Hà Nội

Văn học về người lính hôm nay còn mờ nhạt

21-12-2013 00:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Người lính là đối tượng sáng tác chính của các nhà văn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta.

Người lính là đối tượng sáng tác chính của các nhà văn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta. Thành tựu và hạn chế của văn học kháng chiến với hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” là nhân vật trung tâm đã được nhiều nhà lý luận phê bình nghiên cứu, công bố. Thời bình, khi người lính không còn chiếm vị trí trung tâm trong đời sống xã hội nữa thì sự chú ý của các nhà văn đối với họ chắc chắn không còn như trước đây. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì người lính vẫn là đối tượng sáng tác quan trọng của các nhà văn.Tuy vậy, nhìn lại mấy năm qua, trong văn học nước nhà, hình ảnh người lính hôm nay xuất hiện khá thưa thớt và mờ nhạt. Những tác phẩm viết về họ vừa ít ỏi vừa chưa ấn tượng và nhìn chung là bị chìm khuất giữa muôn vàn loại sách khác.

Dễ thấy nhất là không có nhiều nhà văn tâm huyết với việc sáng tác về người lính hôm nay. Thế hệ nhà văn chống Mỹ hầu như vẫn trung thành với mảng hiện thực cuộc sống đã trải qua và như chúng ta thấy, tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ của họ chủ yếu là sự xới xáo, đào sâu ký ức chiến tranh. Thế hệ nhà văn xuất hiện sau chiến tranh chống Mỹ, do nhiều lý do cũng lần lượt tìm đến những lối nẻo, vùng miền, đối tượng khác, ngoài người lính, với hy vọng không bị cây cao bóng cả che khuất lại thời thượng, hợp với thị hiếu bạn đọc hôm nay.

Những tác phẩm viết về người lính ngày càng ít trên kệ sách.

Lực lượng cầm bút mà ta đặt nhiều hy vọng nhất cho đề tài này là các nhà văn mang áo lính cũng rất mỏng và tâm huyết hình như bị rơi rụng đi khá nhiều theo thời gian và sức ép của cuộc sống. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Số tác giả viết về người lính hôm nay lác đác mươi mười lăm người với những Sương Nguyệt Minh, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Phùng Văn Khai, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Hồ Kiên Giang, Phạm Vân Anh, Mai Nam Thắng, Bùi Như Lan, Nguyễn Phú, Quỳnh Vân, Nguyễn Anh Nông... Đi đến các đơn vị, tôi thấy trên giá sách của những người lính thời bình mới có Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy, Chuyện lính của Nguyễn Đình Tú, Lẽ sống của Phùng Văn Khai, Biển xanh màu lá của Nguyễn Xuân Thủy... và đôi ba tập truyện ngắn, thơ của vài tác giả khác nữa.

Một số cây bút khác nổi tiếng trên văn đàn đang ở trong quân đội thì hầu như vẫn đang án binh bất động với đề tài này. Hiện nay, trong quân đội có một dàn nhà văn theo tôi là sáng giá như Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Phạm Thanh Khương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Phùng Văn Khai, Hồ Kiên Giang, Phạm Vân Anh, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Phú... Tôi tin những nhà văn này nếu tâm huyết và được tạo điều kiện thuận lợi chắc chắn sẽ viết được những tác phẩm hay về người lính hôm nay.

Thực trạng èo uột cả số lượng và chất lượng tác phẩm viết về người lính hôm nay không biết có làm cho những người làm công tác tư tưởng văn hóa day dứt trăn trở hay không? Nhưng phần thiệt thòi nhất là những người lính của chúng ta không được đọc các tác phẩm viết về họ. Những người lính ấy đang bám trụ nơi hải đảo biên cương, đang lăn lộn trên các nẻo đường tuần tra biên giới, đang đổ mồ hôi trên các công trình xây dựng và cả trên thao trường, giảng đường nữa... Lẽ nào họ không mong mỏi các nhà văn đến với mình, viết về mình bằng niềm cảm hứng dạt dào, bằng sự thâm nhập sâu kỹ như các thế hệ nhà văn đi trước. Có xuống đơn vị mới biết cánh lính ta yêu quý, trân trọng nhà văn như thế nào. Tôi đã lên một số đồn biên phòng ở những vùng cương vực heo hút hay ra Trường Sa trập trùng mây nước mới thấm thía sự hy sinh, sức chịu đựng của người lính thời bình và cả tình cảm của họ dành cho các nhà văn. Họ thuộc tên nhiều nhà văn mang áo lính đấy, họ nhắc đến tên những truyện ngắn hay đã được đọc và đôi khi những chàng lính trẻ còn chép thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp lên báo tường đơn vị. Tôi kể ra chuyện ấy để nói rằng người lính hôm nay vẫn rất cần những tác phẩm văn chương viết về bộ đội. Và tôi nghĩ, cuộc sống người lính thời bình không cằn cỗi, đơn sơ như ai nghĩ, nó tồn tại những mối quan hệ phức tạp như trong xã hội; mặt tốt mặt xấu, cái hay cái dở, cao cả thấp hèn, hiến dâng trốn tránh... đều có cả. Môi trường người lính thời bình vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn trong và ngoài quân đội thâm nhập, tìm hiểu, khai thác thực tế để viết về họ một cách tự nguyện, tâm huyết, kỹ càng chứ không phải là những tác phẩm chiếu lệ, hời hợt, nông cạn.

Tuy nhiên, theo tôi, ngoài sự dấn thân của người cầm bút cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho mảng đề tài này. Quân đội nên có những trại viết riêng dành cho đề tài người lính hôm nay với kinh phí thỏa đáng và cách tổ chức bài bản. Cần động viên khuyến khích bằng nhiều hình thức với những nhà văn chuyên tâm viết về người lính hôm nay. Một việc không thể bỏ qua là mở các cuộc vận động, các cuộc thi viết về người lính hôm nay với sự đầu tư kinh phí xứng đáng. Hình như chưa có cuộc vận động hay cuộc thi sáng tác văn học nào cho đề tài này. Hô hào cổ vũ đã nhiều nhiều nhưng để cho những mong muốn trở thành hiện thực, không con đường nào khác là phải “chịu” đầu tư và biết tổ chức.

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu làm cho mảng sáng tác văn học về người lính hôm nay còn mờ nhạt là do các nhà văn còn thiếu tâm huyết; thiếu vốn sống thực tế; thiếu sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng ở các cấp.

Để ước mong biến thành hiện thực có bao nhiêu công việc cần làm, phải làm mà nếu không khởi động ngay thì mọi cái đã chậm, đang chậm sẽ chậm hơn. Chậm ngày nào là có lỗi với những người lính thân yêu của chúng ta ngày ấy.           

Nguyễn Hữu Qúy

 


Ý kiến của bạn