Khái niệm “hiện thực huyền ảo” không xa lạ đối với giới đọc. Thậm chí dòng văn học này đã xuất hiện từ rất lâu, trở thành một trường phái quan trọng trong văn học đương đại châu Mĩ La tinh và là một trong những trường phái chủ yếu của văn học hiện đại phương Tây. Tại Việt Nam, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đang lên ngôi ngay cả khi nhiều độc giả theo chủ nghĩa hiện thực phản đối quyết liệt, cho rằng họ không thể chấp nhận thứ văn học... không có thật.
Nền tảng vững vàng
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là trường phái văn học hình thành và phát triển trong khoảng những năm 40 đến những năm 50 của thế kỉ XX. Nhà văn Cuba Carpentier khi viết lời tựa cho cuốn “Vương quốc của thế giới” đã không dùng từ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” mà là “hiện thực thần kì”. Ông nói: “Thần kì là sự đột biến của hiện thực, là sự biểu hiện đặc thù đối với hiện thực, là sự thể hiện kì diệu khác biệt, phi thường đối với tính phong phú của hiện thực, là cường điệu quy mô và trạng thái của hiện thực. Có thể nói, sự phát hiện hiện thực thần kì này mang đến cho người đọc sự hưng phấn tinh thần đến cực điểm”.
Trăm năm cô đơn của G.Marquez xuất bản năm 1967 được coi là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, vì tác phẩm này không chỉ tái hiện lịch sử hơn 100 năm của làng Macondo, mà từ những góc độ khác nhau phản ánh hiện thực xã hội và diễn biến lịch sử của đất nước Columbia và toàn bộ châu Mĩ La tinh. Tính hiện thực trong tác phẩm được thể hiện rất cao, đồng thời, bộ tiểu thuyết này còn vận dụng thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa huyền ảo, sự kiện con người và hình tượng kì dị, tập tục và thần thoại kết hợp với điềm báo, cảm ứng, người chết có thể sống lại, tấm thảm có thể bay, thiếu nữ có thể lên trời. Đây được cho là một trong những tác phẩm kì quái, mơ hồ và khó hiểu.
Có thể khẳng định, hiếm có dòng văn học nào sở hữu nền tảng đáng ngưỡng mộ như hiện thực huyền ảo. Bất kỳ độc giả nào “chân ướt chân ráo” bước vào thế giới đọc đều biết đến tác phẩm kinh điển này, và có lẽ họ đều không thể chối bỏ thứ văn học tạo nên “sự hưng phấn tinh thần đến cực điểm”.
Tính đến nay, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chưa ghi dấu một sự thoái trào nào, thậm chí dòng văn học “siêu thực” này còn đang phát triển khá toàn diện. Tại Việt Nam, hiện thực huyền ảo vẫn là xu hướng “hot” của các nhà văn trẻ. Năm 2014, trong lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần thứ V do Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức đã ghi nhận sự lên ngôi của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Thực tế, trong số 9 tác phẩm được ban tổ chức đánh giá cao và trao giải thì có đến 3 tác phẩm thuộc dòng văn học kỳ ảo: “Người ngủ thuê”, “URem - người đang mơ”, “Hạt hòa bình”.
Nếu với “Hạt hòa bình”, yếu tố kỳ ảo khiến cho câu chuyện được hòa trộn cả mơ và thực cùng sự khốc liệt của chiến tranh một thời được giảm tải đi nhiều trong chuyến phiêu lưu của nhân vật chính thì với “URem - người đang mơ”, những đặc trưng của dòng văn học kỳ ảo như chất phiêu lưu với yếu tố kỳ ảo, viễn tưởng thể hiện đậm đặc. Nội dung câu chuyện hoàn toàn khác lạ với số đông và cách dẫn dắt, cài cắm thông minh của người viết khiến người mê đọc văn học kỳ ảo dễ bị lôi cuốn và khó rời khỏi trang sách. Với “Người ngủ thuê” - tác phẩm đầu tay của Nhật Phi, chàng trai trẻ Hà Nội được chọn trao giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ V đã nhận được sự đánh giá cao của hầu hết các thành viên hội đồng giám khảo. Nhiều thành viên trong hội đồng thừa nhận, mới đọc qua tựa sách đều nghĩ rằng “Người ngủ thuê” viết về sex nhưng bất ngờ là cuốn sách đặt một vấn đề rất nghiêm túc là đời sống của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Trong khi nhiều người trẻ hiện nay quá bận rộn, quá nhiều việc để làm đến mức dành quỹ thời gian để ngủ cũng... tiếc thì lại có những bạn trẻ sống không mục đích. Điều thú vị là vấn đề này lại được chuyển tải dưới hình thức còn khá mới mẻ tại Việt Nam: hiện thực huyền ảo.
“Phe đối lập” nghĩ gì?
Những độc giả theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cho rằng, hầu hết các tác phẩm theo xu hướng này không hoàn toàn mơ hồ và xa rời thực tế. Có một điểm chung giữa các tác phẩm hiện thực huyền ảo là phản ánh được những vấn đề của xã hội hiện đại, đặc biệt là của những người trẻ. Tuy nhiên, phe đối lập với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, những độc giả tôn thờ “sự thật” thuần túy thì cho rằng, những yếu tố không có thật chẳng giải quyết được vấn đề gì!
Suy cho cùng, không chỉ văn chương mà hội họa, âm nhạc hay bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng vậy, xung đột là yếu tố cần thiết, nó xảy ra khi nghệ thuật chia làm nhiều mảng, nhiều phong cách. Đối với dòng văn học hiện thực huyền ảo, dù được phóng bút bằng cách này hay cách khác thì việc chuyển tải được những thông điệp cần thiết của cuộc sống một cách hấp dẫn và mới mẻ đều mang đến cho bạn đọc món ăn tinh thần bổ ích.
Chúng ta không nên vội vàng định kiến với bất kỳ phong cách nào bởi một điều vô cùng giản dị, con người và xã hội vốn sinh ra văn chương là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần giàu có và cao đẹp vô hạn của chính mình. Nếu vội vàng kết luận dòng văn học hiện thực huyền ảo là “đồ giả”, “đồ thừa” và cản trở sự phát triển tự nhiên, sống động của đời sống thực thì có nghĩa chúng ta đang chối bỏ một thứ nhu cầu tối thiểu của đời sống tinh thần và đang ngoảnh mặt với văn chương.
Nam Phương