịch

Để đánh giá chính xác công tác quản lý nhà nước về ATTP của Hà Nội, Đoàn giám sát đã chia làm 4 tổ, mỗi tổ trực tiếp kiểm tra từ 6 đến 8 điểm gồm: siêu thị, chợ, bếp ăn tập thể, lò giết mổ, cơ sở thức ăn đường phố. 1 giờ sáng ngày 6/1, tại cơ sở giết mổ Mạnh Quang (xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên), hàng chục con bò đang chuẩn bị được giết mổ. Theo chủ cơ sở, mỗi ngày tại đây giết mổ khoảng 20-30 con bò. Đoàn đã tiến hành kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm, cơ sở này đều đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thành viên Tổ giám sát số 1 cho biết, việc đảm bảo ATTP tại đây “có vấn đề” bởi chỉ có một phần xử lý theo công nghiệp là đưa bò lên, nhưng khi hạ xuống, gia súc lại bị “tiếp đất” nền xi măng rất mất vệ sinh. Tiếp tục kiểm tra chỗ xả thải cho thấy, đoàn giám sát nhận thấy cơ sở dù có bể xả nhưng không hoạt động, nước thải không xử lý, xả thẳng ra môi trường, mùi xú uế, hôi thối nồng nặc.

Vẫn khó kiểm soát ATTP ở cơ sở nhỏ lẻGiết mổ gia súc, gia cầm phải thực hiện tại các điểm giết mổ tập trung, được kiểm dịch đầy đủ.   Ảnh: TM

Qua công tác giám sát của tổ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, khi kiểm tra cơ sở chăn nuôi, các chủ cơ sở đã có ý thức chấp hành bảo đảm ATTP, thức ăn chăn nuôi được nhập từ những doanh nghiệp đã có chứng nhận của cơ quan chức năng. Thế nhưng, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn vương vãi. Tại chợ dân sinh, thực phẩm được bày bán chưa đúng quy định, không có nguồn gốc... Riêng tại chợ đầu mối Hải Bối (Đông Anh), mỗi ngày giết tới vài chục nghìn con gia cầm, nhưng quá trình giết mổ tại đây vẫn tràn lan, trong khi công tác bảo vệ môi trường lại khó khăn, chưa giải quyết được.

Do đó, tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng đề nghị thành phố nên nghiêm cấm việc bày bán gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không có dấu kiểm dịch. Từ đó yêu cầu, việc giết mổ gia súc, gia cầm phải thông qua các điểm giết mổ tập trung, được kiểm dịch đầy đủ.

ATTP đã đến giới hạn đỏ

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có hơn 355 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, qua giám sát, số doanh nghiệp chăn nuôi, số trang trại chăn nuôi quy mô lớn còn ít. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn nên gây khó khăn trong quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, điều đáng nói là tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề ATTP đã đến giới hạn đỏ. Không riêng gì ở Thủ đô, việc kiểm soát ATTP của cả nước hiện mới chỉ thực hiện được ở những cơ sở kinh doanh lớn, còn những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vẫn khó kiểm soát. Mặc dù đánh giá cao những cố gắng trong công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội, với nhiều mô hình nuôi trồng thực phẩm sạch, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong lãnh đạo thành phố sớm có những giải pháp tích cực giải quyết các tồn tại, thực hiện mục tiêu người dân sống an toàn, xanh, sạch, bảo đảm sức khỏe...

Trên cơ sở ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã có quy hoạch cụ thể việc xây dựng cơ sở giết mổ. Trong năm 2017, thành phố sẽ tiến hành xây dựng 4 trung tâm giết mổ tập trung, dứt khoát không cho giết mổ nhỏ lẻ. Thành phố cũng đang mở rộng quy hoạch vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cải tạo và thiết lập lại hệ thống chợ, thiết kế lại quầy bán hàng bảo đảm vệ sinh, thiết kế hệ thống cấp thoát nước... Không để phường nào cũng có chợ, không thể kiểm soát được, phải tạo thói quen để người dân mua bán thực phẩm tại hệ thống siêu thị. Hà Nội cũng sẽ tiến hành thí điểm đưa tất cả hoa quả vào quản lý theo hướng xây dựng quy định các cửa hàng bán hoa quả, có kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ; tuyệt đối không cho hoa quả bày bán ở vỉa hè, lòng đường.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để đảm bảo ATVSTP, cần sự tham gia ít nhất của ba Bộ: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, nhưng chủ yếu vẫn là Bộ NN&PTNT.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay hành lang pháp lý đã có nhưng doanh nghiệp và nhà sản xuất không tuân theo vì ham lợi nhuận. Cần phải có giải pháp căn cơ, đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa nông nghiệp thì sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, đồng thời luật pháp cũng phải xử lý nghiêm minh vi phạm về ATTP hơn.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành nên số đoàn kiểm tra ATTP, số mẫu xét nghiệm tăng lên nhưng số đơn vị vi phạm giảm hơn. Tỷ lệ mẫu nhiễm vi sinh giảm và số vi phạm cũng giảm, số tiền phạt tăng lên rất nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế áp dụng thanh tra chuyên ngành ATTP thí điểm liên ngành có tiến bộ nhưng về mặt tổng thể vẫn chưa đáp ứng được vấn đề này của người dân. Về phía Bộ Y tế đã nâng mức xử phạt lên 7 lần, rút giấy phép kinh doanh, điều này cũng bước đầu tác dụng.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn