Hà Nội

Văn hóa xứ Đoài sẽ hòa quyện vào văn hóa kinh kỳ

15-08-2008 11:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

Về với Hà Nội cũng có nghĩa những công dân mới sẽ phải điều chỉnh phương thức hoạt động và nề nếp sinh hoạt để hòa nhập cộng đồng mới.

Kể từ ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã chính thức sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Một Hà Nội mới mang một tầm vóc mới cường tráng với diện tích tăng gấp 3, dân số tăng gấp đôi đã đưa Hà Nội vào vị trí top 10 thủ đô lớn nhất của thế giới, mang lại niềm tự hào cho mọi công dân thủ đô. Về với Hà Nội cũng có nghĩa những công dân mới sẽ phải điều chỉnh phương thức hoạt động và nề nếp sinh hoạt để hòa nhập cộng đồng mới. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Tây cũ), nay là Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch thành phố Hà Nội.

 Giải vô địch vật dân tộc toàn quốc tại xã Cát Quế - Hoài Đức.

- Cảm giác của ông khi là công dân mới của thủ đô thế nào nhỉ?

- Là công dân mới của thủ đô, bản thân tôi cũng như toàn thể cán bộ ngành văn hóa, thể thao, du lịch Hà Tây cũ rất vui mừng phấn khởi. Là công dân của thủ đô ngàn năm văn hiến luôn luôn là niềm tự hào của những ai được hưởng vinh hạnh này. Những công dân mới chúng tôi đều mong muốn đem hết khả năng và sức lực của mình đóng góp cho thủ đô, trái tim của cả nước.

- Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội tạo ra thành phố Hà Nội mới cũng có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội mới cho mọi ngành, mọi nghề, mọi tổ chức xã hội, mọi công dân. Riêng với ngành văn hóa, thể thao, du lịch các ông mong đợi điều gì?

- Thực ra hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Hà Nội trước kia hoạt động rất mạnh. Ngành văn hóa, thể thao, du lịch Hà Tây cũ cũng là ngành tương đối phát triển. Bây giờ hợp nhất về thủ đô cùng cộng sức hoạt động thì sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều. Tôi nghĩ và mong ngành văn hóa, thể thao, du lịch thủ đô sẽ khởi sắc trên nền tảng có sự đoàn kết, thống nhất cao. Mặc dù mới về làm việc được mấy ngày (chính thức từ 1/8) nhưng bộ máy lãnh đạo của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội mới đã vận hành tốt dưới sự điều hành của Giám đốc Phạm Quang Long và các vị phó giám đốc nhiệt huyết. Đây là động lực và cũng là niềm tin vững chắc để ngành văn hóa, thể thao, du lịch có mong muốn điều gì thì cũng sẽ có cơ sở thành hiện thực. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết ắt sẽ tát được cả biển đông.

Trước mắt, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long, Đảng bộ và nhân dân thủ đô cũng đang tập trung sức hướng về sự kiện trọng đại này. Thủ đô mới rộng hơn, đông hơn đồng nghĩa với việc mạnh hơn về mọi mặt là điều kiện tốt để thực hiện thành công sự kiện lịch sử lớn lao này.

- Ai cũng biết Hà Tây trước đây có những nét văn hóa làng xã đặc thù rất đặc sắc, khi mà có chủ trương sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, có người lo văn hóa Hà Nội sẽ bị pha tạp nét văn hóa làng xã, nhưng ngược lại cũng có người nói rằng không biết chừng chính Hà Tây sẽ bị những nét văn hóa “chưa đẹp” của Hà Nội tác động trở lại. Ông thấy điều này thế nào?

- Tôi nghĩ dù là vùng nào trên lãnh thổ Việt Nam thì trước hết cũng phải giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước đây, Hà Nội và Hà Tây đúng là có những nét riêng về văn hóa vùng miền: Hà Nội là văn hóa chốn kinh kỳ, Hà Tây là văn hóa xứ Đoài. Bây giờ Hà Tây đã hợp nhất vào Hà Nội thì văn hóa xứ Đoài dù nằm trong văn hóa của thủ đô nó vẫn giữ nguyên giá trị của nó bởi nó vẫn mang bản sắc văn hóa làng xã, xuất phát từ các vùng miền. Chẳng hạn như Tuồng ở Dương Cốc, hát Dô ở Quốc Oai, hát Chèo tàu ở Đan Phượng, Múa rối nước ở Thạch Thất, Cồng chiêng ở Ba Vì... thì dù có mang đi đâu cũng không mất được bản sắc của vùng miền. Cũng như vậy, giò chả Ước Lễ (Thanh Oai), bánh dày Quán Gánh (Thường Tín) cũng không bao giờ mất được thương hiệu dù có đưa sang Trung Quốc hay New York. Bản sắc văn hóa làng xã dù có hòa trộn vào đâu cũng không mất đi được. Về với Hà Nội, văn hóa xứ Đoài sẽ hòa quyện trong văn hóa của thủ đô, làm phong phú thêm nền văn hóa của thủ đô Hà Nội.

- Vậy các ông sẽ làm gì để xóa nhòa ranh giới giữa Hà Tây và Hà Nội?

- Tôi nghĩ nó không có gianh giới mà chỉ có giai đoạn chuyển đổi, cùng lắm là hết tháng 8/2008 sẽ đi vào ổn định và hoạt động bình thường. Có lẽ ngành văn hóa, thể thao, du lịch sẽ ổn định rất nhanh. Thường trực Ban giám đốc thống nhất, trên một cái nền chung, các khu vực vẫn giữ nguyên chưa xáo trộn bởi các đơn vị sự nghiệp càng mở rộng thì càng phục vụ nhân dân được thuận lợi hơn. Hiện nay tất cả mọi hoạt động tại Hà Tây cũ vẫn bình thường, chỉ một số đơn vị hành chính nhà nước như tổ chức, thanh tra, văn phòng 1 cửa để ở trong này, 1 cửa để ngoài 47 Hàng Dầu. Các đơn vị sự nghiệp vẫn hoạt động theo kế hoạch chung của thành phố và vẫn tiếp tục hoàn thành các kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Đoàn cải lương Hoa Mai, đoàn chèo Hà Tây vừa báo cáo vở diễn mới, đoàn kịch Hà Tây đang dàn dựng để hoàn thành kế hoạch năm nay. Các hoạt động khác phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội vẫn theo kế hoạch chung của thành phố.

- Mỗi người dân đều mong muốn và trông chờ rất nhiều vào vận mệnh lớn này. Cuộc sống hàng ngày thì vẫn cứ trôi đi, cơ hội thì còn nhiều để hướng tới. Các ông sẽ giải quyết thế nào giữa cơ hội và thực tại?

- Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch năm 2009 để báo cáo với thành phố, tất cả các nhiệm vụ của ngành là phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt toàn ngành văn hóa, thể thao, du lịch sẽ tập trung vào sự kiện trọng đại 1000 năm Thăng Long. Kế hoạch thì đã trình lãnh đạo thành phố, khi có sự chuyển đổi thì chúng tôi sẽ theo từng lộ trình để thực hiện. Chẳng hạn trước đây ngành văn hóa thể thao, du lịch Hà Tây đã có kế hoạch cho sự kiện này, bây giờ nhập về Hà Nội thì sẽ theo sự chỉ đạo chung của thủ đô để cùng thực hiện theo kịch bản quốc gia.

- Xin cảm ơn ông.

Quang Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn