Không thể phủ nhận những giá trị
Nếu phải nêu ra những khái niệm thì có lẽ bao nhiêu cũng không đủ để người trẻ hình dung được hết giá trị của dòng văn học này. Có thể nói, tư tưởng và nội dung của VHDG mang tính chất xuyên suốt. Ở phương diện nội dung, chúng ta thường thấy VHDG cung cấp cho các nhà văn của mọi thời đại những quan niệm xã hội, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc. Ngoài ra, nó còn cung cấp những tri thức hữu ích về tự nhiên xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người.
"Lục lại" những tác phẩm VHDG thì có thể nhận ra đề tài tiêu biểu thường là: Số phận người phụ nữ, thân phận người lao động nói chung, tình yêu đôi lứa, những kinh nghiệm sống quý báu, đặc biệt ngợi ca tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước,... Ở phương diện tư tưởng, VHDG nhấn mạnh lòng nhân ái, đề cao tình cảm yêu thương con người, nhất là thân phận người phụ nữ, người lao động cùng khổ,...
Có thể thấy nhiều tác phẩm, nhiều hình tượng do VHDG tạo nên là nguồn cảm hứng, là thi liệu, văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc đã làm tốt công việc tiếp nối dòng VHDG để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú.
Bên cạnh đó, VHDG cũng chính là nền tảng của văn học viết và có tác động lớn đến sự hình thành, phát triển của văn học nước nhà, là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng sáng tạo cho văn học viết. Thế nhưng, trong thời điểm "nhạy cảm" của sự tiếp thu văn học hiện nay, những giá trị trên dường như không còn nguyên vẹn.
![]() Các tác phẩm VHDG phải thực sự là người bạn của thế hệ trẻ. |
Đổi thay chóng vánh
Xét ở góc độ nào đó, VHDG không còn phù hợp với thế kỷ 21. Giới trẻ không còn khái niệm khai thác và tìm hiểu VHDG nữa, họ cũng không mặn mà với "sự tiếp nối ưu tú" của những tác giả lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Tất nhiên, không ai phủ nhận giá trị của VHDG nhưng cũng phải... thừa nhận, thể loại này không còn sự tiếp nối như trước kia. Tất cả đang bị chững lại ở đúng thời điểm đẹp nhất, rạng rỡ nhất.
Nếu muốn tiếp nối, người đọc phải có sự đam mê, đằng này không chỉ thờ ơ, họ còn có sự "phản kháng" nhất định đối với những tác phẩm mang âm hưởng văn học dân gian, điển hình là tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Mức độ phản kháng "nhẹ" là đọc để biết nhưng không phân tích sâu hoặc đọc qua loa cho xong, mức độ "nặng" thì... bất đồng quan điểm với tác giả, thế mới có chuyện không ít học sinh sau khi đọc Truyện Kiều thì tâm trạng bực bội, ấm ức, cho rằng Kiều "dại dột", "thân làm tội đời", "sao phải khổ...". Không những không đồng cảm với nhân vật, người đọc còn quay ra "ghét" và phủ nhận "nàng thơ" của tác phẩm Truyện Kiều. Không chỉ nàng Kiều mà trước đó, "sự cố" tương tự cũng đã từng xảy với những "cô gái cổ tích". Một thời, tranh cãi nàng Tấm thiện hay ác đã từng khiến các bậc phụ huynh gặp phải nhiều khó khăn khi giải thích với trẻ nhỏ. Cho đến tận bây giờ, những tranh cãi ấy vẫn chưa dứt bởi mỗi người một quan điểm, quan điểm nào cũng có lý. Dù là truyện cổ tích, nhưng nếu ca tụng sự trả thù tàn ác nhằm triệt tiêu cái xấu là chính đáng thì có lẽ không thể thuyết phục được thế hệ trẻ.
Cũng giống với việc độc giả ngày nay dần xa lánh thể loại văn học hư cấu để tìm đến những giá trị thiết thực hơn từ bút ký, tự truyện,... Xã hội trong cú chuyển mình ngoạn mục cũng đã tìm thấy một trong những "nạn nhân" gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là văn học. Ngày nay, cái tôi của độc giả quá lớn, nó thể hiện ở sự đòi hỏi, mong muốn nên đôi khi cái tôi của độc giả lấn át cả cái tôi của tác giả và cái tôi của những nhân vật trong tác phẩm, thế nên VHDG với tư tưởng ca ngợi những kiếp người, những thân phận, tình cảm gắn bó,... có phần hơi "áp đặt" không còn phù hợp nữa. Ở hoàn cảnh khác nhau, thời đại khác nhau, sự cảm nhận cũng rất khác biệt, khó mà "ép" người trẻ phải thích những gì mà người xưa ca tụng.
Linh Phương