Văn học “xanh” và sứ mệnh người cầm bút

17-02-2017 07:02 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Theo lẽ tự nhiên, khi con người đã mệt mỏi với sự xô bồ của thời đại và phiền não với những vấn nạn ô nhiễm môi trường thì sống xanh và quay trở về với tự nhiên đang trở thành một xu hướng tất yếu.

Văn học sinh thái chưa hẳn là một mảng văn học phổ biến ở Việt Nam, nhưng gần đây đã xuất hiện trở lại, góp phần thức tỉnh và có những cái nhìn mới mẻ hơn đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Hiểu rõ hơn văn học sinh thái, phê bình sinh thái

Trên thế giới, vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, giới nghiên cứu mới bắt đầu đảm nhận công việc cộng tác các dự án, vì thế lĩnh vực nghiên cứu văn học môi trường mới được ra đời và phát triển vào đầu thập niên 90. Năm 1985, Frederick Owaage biên tập cuốn sách mang tên Giảng dạy văn học môi trường: Tài liệu, Phương pháp và Tiềm năng phát triển (Teaching Environmental Literature: Materials, methods, Resources) bao gồm đủ các loại chiều hướng của 19 nhà nghiên cứu khác nhau và cố gắng thúc đẩy một vóc dáng to lớn hơn của sự thức nhận và quan tâm tới vấn đề môi trường trong văn học.

Năm 1989, Alicia Nitecki viết Bản tin văn học Mỹ về các đề tài tự nhiên (The American Nature Writing Newsletter) nhằm mục đích công bố các bài luận vắn tắt, điểm sách, những ghi chú khóa tốt nghiệp và những thông tin liên quan đến nghiên cứu cách viết về tự nhiên và môi trường. Theo đó, một vài trường đại học cũng đã bắt đầu đưa vào trong các khóa văn học của họ chương trình giảng dạy về nghiên cứu môi trường, một vài chương trình và học viện về tự nhiên và văn hóa mới được thành lập. Điển hình, năm 1990, Trường đại học ở Nevada, Reno đã tạo ra môi trường hàn lâm của văn học và môi trường.

Thông qua các tác phẩm kinh điển và những tác phẩm đương đại, có lẽ độc giả đã phần nào hiểu rằng, người cầm bút không chỉ viết bằng đam mê mà họ đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với tự nhiên.

Thông qua các tác phẩm kinh điển và những tác phẩm đương đại, có lẽ độc giả đã phần nào hiểu rằng, người cầm bút không chỉ viết bằng đam mê mà họ đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với tự nhiên.

Theo định nghĩa chung, văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái. Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng hơn là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn học sinh thái, phê bình sinh thái đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã có các tác phẩm mang tư tưởng sinh thái như Sống mãi với cây xanh của Nguyễn Minh Châu, Kiến và người, Mối và người, Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên...  Đặc biệt, tiểu thuyết Trăm năm còn lại được Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh giá là cuốn tiểu thuyết dữ dội nhất của văn học Việt Nam, dẫn dắt chúng ta vào tận thế giới bên trong chứa đầy sức bạo liệt của rừng. Đó đều là những tác phẩm thể hiện sự yêu thương, tôn trọng của con người đối với tự nhiên. Gần đây, trong truyện ngắn Khói trời lộng lẫy (2010), Nguyễn Ngọc Tư cũng bộc lộ tư duy sinh thái khi đan lồng vào câu chuyện tình yêu, thù hận muôn thuở của con người, nỗi day dứt vì cái đẹp hoang sơ, chân chất của tự nhiên đang “một đi không trở lại”.

Gần đây nhất, cuốn tiểu thuyết Vết thương hoa hồng của Nguyễn Văn Học được NXB Hà Nội phát hành, gợi rất nhiều về những nỗi đau nơi làng quê. Đặc biệt, tác phẩm chứa thông điệp môi sinh đầy tính nhân văn. Vết thương hoa hồng được cho là một diễn ngôn môi trường đáng đọc trong hoàn cảnh hiện nay. Tác phẩm là một lời cảnh báo, một thông điệp môi trường gửi đến tất cả chúng ta, cần phải có hành động thiết thực nào đó, ngay từ hôm nay nhằm bảo tồn môi trường sống chung cho chính chúng ta và những thế hệ sau này.

Trong giai đoạn hiện nay, dường như các tác phẩm văn chương đều có xu hướng phản ánh đề tài nông thôn và đặc biệt khắc họa sâu vào những nỗi đau mới của đồng chiêm mùa trũng đang vắng bóng, bởi vậy, Vết thương hoa hồng được xem như một tác phẩm chạm được vào những vấn đề đang nhức nhối của những miền quê đang đứng trước sự thay đổi diện mạo từng ngày. Qua lăng kính của tác giả, bất kỳ ai cũng sẽ thấy những thân phận và các vấn đề mới của nông thôn được miêu tả hết sức uyển chuyển và không kém phần đau đớn.

Đáng chú ý, chi tiết cơn bão cuối truyện là sự giận dữ của mẹ thiên nhiên trước sự đối xử tàn ác của con người. Những thứ đại diện cho sự tàn phá và hủy hoại của con người sẽ bị thiên nhiên phá hủy. Những hàng cây mà nhân vật trong truyện chăm sóc vẫn nảy mầm xanh tốt sau cơn bão là một gợi ý về sự ăn năn và hàn gắn những vết thương của những con người biết quý trọng giá trị thực của cuộc sống... Bằng một phong cách sáng tạo đan xen giữa hiện thực và huyền ảo trong Vết thương hoa hồng, tác giả đã tạo nên một câu chuyện rất đời nhưng cũng đầy tính dự cảm về tương lai của người nông dân.

Sứ mệnh người cầm bút

Thông qua các tác phẩm kinh điển và những tác phẩm đương đại, có lẽ độc giả đã phần nào hiểu rằng, người cầm bút không chỉ viết bằng đam mê mà họ đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với tự nhiên. Người cầm bút đại diện cho tiếng nói của thiên nhiên, khẩn thiết kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái. Có thể nói, văn học sinh thái đưa trách nhiệm của nhân loại đối với tự nhiên thành định hướng đạo đức chủ yếu.

Nói cách khác, bất kể là tên gọi gì, hầu hết tác phẩm phê bình sinh thái đều có chung một động cơ, đó là nỗi day dứt rằng chúng ta đã đi tới thời đại môi trường cạn kiệt, một thời đại mà hậu quả hành động của con người đang tàn phá hành tinh. Đã có những học giả từng nói: “Con người đang tàn phá vẻ đẹp tự nhiên và đẩy vô vàn sinh vật đến bên bờ tuyệt chủng trong cuộc chạy đua điên rồ của chúng ta tới ngày tận thế. Rất nhiều đồng sự trong các trường đại học trên thế giới đã nhận thức được rằng chúng ta đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khí chất và tài năng của chúng ta đã ký thác trong các khoa văn học, nhưng khi những vấn đề môi trường càng trở nên tồi tệ hơn, công việc lệ thường dường như phù phiếm quá đỗi. Nếu chúng ta không là một phần của đáp án, chúng ta là một phần của vấn đề”.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nguy cơ sinh thái, ô nhiễm môi trường, tàn phá môi trường. Những vấn nạn ấy đang được các phương tiện truyền thông đề cập mỗi ngày, và vì thế, văn học không thể đứng ngoài cuộc.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn