Văn học trinh thám cần được... khai hoang

28-12-2018 10:11 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Là một thể loại cuốn hút bạn đọc, từng có thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng văn học trinh thám Việt (truyện ngắn, tiểu thuyết) càng về sau càng thưa vắng tác phẩm nổi bật trên văn đàn. Tác phẩm mới ít ỏi hoặc chất lượng chưa cao nên nhiều độc giả mong rằng, văn học trinh thám được ví như mảnh đất màu mỡ cần được “khai hoang” trong tương lai gần.

Bởi lẽ, các truyện ngắn, tiểu thuyết trinh thám giúp độc giả được rèn luyện tư duy, khả năng suy luận, trí tưởng tượng và học thêm những kiến thức mới. Bên cạnh đó, các tác phẩm trinh thám thường có văn phong rất tinh tế và chất riêng, tác giả thường tạo ra những cảnh vô cùng thật, sống động, dẫn dắt người đọc vào thế giới của câu chuyện và độc giả cảm thấy mình như đang ở đó, lơ lửng phía sau nhân vật chính và theo dõi những gì đang xảy ra. Những âm mưu phức tạp, những tình tiết lắt léo, đan xen được liên kết với nhau một cách tài tình và cái kết luôn chứa đựng sự bất ngờ. Và nhiều độc giả thích đọc truyện trinh thám bởi sự hồi hộp, gay cấn mà tác phẩm đem lại.

Dòng chảy văn học Việt cho thấy, thể loại văn học này xuất hiện sớm trên văn đàn và thời kỳ hưng thịnh nhất văn học trinh thám nước ta từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, nổi bật nhất thời kỳ này là bộ tiểu thuyết Thám tử Kỳ Phát của nhà văn Phạm Cao Củng. Mới đây, series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn: Đám cưới Kỳ Phát; Nhà sư thọt; Chiếc tất nhuộm bùn; Vết tay trên trần; Kỳ Phát giết người đã được tái bản và phát hành ở nước ta. Bộ tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng tiếp tục được độc giả đón nhận bởi thấy được tác giả đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức...Vì thế, hành trình phá án của nhân vật Kỳ Phát hấp dẫn và chinh phục độc giả nhờ sự thông minh, nhạy bén, chất nghĩa khí và tài năng.

Văn học trinh thám cần được... khai hoangBộ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng Thám tử Kỳ Phát ra đời 80 năm trước vừa được tái bản.

Sau này, văn học Việt có nhiều tác phẩm trinh thám nổi tiếng, người đọc chọn mua để “gối đầu giường” như tác phẩm Gói thuốc lá, Vàng máu, Đòn hẹn của Thế Lữ, Sóng lừng của Triệu Xuân, Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, X30 phá lưới (Đặng Thanh), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trường Thiên Lý), Ông cố vấn (Hữu Mai), Vị tướng tình báo và hai bà vợ (Đặng Trần Thiết)... Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, trước năm 1945 rất nhiều tác giả đã từng viết truyện trinh thám, nhưng sau đó, thể loại văn học này vắng bóng dần. Mãi tới năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, văn học trinh thám Việt Nam mới manh nha trở lại, đặc biệt khi một số bản truyện cũ được bắt đầu in lại. Gần đây, một số tác giả trẻ dấn thân, sáng tác về thể loại trinh thám và có những tác phẩm để lại ấn tượng với độc giả như Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 (tác giả Di Li); Sát thủ online, Có tiếng người trong gió (Nguyễn Xuân Thủy); Phiên bản, Hồ sơ một tử tù, Cô mặc sầu (Nguyễn Đình Tú); Ổ buôn người (Giản Tư Hải), Biến mất (Quang Vinh), Những hiệp sĩ Zmen (Bùi Chí Vinh)... Đặc biệt, năm 2017, cậu bé Lê Anh Xuân (sinh năm 2002) mắc chứng bệnh xương thủy tinh đã gây ấn tượng mạnh với độc giả Việt khi ra mắt bộ truyện tranh trinh thám Biệt đội AHHV.

Theo các chuyên gia, văn học trinh thám Việt dù là “miếng bánh béo bở” nhưng thời gian qua chưa có nhiều tác phẩm chất lượng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do bối cảnh, văn hóa, xã hội khác biệt với phương Tây.  Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thể loại trinh thám khó viết hơn so với những thể loại khác bởi đòi hỏi người cầm bút không chỉ giỏi trí tưởng tượng, tài hư cấu, kể chuyện mà còn am tường các mặt của đời sống xã hội, các kiến thức khoa học trên nhiều lĩnh vực và thuần thục các thao tác phán đoán, phân tích, lập luận. “Văn học trinh thám là một mảnh đất chưa được khai hoang nhiều, bởi viết trinh thám không đơn giản. Để viết được trinh thám, đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng, đa ngành, đa lĩnh vực và cả hiểu biết về khoa học, xã hội, văn hóa. Thực sự để có thể cho ra đời một tác phẩm trinh thám hay cần phải có sự đầu tư nghề rất cao” - PGS. TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn nhận xét.

Và để “khai hoang” văn học trinh thám Việt trong thời đại mới, độc giả cho rằng các tác phẩm cần đầu tư những cốt truyện để kích thích trí tưởng tượng, tư duy logic, suy luận... thay vì đọc tác phẩm mà độc giả bị rối hoặc không hiểu gì. Ngoài ra, các cây bút viết về đề tài trinh thám cần vươn tới những tác phẩm có tầm tư tưởng phổ quát về nhân sinh, từ đó kiếm tìm, thể nghiệm những hình thức biểu đạt mới phù hợp với sự phát triển của văn học thế giới, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Nếu chỉ dừng lại ở những tên tuổi và tác phẩm kể trên, văn học trinh thám nước ta sẽ khó tạo được sự đột phá, thiếu vắng tác phẩm trinh thám vừa có tính giải trí, vừa có sự thể nghiệm cái mới, vừa có thể khơi mở về trí tuệ.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn