Văn học dịch được xem là một kênh hữu hiệu để quảng bá nền văn học nói riêng, hình ảnh đất nước con người, nét đặc sắc văn hóa của một quốc gia đến với bạn bè thế giới. Ngược lại, văn học dịch cũng là chiếc cầu nối mang tinh hoa văn hóa nhân loại đến với độc giả của một quốc gia. Tại Việt Nam thời gian qua, văn học dịch có những dấu hiệu khởi sắc về “lượng” nhưng “chất” thì vẫn còn đó miên man nỗi buồn.
Không thiếu “sạn”
Nhiều chục năm trở lại đây, độc giả Việt Nam ngoài việc được thưởng thức các tác phẩm văn học đặc sắc trong nước, đến nay còn được tiếp cận với nguồn văn học dịch phong phú và đa dạng từ nước ngoài. Giờ đây, độc giả Việt Nam có thể nhanh chóng được cầm trên tay những tác phẩm dạng “best seller” (bán chạy nhất) của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mới phát hành ở quốc gia sở tại. Điều đó góp phần giúp cho văn hóa đọc nước nhà phong phú, đa dạng, độc giả Việt có thêm nhiều sự chọn lựa để tiệm cận với dòng chảy văn học đương đại thế giới. Nhưng trong dòng chảy đó, văn học dịch Việt Nam thời gian qua, bên cạnh các tác phẩm “đọc được” vẫn còn đó nhiều tác phẩm dịch yếu, sai so với phiên bản gốc. Giới chuyên môn và công chúng thường gọi vấn đề này là “sạn” văn học dịch.
Ngược dòng thời gian, không khó để thấy nhiều tác phẩm văn học dịch ở Việt Nam, trong đó có những tác phẩm thuộc dòng kinh điển thế giới mắc lỗi dịch thuật. Năm 2005, bản dịch cuốn sách Mật mã Da Vinci (NXB Văn hóa Thông tin) của dịch giả Ðỗ Thu Hà, ngay sau khi ra mắt độc giả đã làm “nóng” văn đàn với lối dịch kỳ lạ khó hiểu, kèm theo nhiều đoạn bị cắt xén so với bản gốc một cách tùy tiện. Trước phản ứng gay gắt từ giới chuyên môn và độc giả, NXB Văn hóa Thông tin đã phải thừa nhận sai sót của dịch giả và sau đó thu hồi sách để sửa chữa. Sau Mật mã Da Vinci một năm, Hạt cơ bản (NXB Ðà Nẵng ấn hành 2006) do dịch giả Cao Việt Dũng thực hiện cũng trở thành tâm điểm của sự chú ý vì mọi người phát hiện lỗi dịch sai khó đỡ, điển hình như đoạn văn: “Bố tôi chết vì ung thư tử cung” (nghĩa bản gốc là “ung thư ruột”). Với sự cố không tưởng này, chính dịch giả Cao Việt Dũng khi xem lại bản dịch với tác phẩm gốc cũng phải thốt lên rằng “tại sao mình lại có những nhầm lẫn vô cớ và ngớ ngẩn đến vậy”.
Gần đây nhất, trong cuộc Hội thảo về văn học dịch diễn ra tại Hà Nội, một chuyên gia văn học dịch, sau khi đọc xong cuốn Hồi ký của một tay súng bắn tỉa mới được Alphabooks và NXB Thế giới ấn hành đã phát hiện nhiều lỗi sai. Theo đánh giá của dịch giả này, dịch giả Hồi ký của một tay súng bắn tỉa cùng người biên tập cuốn sách này đã trình bày một thứ tiếng Việt yếu kém, nghèo nàn, ngô ngọng và thiếu thẩm mỹ. Bên cạnh đó, người dịch đã mắc các lỗi dịch sai, cẩu thả, dịch bịa đặt (không phải “dịch thoáng” có thể chấp nhận so với bản gốc), dẫn đến sự chính xác của cả ngôn từ lẫn lịch sử đã không được tôn trọng...Hoặc năm 2013, tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien Những thứ họ mang (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ), nhiều độc giả phản ứng gay gắt khi đọc thấy trong tập truyện ngắn này có những câu dịch quá tục tĩu, trần trụi đến phi nghệ thuật...
Vì đâu nên nỗi…?
Thực tế văn học dịch ở nước ta có chất lượng yếu kém thời gian qua từng được mổ xẻ nhiều lần thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự góp mặt của giới chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm. Nhiều ý kiến cho rằng, văn học dịch ở nước ta còn mắc nhiều “sạn” bởi vô vàn nguyên nhân và lý do khác nhau.
Trong cuộc đua để chiếm lĩnh độc giả ở mảng văn học dịch, không ít nhà xuất bản nước ta đã thể hiện cách làm việc cẩu thả. Có chuyên gia nhận định, nhiều nơi hiện nay dịch giả tiếp cận và thực hiện kiểu lướt qua bản thảo, cốt cho xong, dịch để bảo đảm tiến độ là chính. Đáng nói hơn, thời gian qua nhiều “đầu nậu” sách đã huy động cả những sinh viên học ngoại ngữ trong các trường đại học mới ở dạng “vỡ lòng ngoại ngữ” vào cuộc đua, từ đó dẫn đến chất lượng của những tác phẩm văn học gốc bị ảnh hưởng trầm trọng, đồng thời ẩn chứa nguy cơ những thảm họa dịch thuật... Bên cạnh đó, với thời buổi công nghệ thông tin phát triển, không ít dịch giả áp dụng công cụ tra cứu trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ dịch trực tuyến đôi khi chỉ có tính tương đối so với ngôn ngữ gốc và mang tính chất tham khảo là chính nhưng dịch giả lười biếng tư duy nên đã dịch theo kiểu “đoán” và bịa đặt.
Ngoài những yếu tố trên, theo PGS.TS. Đặng Anh Đào - tác giả của các tác phẩm dịch nổi tiếng với nhiều nhà văn tên tuổi thế giới như Balzac, Victor Hugo... cho rằng, hiện nay nền văn học Việt Nam còn thiếu hệ thống lý luận về dịch thuật. Cũng có chuyên gia sau thời gian nghiên cứu các tác phẩm văn học dịch nhận thấy, trước đây chúng ta Việt hóa tối đa nguyên tác (kể cả danh từ chỉ tên người), ngôn từ, cấu trúc câu... đạt hiệu quả của tác phẩm gốc nhưng ngày nay, dịch giả sẵn sàng cho vào bản dịch những yếu tố ngoại lai.
Theo nhiều dịch giả uy tín tại Việt Nam, để cho ra đời một tác phẩm văn học dịch có chất lượng, trước tiên người dịch phải tìm mọi cách chuyển tải được đúng, đủ nội dung, tinh thần của bản dịch để giữ được văn phong của tác giả, đồng thời gần gũi, bạn đọc dễ tiếp nhận. Cùng với đó, những người gác đền là biên tập viên của các nhà xuất bản cần phải làm việc một cách nghiêm túc, tránh chủ quan và dễ dãi với ngôn từ gốc. Khi cảm thấy vấn đề không ổn, nên gặp gỡ, trao đổi và tham vấn các dịch giả văn học lành nghề để tìm ra phương án tối ưu nhất. Và, điều quan trọng hơn cả, người thực hiện việc dịch tác phẩm văn học cần phải thông thạo cả ngôn ngữ gốc của tác phẩm cũng như ngôn ngữ mẹ đẻ phong phú, phải am hiểu sâu sắc nền văn hóa của Việt Nam cũng như nền văn hóa của tác phẩm để dung hòa tốt nhất yếu tố văn hóa. Có như vậy, văn học dịch nước ta mới khởi sắc theo hướng tích cực, độc giả có cơ hội thưởng thức nhiều cuốn sách hay và bổ ích từ nền văn học trên khắp thế giới.
Quỳnh Trang