Sự quá tự tin và sự hồn nhiên ở nhà thơ Vi Thùy Linh thường dẫn đến hai thái cực: người không ưa bảo kiêu căng, người yêu mến bảo cơn lốc của sự cuồng nhiệt mà cô tạo ra chính là nét đáng yêu của Linh. Và ở một khía cạnh nào đó, đi đến đâu - cơn lốc từ Linh cũng cuốn mọi người vào, dù thích hoặc không thích.
Là tác giả đầu tiên có buổi ra mắt sách tại Nhà hát Lớn Hà Nội bằng đêm trình diễn Bay cùng ViLi (1/12/2012), vào tối 6/3/2014, Vi Thùy Linh lại tiếp tục có buổi trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) để ra mắt cuốn tùy bút thứ hai: Hộ chiếu tâm hồn. Vẫn với vẻ tự tin, Linh bày tỏ đầy nhiệt huyết: nhất định tôi phải tạo dư chấn trong đêm 6/3.
Tập tùy bút Hộ chiếu tâm hồn với 34 bài viết là những trải nghiệm của Linh về cuộc sống, những suy tư về các vấn đề xã hội và cả những lời riết róng cảnh báo nhằm thức tỉnh sự can thiệp của con người đang tàn phá đi những vẻ đẹp tự nhiên. Tập tùy bút được chia 3 phần tách bạch nhưng cũng rất kết nối. Liên xuân gồm 10 bài viết là những xúc cảm về mùa xuân - mùa của tin yêu, của ánh sáng và hy vọng. Link gồm 11 bài viết về những vùng Linh đã gắn bó như nơi sinh Hà Nội, quê mẹ Hải Phòng, quê cha Trùng Khánh (Cao Bằng), rồi nơi từng đến nhiều là Sài Gòn, nơi mê đắm bất tận là Pari... Điều đặc biệt là thể loại tùy bút không có sự hư cấu, nhưng ở phần này Linh có 2 bài viết giả tưởng: tưởng tượng được gặp nhà văn Thạch Lam ở Cẩm Giàng và gặp nhà văn Nguyên Hồng trên chuyến tàu đời. Bằng tư duy của điện ảnh, Linh sử dụng liên tục thủ pháp mờ chồng cắt lớp chứ không viết theo lối tuần tự nên có cảm giác đọc những bài viết này, ta như được xem một cuốn phim bằng các con chữ. Visa của Linh là phần trọng tâm của cuốn sách với 13 bài viết là những trăn trở của Linh về những chuyến đi cuộc đời, về vận động thế giới bất an, về tương lai nhân loại trong sự cô đơn...
Nghe Vi Thùy Linh nói chuyện, có cảm giác năng lượng ở người phụ nữ này không bao giờ cạn kiệt và dường như trong đầu Linh lúc nào cũng chật chội con chữ. Linh bảo, trời đã cho mình khả năng sáng tạo văn chương thì phải làm đến cùng, phải tìm cách tạo tiếng vang cho mình. Nhưng cái làm cho những trang viết của Linh cuốn hút là Linh luôn có ý thức tổng hợp kiến thức văn hóa mà mình có được, luôn chủ trương làm mới ngôn từ, làm mới khái niệm nên dù là viết văn xuôi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được đó là văn xuôi của một nhà thơ, ở đó có nhịp điệu của câu văn, của cảm xúc.
Hỏi, nên hiểu khái niệm hộ chiếu tâm hồn thế nào? Linh bảo, khái niệm này do Linh tạo ra, nó như một chứng minh thư văn học của mỗi người đưa ra xã hội. Hộ chiếu tâm hồn do mỗi người cấp cho bản thân, dày hay mỏng là do chính mình tạo ra. Rồi Linh trải lòng: Văn chương là hộ chiếu tâm hồn tôi, tôi gửi tới, công bố cho độc giả và mong khi cầm cuốn “hộ chiếu” này nhận lấy tình cảm chân thành, đằm thắm của tôi.
Quan niệm của Vi Thùy Linh là văn học có quyền sang trọng, vì thế, trong các tác phẩm của mình, Linh không để văn học tồn tại đơn tuyến, âm thầm mà lôi kéo nhiều thành phần tham gia. Mỗi cuốn sách của Linh không chỉ là tác phẩm văn chương đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật bởi ở đó còn có sự tham gia của nhiều họa sĩ. Linh thì bảo mình phải đôn đáo, nhọc nhằn để móc nối, mời mọc các họa sĩ tham gia. Nhưng nếu trong các trang viết của Linh không khiến các họa sĩ đồng cảm bởi ở đó có chất hội họa thì họ cũng không cộng hưởng được. Vì thế ở đây, cao hơn sự minh họa, đó là sự đồng sáng tạo bằng màu sắc, bằng đường nét để tăng tính hấp dẫn cho các con chữ. Trong tập tùy bút Hộ chiếu tâm hồn có 17 tác phẩm tranh đen trắng của các họa sĩ nổi tiếng: Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Thị Hiền, Bùi Mai Hiên, Vi Kiến Thành, Đào Hải Phong, Phạm Hà Hải, Phạm An Hải. Như thế, mỗi độc giả khi cầm cuốn tùy bút đã được hưởng lãi vì ngoài câu chữ, nó còn là những tác phẩm hội họa.
Đêm trình diễn tùy bút Hộ chiếu tâm hồn, Vi Thùy Linh mời NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thu Hà, diễn viên Lê Thiện Tùng, Thùy Linh diễn tác phẩm văn học trên sân khấu. Lần đầu tiên NSND Thúy Hường dùng giọng vàng không chỉ để hát quan họ mà để thể hiện văn học kịch. Lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam có cuộc kết hợp giữa văn học, nhạc cổ điển, quan họ được dàn dựng bằng thủ pháp đương đại. Ra mắt một ấn phẩm văn học của một tác giả bằng một đêm diễn hội tụ nhiều họa sĩ tài năng, nhiều nghệ sĩ danh tiếng của các lĩnh vực thì mong ước của Linh sẽ tạo được dư chấn là có cơ sở.
Nhưng để có được điều này, như Linh từng nói: Tôi cật lực tham ô tuổi trẻ của mình. Kết thúc cuốn tùy bút Hộ chiếu tâm hồn, Linh ghi: trước ngày cưới 31/12/2013 và tự thú nhận: 34 tuổi, tóc đã bạc, thần thái không son phấn nhợt nhạt, hy sinh cả bổn phận đàn bà vì lao động con chữ, rồi tuyên bố sẽ dừng 3 năm không trình diễn để làm bổn phận.
Lan Hương