Vãn hồi đàm phán phi hạt nhân - chuyện xa vời

06-07-2020 09:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sẽ không có một “sự ngạc nhiên” nào trong tháng 10. Đây là “câu trả lời” của Triều Tiên trước những đồn đoán cho rằng hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ có thể gặp nhau vào tháng 10 tới. Đặc biệt, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã xác nhận, sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của quốc gia này với Mỹ.

Không đàm phán với Mỹ

Mới đây, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết, sẽ là sai lầm nếu Mỹ vẫn nghĩ rằng “đàm phán vẫn có tác dụng” với Triều Tiên, đồng thời cho biết thêm rằng Bình Nhưỡng “đã vạch ra thời gian biểu chiến lược chi tiết để kiểm soát mối đe dọa lâu dài từ Mỹ”. Bà nhấn mạnh, Triều Tiên “không cảm thấy cần phải ngồi đàm phán trực tiếp với Mỹ” vì Washington chỉ xem đối thoại với Bình Nhưỡng như “một công cụ để phục vụ mục đích chính trị”.

Tuyên bố này được phát đi trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ  Stephen Biegun dự kiến sẽ thăm Hàn Quốc vào tuần này để thảo luận về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Triều Tiên. Trước đó, thông tin gây sự chú ý của dư luận hơn cả là sẽ có một cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thúc đẩy. Cuộc gặp sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 tới, điều này sẽ giúp vãn hồi các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên mới đây đã đập tan mọi đồn đoán về việc Mỹ - Triều Tiên đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Mỹ và Triều Tiên từng có cuộc gặp song phương vào năm 2018 ở Singapore, năm 2019 tại Việt Nam và tháng 6/2019 tại khu phi quân sự giữa hai miền. Cuộc gặp cuối cùng đã thắp lên hy vọng cho tiến tình phi hạt nhân ở Triều Tiên khi hai bên đồng ý bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vòng đàm phán giữa hai bên tại Thụy Điển hồi tháng 10 năm ngoái đã bị phá vỡ.

Bước vào năm 2020, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố tăng cường răn đe hạt nhân trước các biện pháp trừng phạt và gây áp lực của Mỹ. Động thái này cho thấy Triều Tiên không còn “tặng” Tổng thống D.Trump những cuộc họp cấp cao để  ông có thể “ghi điểm” vào bảng thành tích về chính sách đối ngoại của mình trong “cuộc chạy đua” vào chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ mới.

Mỹ và Triều Tiên cần có sự thay đổi nếu muốn tạo ra đột phá trong đàm phán hạt nhân.

Mỹ và Triều Tiên cần có sự thay đổi nếu muốn tạo ra đột phá trong đàm phán hạt nhân.

Tiến trình phi hạt nhân hóa bế tắc

Chỉ cách đây vài tuần, Triều Tiên tăng cường áp lực chống lại Hàn Quốc với những hành động mạnh mẽ như làm nổ tung một văn phòng liên lạc liên Triều trên lãnh thổ của mình, tăng cường đưa quân tới khu vực biên giới, nối lại các cuộc tập trận quân sự hay dọa sẽ từ bỏ một thỏa thuận quân sự song phương... Tất cả khiến các nhà phân tích dự cảm về tình huống đối đầu trực diện sẽ xảy ra. Tuy nhiên ngay sau đó, Triều Tiên bất ngờ “xuống thang” cũng nhanh như khi khởi xướng,  với  hàng loạt các hành động như dỡ bỏ các loa phóng thanh, dừng các kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc. Những tín hiệu này cho thấy quan hệ liên Triều đang được cải thiện, những căng thẳng được làm dịu trở lại.

Trong khi Mỹ và Hàn Quốc liên tục xúc tiến các giải pháp ngoại giao thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thì Bình Nhưỡng dường như không mở ra cơ hội nào cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Mặt khác, Mỹ và Hàn Quốc  cũng không quên nhắc lại cam kết phối hợp phòng thủ để Triều Tiên thận trọng trong mỗi quyết định của mình. Đến nay, tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy hồi sinh trở lại, nhất là khi Mỹ vẫn cáo buộc Triều Tiên chưa bao giờ ngừng chế tạo đầu đạn hạt nhân và tên lửa, thông tin  này được một số quan chức tình báo Mỹ và các nhà phân tích tiết lộ với NBC News.

So với vài tuần trước, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt nhưng  những thành quả ngoại giao suốt 2 năm qua của các bên hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân dường như đã không còn. Điều này chứng tỏ rằng khi một bên mất kiên nhẫn, rất có thể những điều tồi tệ nhất và không ai mong muốn sẽ xảy ra. Thay vì những quyết định  cứng rắn, cả Mỹ và Triều Tiên cần phải có một sự thay đổi nếu muốn tạo ra đột phá trong đàm phán phi hạt nhân.


Trần Hải
Ý kiến của bạn