Văn hóa y đức truyền thống Việt Nam

26-02-2016 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tháng 4 /2000, nhà thơ Huy Cận đi họp ở Paris về trao cho tôi một món quà quý của bà bạn Yveline Feray, nhà viết tiểu thuyết Pháp cuốn Monsieur le paresseux (Ông Lười Biếng, tức là Lãn Ông) mà bà vừa cho ra lò.

Tháng 4 /2000, nhà thơ Huy Cận đi họp ở Paris về trao cho tôi một món quà quý của bà bạn Yveline Feray, nhà viết tiểu thuyết Pháp cuốn Monsieur le paresseux (Ông Lười Biếng, tức là Lãn Ông) mà bà vừa cho ra lò. Tôi rất cảm kích vì hai lẽ: Tôi chịu ơn bà vì khi tôi viết cuốn Chân dung văn hóa Pháp, bà đã đóng góp cho một bài tiểu luận có giá trị; trước đó bà là một phụ nữ phương Tây đã yêu Việt Nam đến mức dám bỏ ra bảy năm để viết cuốn Dix mille Printemps (Vạn Xuân) dày hơn 800 trang, tiểu thuyết về Nguyễn Trãi, rồi sau đó phải mất hơn chục năm để sáng tác cuốn Ông Lười Biếng, tiểu thuyết về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Khoảng hơn một năm sau, Yveline viết thư “cầu cứu” tôi. Đầu đuôi câu chuyện như thế này.

Một số hậu duệ của Lãn Ông được biết Ông Lười Biếng qua một bản dịch đã công khai tỏ ra bất bình và oán trách tác giả: Họ cho là bà bôi nhọ thanh danh của ông tổ dòng họ vì trong sách có một đoạn ngắn phác họa Lãn Ông ăn nằm với một người thiếp. Đúng là hai nền văn hóa Đông-Tây ngược nhau ở điểm này. Ở phương Tây, tác giả viết tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cấu mặc dù vẫn tôn trọng những nét chung của lịch sử. Thứ nữa là: Văn hóa phương Tây từ thời Phục hưng (thế kỷ 15-16) đề cao cái đẹp toàn diện của con người, thể xác và tinh thần, do đó hội họa và điêu khắc miêu tả phụ nữ khỏa thân là chuyện bình thường, cũng như văn chương lướt qua chuyện ái ân cũng là bình thường. Văn hóa Đông Á, chịu ảnh hưởng Khổng học, chỉ đề cao tinh thần.

Đáp ứng ý muốn của bà, tôi đã đi gặp các hậu duệ của Lãn Ông và viết một bài trong hai báo tiếng Pháp ở Việt Nam để giải thích cái “sốc văn hóa” ấy: Yveline có vài nét miêu tả ái ân không phải là muốn khai thác cái dâm ô mà muốn chuyện kể có dáng dấp chân thật mà thôi.

Cuộc đời của danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) ngoài chuyến đi chữa bệnh cho chúa nhỏ Trịnh Căn chưa đầy một năm ở Thăng Long được ghi lại trong tập Thượng kinh ký sự hết sức bình thản. Xuất thân quý tộc ở Hải Dương, ông học văn và võ, dự trận mạc rồi đột nhiên lui về ở ẩn tại quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngay từ khi còn trẻ. Ông học nghề thuốc và hành nghề thuốc cho đến khi chết ở quê mẹ.

Trong cuốn tiểu thuyết, Yveline tập trung câu chuyện vào thời gian Lãn Ông ở Thăng Long, một thử thách bộc lộ rõ tính cách y sư. Xung đột chủ yếu làm nền cho tác phẩm là xung đột giữa một tính cách và một tình huống lịch sử. Liệu Lãn Ông, người đã từ bỏ con đường phú quý để chữa bệnh và nghiên cứu y học, có cưỡng nổi số phận khi bị gọi vào kinh phục vụ ở phủ chúa Trịnh không? Vấn đề được đặt ra ngay từ chương đầu Ẩn cư Hương Sơn-nỗi lo âu chớm nở khi Lê Hữu Trác được tin phải lai kinh sau khi đã hàng chục năm thể hiện tính cách của mình: Hành nghề y, soạn sắp xong bộ Y tông tâm lĩnh, 66 tập, nuôi dưỡng tâm hồn bằng cái đẹp của thiên nhiên và thi ca. Qua từng trang, tính cách của Lãn Ông được khắc họa rõ nét dần dần. Lãn Ông trình bày với chúa nhỏ Trịnh Căn: “Bẩm Chúa, thần đã tự đặt tên là Lãn Ông khi chữa bệnh ở nông thôn, thần đã có lần dại dột cầu mong là thiên hạ đều khỏe mạnh để thần có thể tha hồ làm biếng. Đó là một lời cầu nguyện thành tâm ở dưới bóng nguyệt khi cất chén rượu và gẩy đàn”. Chúa hỏi: “Thế lão sư làm biếng do yêu thơ hay yêu đời?”. Cuốn tiểu thuyết đã trả lời câu hỏi đó: Do cả hai, nhất là do yêu đời.

Yveline không giải thích khái niệm “nhàn” của nhà nho Việt Nam nhuốm màu Đạo học. Yveline cũng xây dựng một nhân vật Trịnh Căn 8 tuổi vừa ngây thơ, vừa hiền triết khiến ta nhớ lại Chú bé hoàng tử của Saint-Exupéry.

Ở trên là hư cấu của tiểu thuyết. Chúng ta hãy trở về hiện thực ngày nay. Ngay trong ba mươi năm chiến tranh gian khổ (1945-1975), Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là một trong những nước có tổ chức y tế tốt thuộc Thế giới thứ ba. Ở các bệnh viện mọi cấp, hầu như người bệnh không phải trả tiền, Nhà nước gánh chịu mọi phí tổn. Nhưng gánh nặng này không thể kéo dài mãi. Không một quỹ quốc gia nào chịu nổi. Ngay ở Mỹ, Tổng thống Bill Clinton cũng nhức đầu về vấn đề y tế. Mãi gần đây, Obama mới cương quyết giải quyết vấn đề: Phí tổn y tế nhà nước gánh một phần, nhân dân đóng góp một phần, chiếu cố người nghèo… (Obamacare) nhưng vẫn bị phe Cộng hòa chỉ trích. Việc chúng ta buộc phải chuyển từ chế độ bệnh nhân phải trả một phần viện phí là hoàn toàn hợp lý, đồng thời, các bác sĩ cũng có quyền khám tư. Các biện pháp này có phần tích cực nhưng đồng thời kéo theo những hậu quả tiêu cực. Một số bệnh viện và thầy thuốc chạy theo đồng tiền khiến cho bệnh nhân ta thán. Về vấn đề này, đọc lại một số những điều mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết cách đây hơn hai trăm năm thì thấy quả là truyền thống y sư của ta thật là có văn hóa nếu ta hiểu văn hóa là “cách sống cùng nhau” (J.P. de Cuellar):

“Về cơ bản, y học là một phương tiện để thực hiện đức nhân, y học tìm cách cứu sống, chia sẻ vui buồn của người khác. Nhiệm vụ của y học là cứu người không vì lợi vì danh.

... Ngày nay, không thiếu gì những thầy lang dối trá, lừa lọc để kiếm tiền.

... Than ôi! Nếu người ta biến một nhân thuật thành một nghề xảo trá cướp bóc, đem tình cảm buôn bán thì sẽ bị người sống trách mắng, người chết nguyền rủa, mang tiếng xấu...”.

Y học không được coi là một nghề để kiếm tiền, mà là một hoạt động vị tha, cũng như dạy học.

Trên thực tế, vào thời hiện đại, y học mang tính chất thương mại hóa và là một nghề. Nhưng thiết tưởng đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi người hành y phải có tâm. Do đó những lời dạy dỗ của Lãn Ông, sâu sắc, cụ thể và phong phú được coi là cơ bản trong ngành y. Ở ta, năm 2015 có một điểm nhấn đặc biệt là ngành y tế đã ban hành kế hoạch “Đổi mới toàn bộ phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Điều này phản ánh cố gắng hiện đại để phát triển văn hóa y đức truyền thống Việt Nam theo tư duy của Lãn Ông.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn