Văn học du ký: Hồi sinh và đắt khách

20-07-2013 16:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thời gian gần đây, thị trường xuất bản nước nhà xuất hiện hàng loạt tác phẩm thuộc thể loại du ký. Đặc biệt, những cuốn sách này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý và đón nhận nồng nhiệt từ các độc giả trẻ.

Thời gian gần đây, thị trường xuất bản nước nhà xuất hiện hàng loạt tác phẩm thuộc thể loại du ký. Đặc biệt, những cuốn sách này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý và đón nhận nồng nhiệt từ các độc giả trẻ. Vậy điều gì đã khiến cho du ký - một thể loại văn học từng một thời nở rộ trong lịch sử văn học Việt Nam giờ lại hồi sinh và lên ngôi?

Cơn sốt mang tên “sách du ký”

Đầu tháng 6/2013, cuốn sách John đi tìm Hùng của tác giả Trần Hùng John do NXB Kim Đồng ấn hành ra mắt độc giả. Sẽ không có gì đáng nói nếu như cuốn sách không nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khi cái tên Trần Hùng John lại là cái tên hoàn toàn xa lạ với văn đàn và văn phong của anh cũng không có gì đặc biệt. Sự thành công của cuốn sách này chỉ có thể lý giải bởi một điều: nó được ra đời đúng vào lúc cơn sốt sách văn học du ký đang lên cao. Không chỉ với John đi tìm Hùng mà thời gian vừa qua, thị trường xuất bản còn ghi nhận sự thành công của hàng loạt tác phẩm cùng thể loại du ký khác như Nước Ý, câu chuyện tình của tôi của nhà báo Trương Anh Ngọc, Xách ba lô lên và đi (tập 1 mang tên Châu Á là nhà. Đừng khóc) của cô gái 20 tuổi Khánh Huyền hay Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai, Một mình ở châu Âu của Phan Việt... Những cuốn sách này hầu hết được viết bởi các cây bút không chuyên nhưng lại rất hút khách và nhanh chóng được tái bản. Cùng với sự đa dạng về nội dung, sự phong phú về phong cách bút pháp và sự đầy đặn về tư liệu, chúng đã và đang tạo nên một cơn sốt văn học du ký cho thị trường xuất bản nước nhà.

Văn học du ký: Hồi sinh và đắt khách 1Những cuốn sách du ký gây chú ý trong thời gian gần đây.    Ảnh: T.Mai

Thể loại du ký hay còn gọi là thể tài du ký đã xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam từ rất sớm. Ngay trong nền văn học trung đại, người ta đã thấy xuất hiện các bài thơ, bài phú với nội dung ghi chép lại những sự kiện cũng như những danh lam thắng cảnh trong các cuộc du hành của những người lữ khách. Sau một thời gian dài bị bỏ quên, vài năm trở lại đây, sách du ký bỗng dưng xuất hiện liên tiếp trên thị trường Việt Nam như các cuốn: Tay mình còn thơm mùi oải hương và Bánh mì thơm, cà phê đắng của Ngô Thị Giáng Uyên hay Những đốm lửa bên vịnh Tây Tử của Trang Hạ và rất nhiều cuốn khác của các tác giả nữ như: Dương Thụy, Di Li, Hà Kin..., thậm chí có cả tác phẩm du ký của tác giả sống ở nước ngoài chia sẻ những trải nghiệm về con người và đất nước Việt như hai cuốn Một mình trên đường và Ngã ba đường (ra mắt vào tháng 4/2013) của nữ nhà văn Việt kiều Lệ Tân Sitek. Thêm vào bức tranh đa sắc cho văn học du ký còn có sự góp mặt của các nhóm phượt và yêu thích du lịch khám phá như Tây Bắc group với các bài viết nhật ký về các chuyến đi. Ngay thời điểm giữa tháng 6/2013 mới đây, Nhà xuất bản Tri Thức cũng cho ra mắt bạn đọc cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký dày hơn 500 trang, tuyển chọn những bài viết thuộc thể loại du ký đăng trên tạp chí Nam Phong trong suốt 17 năm tồn tại (1917 - 1934). Điều đó cho thấy, văn học du ký đang có chiều hướng nở rộ và theo đó, thị trường xuất bản sách cũng trở nên sôi động và khí thế hơn với các tác phẩm thuộc thể loại này. Anh Đặng Trần Quân - đại diện truyền thông của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết: “Những cuốn sách thuộc thể loại du ký hiện nay rất được các độc giả trẻ yêu thích. Để đáp ứng nhu cầu đó, Nhã Nam đã xuất bản hai đầu sách của Việt Nam và bốn đầu sách của nước ngoài”.

Trước mắt, có thể thấy bản thảo tập hai trong series Lên đường với trái tim trần trụi của Phương Mai kể về hành trình đi qua các nước Hồi giáo, bản thảo tập hai chuẩn bị xuất bản của Huyền Chip trong series Xách ba lô lên và đi kể về chuyến đi qua châu Phi và châu Mỹ; phần hai trong bộ Bất hạnh cũng là một tài sản của Phan Việt và rất nhiều cuốn sách văn học du ký khác đang chờ ra mắt.

Sức hút từ những bước chân

Cùng với sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm văn học du ký ăn khách trong thời gian gần đây là sự phát triển của lực lượng các cây viết chuyên nghiệp và không chuyên. Từ đó, người ta có thể dự đoán rằng, trong tương lai không xa, văn học du ký sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều gì đã khiến cho du ký - một thể loại văn học đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử văn học Việt lên ngôi ở thời điểm hiện tại – đó là câu hỏi của không ít người khi mà các thể loại văn học nói chung đang trong xu thế chìm lắng trước sự lấn át của nhiều loại hình văn hóa giải trí sôi động khác.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải: “Các tác phẩm du ký thỏa mãn người đọc ở hai điều, một là địa lý và hai là những trải nghiệm thuộc về tinh thần. Khi tôi đọc cuốn Một mình ở châu Âu của Phan Việt, tôi vẫn thích dù có nhiều địa điểm tôi đã đến rồi nhưng khi đọc tác phẩm lại đưa đến cho mình một khám phá mới. Những cuốn sách này vẫn có tính chất địa lý nhưng đó chỉ là cái cớ, cái nền mà trên đó người viết muốn đưa một sản phẩm văn hóa đến người đọc. Và như thế, hành trình đó không đơn giản chỉ là hành trình địa lý mà nó là hành trình cuộc sống, hành trình tinh thần, hành trình văn hóa. Tác phẩm hấp dẫn ở chỗ, nhân vật xưng tôi chính là tác giả, là việc thật, người thật được thể hiện qua ngòi bút văn chương có tích lũy cả vốn tri thức và văn hóa”.

Quả thật, trong đời, có hai lời khuyên bổ ích: đi nhiều và đọc nhiều. Không dễ để làm được cả hai, cũng không dễ để thêm vào một việc: viết về những nơi đã đi qua, dưới ảnh hưởng của những gì đã đọc và cá tính của bản thân. Vì thế, nhiều người chọn một công việc dễ hơn: đọc những tác phẩm viết về những chuyến đi – sách du lý hay văn học du ký. Chẳng có cuốn sách nào thực sự giúp người đọc “thăm thú qua trang sách mà không cần phải đến tận nơi” như những dòng quảng cáo nhưng ít nhất sách du ký vẫn giúp người đọc được nghe kể lại câu chuyện xê dịch sống động của một người khác và được truyền cảm hứng sống từ đó. Dòng sách du ký đang “thịnh” ở Việt Nam hiện nay là những cuốn du ký viết dưới dạng tự truyện, phi hư cấu, nó tạo cho người đọc cảm giác gần gũi và được sẻ chia. “Độc giả trẻ yêu thích các tác phẩm du ký vì hiện nay, triết lý xê dịch trong giới trẻ đang được ưa chuộng và nó trở thành một xu hướng hay một trào lưu khi các bạn trẻ đi du lịch, đi phượt rất nhiều. Những cuốn du ký Nhã Nam xuất bản đều là những câu chuyện có thật của các tác giả và nó không quá “chênh” so với giới trẻ hiện nay. Những câu chuyện khác được kể theo cách không giống như các cuốn tiểu thuyết. Tiểu thuyết có phần hư cấu trong khi du ký bản thân nó đã là một sự kiện có thật rất gần gũi với bạn đọc. Độc giả trẻ đọc tác phẩm là một hình thức trải nghiệm trước khi lên đường và họ có thêm những cảm nhận mới để chia sẻ”, anh Đặng Trần Quân cho biết.

Không thể phủ nhận nguyên nhân khiến cho thể loại văn học này có sự nóng lên nhanh chóng là do có sự đóng góp không nhỏ của các độc giả trẻ yêu thích chủ nghĩa xê dịch. Hy vọng rằng, cùng với những chuyến đi ra thế giới của nhiều người trẻ, văn đàn Việt Nam sẽ có thêm nhiều trang du ký sống động, nhiều cuốn sách hấp dẫn để văn học du ký thực sự trở thành “người môi giới văn hóa”, đáp ứng nhu cầu hội nhập và giao lưu sâu rộng với thế giới hiện nay.

Huyền Thanh



Ý kiến của bạn