Thông tin Vũ Thu Hà (ở quận Long Biên, là du học sinh Anh về nước) đang bị cách ly tại nhà trốn cách ly để ra sân bay định đi nước ngoài mới đây khiến cộng đồng bức xúc. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời và có biện pháp mạnh mẽ, Hà có lẽ đã bay tới xứ người thỏa được ước muốn cá nhân nhưng có thể gây hại cho cộng đồng. Hà đã phải trả giá cho hành động dại dột, nông nổi của mình với mức xử phạt hành chính 10 triệu đồng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Những hành động đẹp trong mùa COVID-19 của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi, cụ Lê Thị Niệm, em Nguyễn Bình Minh gần đây đã làm lay động nhiều trái tim.
Trước đó, một câu chuyện buồn thu hút sự quan tâm của dư luận trong mùa dịch, khi một lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị, đi cùng chuyến bay với người bị nhiễm SARS-CoV-2 đã cho nhân viên thế mình đi cách ly. Để rồi sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông ta đã phải về cách ly tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị. Hoặc gần đây, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh một nhóm hành khách người Việt về Hà Nội trên chuyến bay từ Qatar, hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài gây náo loạn ở sân bay. Tổ quốc không bỏ ai lại phía sau trong cuộc chiến COVID-19 này, thế nhưng nhóm người trở về Việt Nam ấy đã liên tục có những lời lẽ không hay, không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Rất nhiều người dân phẫn nộ trước thái độ của họ, bởi sự chủ quan và thiếu hợp tác với cơ quan chức năng ở sân bay dễ để lọt những người có nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí là người đã mắc COVID-19. Những người ý thức kém và chỉ nghĩ cho bản thân mình sẽ gây thêm khó khăn, áp lực cho các cơ quan chức năng ở cửa ngõ kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, cũng trên phương tiện truyền thông truyền đi những tin tốt đẹp. Đó là cụ Lê Thị Niệm (78 tuổi, ngụ tại thôn Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bất chấp tuổi cao, đạp xe lên UBND xã Trung Thành để ủng hộ số tiền 1 triệu đồng mà cụ đã tiết kiệm bấy lâu nay. Cùng với tiền mặt, cụ Niệm còn gửi lại một lá thư cho người đứng đầu xã Trung Thành, bức thư có nội dung: “Tôi là Lê Thị Niệm, sinh năm 1942, tại xã Trung Thành, Côn Sơn, có nghe lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc”. Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng con chị. Trong hòa bình năm 1983, 1984, Nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng hy sinh bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho Nhà nước số tiền là 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được Ban Lãnh đạo các cấp nhận cho tôi”.
Một sự việc nữa cũng đã lay động trái tim mọi người, đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi (91 tuổi) ở Đà Nẵng dành dụm tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi rồi mang gửi tặng đội ngũ y bác sĩ đang ở tuyến đầu để “chống giặc” COVID-19. Chồng con hy sinh để đất nước có hòa bình, hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của mẹ Chi nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay nhiều điều.
Số tiền 5 triệu đồng mẹ ủng hộ là tiền tiêu vặt con cháu cho và tiền mừng tuổi mẹ dịp Tết vừa qua. Ban đầu, mẹ tính dành dụm để sửa sang, xây lại mộ cho chồng, con là hai liệt sĩ Trần Hảo và Trần Văn đang yên nghỉ tại nghĩa trang gia tộc ở quê. Nhưng mẹ Chi cho biết: “Mẹ già rồi, sống được bao lâu nữa đâu, chỉ mong đất nước mãi yên bình, dịch bệnh chóng qua!”.
Xúc động không kém là em Nguyễn Bình Minh, 8 tuổi, đang học lớp 2 ở huyện Lục Yên, Yên Bái. Sau khi thấy một nhóm thiện nguyện đăng thông báo kêu gọi mọi người ủng hộ để mua sắm một số thiết bị bảo hộ y tế cho ngành y trên địa bàn, Nguyễn Bình Minh đã quyết định đập lợn đất tiết kiệm để ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 cho nhóm này. Số tiền Bình Minh ủng hộ chỉ 220.000 đồng nhưng em đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với tuổi thiếu nhi “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Hơn nữa, hành động của Bình Minh sẽ khơi gợi bạn bè cùng trang lứa noi theo, tiếp tục lan tỏa những hành động đẹp với cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Mong sẽ ngày càng nhiều hơn những câu chuyện như mẹ Chi, cụ Niệm, em Bình Minh. Từ đó lan tỏa tinh thần Việt Nam “giặc” đến nhà trẻ già cùng đánh. Và chắc chắn chúng ta sẽ “đánh gọn, thắng nhanh COVID-19”.