“Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, tác phẩm văn học thiếu nhi mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra kỷ lục về số lượng bản in trong làng xuất bản Việt. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có những dấu mốc quan trọng trên cuộc hành trình sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi. Tôi tự hỏi, sau nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, gương mặt nào có thể “nối dài” những tác phẩm văn học thiếu nhi sinh động, trong sáng và giàu tính nhân văn như thế?
Thiếu vắng những sáng tác hay cho thiếu nhi
100 nghìn bản in ngay trong lần xuất bản đầu tiên của Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng có lẽ sẽ là kỷ lục mà khó nhà văn, nhà thơ nào có thể “xô đổ”. Nhìn lại chặng đường mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đi qua, có thể thấy rằng, “chìa khóa” tạo nên sự thành công trong những sáng tác của ông là khả năng nắm bắt tâm lý thiếu nhi. Thiếu nhi mỗi thời mỗi khác, cách tiếp cận cuộc sống, cách suy nghĩ cũng khác nhau nhưng sâu thẳm những tâm hồn ấy vẫn là sự trong sáng, hồn nhiên, khát khao được khám phá thế giới xung quanh. Sự tài tình, khéo léo của Nguyễn Nhật Ánh đã khiến những tác phẩm được sáng tác từ lâu, những tưởng chỉ phù hợp với thế hệ 7X, 8X vẫn được thế hệ 9X, 10X đón nhận.
Dù ra đời đã lâu, “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn là tác phẩm tiêu biểu của văn học thiếu nhi.
Có lẽ, thật khó để “điểm danh” những tác giả có nhiều tác phẩm viết về thiếu nhi xuất sắc trong làng văn Việt Nam hôm nay. Một số tác giả viết về văn học thiếu nhi được biết đến thời gian gần đây như Lê Hữu Nam, Phương Huyền, Trương Tiếp Trương, Vũ Hương Nam, Đinh Thị Thu Hằng, Ngọc Linh, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Thị Kim Hòa...; những “thần đồng” nhỏ tuổi như Đan Thy, Nguyễn Bình, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam, Đặng Chân Nhân... đã góp phần làm sôi động sân chơi này nhưng chưa có được tác phẩm thực sự xuất sắc, có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Trên các kệ sách văn học thiếu nhi, sách văn học thiếu nhi dịch từ nước ngoài, đặc biệt là truyện tranh từ Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế. Một trang báo mạng từng tiến hành cuộc khảo sát, thống kê những tác phẩm văn học thuần Việt “kinh điển” cho thiếu nhi. Kết quả khiến không ít người “giật mình” vì phần lớn, đó là những tác phẩm đã ra đời từ rất lâu và tác giả là “cây đa, cây đề” trong làng văn Việt Nam như: Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Quê nội (Võ Quảng), Chuyện hoa, chuyện quả (Phạm Hổ), Búp sen xanh (Sơn Tùng), Kính Vạn Hoa (Nguyễn Nhật Ánh), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa (Nguyễn Ngọc Thuần)....
Sự thiếu vắng những tên tuổi mới, tác phẩm mới trong danh sách này khiến nhiều người lên tiếng lo ngại về sự phát triển của mảng văn học thiếu nhi trong tương lai. Cuộc sống không ngừng chuyển động và thiếu nhi ở mỗi thế hệ cần có những tác phẩm văn học phản ánh chính thời đại mà họ đang sống.
Cần những cú “hích”
Viết cho thiếu nhi khó bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do người viết có kinh nghiệm nhưng trải qua tuổi thơ đã lâu nên sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc khai thác mảng đề tài này. Họ cần phải “trẻ hóa”, “hồi tưởng” về tuổi thơ của mình hoặc lấy đó làm chất liệu để sáng tác. Sự chênh lệch lứa tuổi giữa người viết và độc giả là “rào cản vô hình” mà người viết phải vượt qua. Nếu không bước qua được “rào cản” này, tác phẩm sẽ chỉ là những câu chuyện, bài thơ “viết về thiếu nhi” chứ không phải “viết cho thiếu nhi”. Bên cạnh đó, nhiều tác giả than phiền rằng, viết cho thiếu nhi nhuận bút ít, danh tiếng không nhiều. Có tác giả khởi đầu bằng việc viết truyện cho thiếu nhi nhưng đành phải đổi hướng sang viết cho người lớn để “lấy ngắn nuôi dài”.
Một điều không thể phủ nhận là, văn học thiếu nhi thiếu sân chơi cho người viết. Những cuộc thi, hội thảo, trại sáng tác chuyên đề văn học thiếu nhi khá thưa vắng, èo uột. Rất hiếm giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, hay tác phẩm văn học thiếu nhi được vinh danh tại các giải thưởng trong nước. Trong mấy năm gần đây, đáng kể nhất là Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng làm cầu nối. Hội Nhà văn Việt Nam với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có ký kết Chương trình hành động đẩy mạnh sáng tác cho thiếu nhi (bắt đầu từ năm 2013). Hai sân chơi này là nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng trong việc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi. Thông qua những chương trình, dự án đã xuất hiện gương mặt mới, triển vọng với những sáng tác ít nhiều được dư luận xã hội quan tâm. Điều đáng tiếc là, hai dự án, chương trình này sẽ kết thúc trong năm tới.
Văn học thiếu nhi vốn được coi là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng bởi độc giả nhí có số lượng khá đông đảo, trong khi các bậc phụ huynh luôn mong muốn tâm hồn con em mình được nuôi dưỡng bằng những tác phẩm văn học trong sáng, đúng tâm lý lứa tuổi, giàu tính nhân văn. Văn học thiếu nhi đang rất cần đến những “bệ đỡ” từ các cơ quan chức năng để phát triển.
Tôi cho rằng, đầu tư cho văn học thiếu nhi chính là đầu tư cho sự phát triển của tương lai bởi đây là một trong những mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Mảnh đất văn học thiếu nhi cần gieo trồng thêm những hạt giống mới bởi một cánh én nhỏ như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng chẳng thể làm nên mùa xuân...