Hà Nội

“Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên”

12-11-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên) vừa diễn ra Tọa đàm khoa học chuyên đề “Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên...

Tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên) vừa diễn ra Tọa đàm khoa học chuyên đề “Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện nghiên cứu Phương Đông và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức. Đây là diễn đàn khoa học lần thứ tư về Văn hóa Tây Nguyên liên tiếp được tổ chức trong 2 năm (2013 và 2014)…

​Trình diễn văn hóa Tây Nguyên  - minh họa sinh động cho các chuyên đề tại tọa đàm.

Trong một ngày làm việc, có 12 tham luận và hơn 10 phát biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu trí thức các dân tộc thiểu số đã trình bày. Mở đầu chương trình là Tham luận “Văn hóa Tây Nguyên” của GS.TS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có tính khái quát toàn bộ về điều kiện tự nhiên, con người, bản sắc văn hóa và những vấn đề mang tính cốt lõi nhất của cộng đồng người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên. Là người tham gia soạn thảo Đề án Cồng chiêng Tây Nguyên để đề nghị UNESCO công nhận “Di sản văn hoá truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể nhân loại” (ngày 25/11/2005) nhưng ông thấy buồn và cho rằng, chức năng ngôn ngữ của cồng chiêng là nối kết với thần linh - chức năng văn hóa; song hiện nay, chức năng này đang mất dần. Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch ở Tây Nguyên thiếu thống nhất, thậm chí văn hóa dân tộc bị “bóc lột”, bị lợi dụng để kinh doanh, thương mại… Nữ TS người dân tộc Ê Đê - Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường ĐH Tây Nguyên) đến với diễn đàn khoa học lần này với Tham luận “Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững”. Tham luận nêu vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa Tây Nguyên quyết định đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo chị, văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên hiện đang dần bị phá vỡ bởi nhiều tác động từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và ý thức của con người…

Nhiều tham luận và các ý kiến phát biểu tập trung bàn về tính đặc thù của văn hóa Tây Nguyên; Văn hóa Tây Nguyên phong phú, đa dạng và gắn chặt với rừng, Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng bản, văn hóa lễ hội. Văn hóa Tây Nguyên gắn chặt với tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các dân tộc bản địa. Tây Nguyên hiện nay có hơn 5 triệu dân, ngoài cộng đồng các tộc người bản địa, tình trạng di cư tự do từ các vùng miền khác đã làm cho dân tộc Tây Nguyên bị pha trộn (tỷ lệ người dân tộc tại chỗ Tây Nguyên từ lúc chiếm 90% dân số, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 20 - 23% dân số trong cộng đồng). Nhiều nhà khoa học đã đưa ra những luận điểm từ sự pha tạp, xáo trộn về dân cư dẫn đến “pha tạp” về văn hóa ở Tây Nguyên. Đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, lý giải thấu đáo… Bên cạnh đó, hàng loạt thực trạng khác cũng đang đặt ra trước những thử thách bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên, đó là: Văn hóa Tây Nguyên ngày càng bị mai một, Rừng bị tàn phá “Mất rừng là mất văn hóa”; Quy mô làng bản ở Tây Nguyên không còn như xưa (nhà rông, nhà dài, nhà sàn… ngày càng mất dần đi); Thế hệ trẻ không còn tha thiết với văn hóa truyền thống dân tộc; Văn hóa cồng chiêng bị thương mại hóa; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang bị thu hẹp dần…

Điều đặc biệt so với 3 lần hội thảo, tọa đàm khoa học về Văn hóa Tây Nguyên được tổ chức trước đó (lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Kon Tum ngày 2/8/2013; lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk (14/11/2013); lần thứ 3 (tháng 4/2014) và lần thứ tư này tại tỉnh Phú Yên là số đại biểu tham gia, trình bày tham luận chiếm phần lớn là trí thức người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đó là chính kiến của “người trong cuộc” đối với lĩnh vực văn hóa đặc thù đang được Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa rất quan tâm.

Bài, ảnh:  THANH DƯƠNG HỒNG

 

 


Ý kiến của bạn