Văn hóa Truyền thống và hiện đại

03-07-2008 08:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nói đến truyền thống và hiện đại là nói đến sự cũ và mới trong sự phát triển, và thường cái mới chiến thắng, thậm chí xóa bỏ cái cũ. Thế nhưng trong lĩnh vực văn hóa lại hoàn toàn trái ngược bởi một đất nước, một dân tộc như một ngôi nhà lớn của một cộng đồng thì văn hóa chính là diện mạo, là bản sắc để thiên hạ nhận ra mình.

Nói đến truyền thống và hiện đại là nói đến sự cũ và mới trong sự phát triển, và thường cái mới chiến thắng, thậm chí xóa bỏ cái cũ. Thế nhưng trong lĩnh vực văn hóa lại hoàn toàn trái ngược bởi một đất nước, một dân tộc như một ngôi nhà lớn của một cộng đồng thì văn hóa chính là diện mạo, là bản sắc để thiên hạ nhận ra mình. Kinh tế dù phát triển đến mấy cũng chỉ là vật dụng trong nhà và văn hóa chính là nền móng và rường cột của ngôi nhà đó. Vật dụng có thể thay cũ bằng mới, song rường cột nền móng khó có thể đổi thay và nếu nó không còn là nó đồng nghĩa với chuyện ngôi nhà cũ biến thể thành ngôi nhà khác.

Khán giả thưởng thức múa rối nước - một nét nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Trong sự hội nhập và phát triển hiện nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế với hiện đại hóa, công nghiệp hóa là một xu hướng phát triển tất yếu song động lực của sự phát triển lại là nền móng văn hóa. Bởi, văn hóa với những giá trị truyền thống là cốt lõi để dân tộc hòa nhập mà không hòa tan trong sự phát triển chung của nhân loại. Đấy cũng là bệ phóng của bất cứ dân tộc nào muốn bay đến tầm cao mới của thời đại.

Tuy nhiên, trong sự phát triển, vấn đề truyền thống và hiện đại không tránh khỏi những mâu thuẫn bởi đây đó truyền thống có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện đại phát triển và ngay trong hiện đại vẫn hiện ra bản sắc dân tộc với những giá trị truyền thống là mong muốn của toàn dân tộc. Để giải quyết mong muốn này, báo SK&ĐS xin mở mục Diễn đàn Văn hóa - Truyền thống và hiện đại ngõ hầu để các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước cùng tham gia trao đổi những chính kiến của cá nhân.

Thực tế, có thể thấy rất nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại trong lĩnh vực văn hóa cần giải quyết. Những phố cổ, nhà cổ là di sản văn hóa truyền thống và nếu hôm nay để mất đi, vài chục năm sau con cháu chúng ta lại phải phục hồi như bài học của các nước phát triển đã từng mắc phải. Thế nhưng từ góc độ người dân sống trong nhà cổ phố cổ, việc giữ lại nhà cổ của họ luôn mâu thuẫn với nguyện vọng được sống trong những ngôi nhà cao tầng, rộng rãi, thoáng mát và giải quyết vấn đề này ra sao? Sự phát triển của đô thị chắc chắn đã và sẽ còn xóa bớt ruộng đồng, thôn xóm. Vậy “tình làng nghĩa xóm” của nông thôn xưa sẽ là thế nào khi xã thành phường, huyện thành quận, người nông dân từ giã cày cuốc để thành thị dân? Trong kiến trúc đô thị hiện nay cũng mỗi nhà mỗi kiểu tùy theo ý thích của chủ nhân thành ra có những dãy phố như “phố liên hợp quốc” đủ phong cách từ kiến trúc châu Âu mọi thế kỷ đến kiến trúc Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông với mái củ hành, mái tháp nhọn... Ngay những khu đô thị mới trông cũng không khác gì... châu Âu! Làm thế nào để những khu đô thị mới với những ngôi nhà cao tầng vẫn được nhận ra đó là của Việt Nam? Sự hấp dẫn của du lịch ngoài những địa danh phải bắt đầu từ khách sạn nơi du khách ở. Điều quan trọng của khách sạn không hẳn là tiện nghi bởi tiện nghi dù hiện đại đến mấy cũng sẽ như nhau và sự khác nhau gây hấp dẫn du khách tại khách sạn chính là khung cảnh ngoài ô cửa sổ để du khách nhìn ra biết là mình đang ở Việt Nam, thích thú với cảnh vật rất riêng của Việt Nam.

Trong văn hóa nghệ thuật cũng không ít ý kiến bàn về truyền thống và hiện đại. Người bảo nên giữ những loại hình truyền thống như tuồng chèo như một dạng bảo tàng và sân khấu hiện đại chịu trách nhiệm những vấn đề phản ánh hiện tại. Người lại bảo phải phát huy vốn cổ của cha ông và tuồng chèo cũng phải tham gia phản ánh cuộc sống mới, con người mới. Giải quyết sao đây khi sân khấu truyền thống thành kịch nói pha ca, giữ nguyên truyền thống liệu còn khán giả khi cấu trúc nghệ thuật là phương tiện chuyển tải cuộc sống vào tác phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh, nhịp độ cuộc sống hiện tại? Điện ảnh không phải là nghệ thuật truyền thống song ngay trong loại hình nghệ thuật thứ bảy này cũng cần có dáng dấp dân tộc mang cách thể hiện Việt, tâm hồn Việt. Hình như để hiện đại, nhiều phim truyện Việt Nam hiện nay bắt đầu có xu hướng lạm dụng những cảnh nóng, “cởi” quá nhiều trên màn ảnh trong khi quan trọng hơn là bằng nghệ thuật điện ảnh, dân ta thuộc sử ta hơn sử nước ngoài? Có những quốc gia rất quan tâm tới nghệ thuật truyền thống, bản sắc dân tộc và dù họ mới nhập nghệ thuật múa balê vào nhưng khi ra nước ngoài biểu diễn, ngay trên xứ sở quê hương của balê thì khán giả vẫn nhận ra múa balê của đất nước đó. Những làng nghề truyền thống của chúng ta quả là niềm tự hào của dân tộc nhưng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một dần khi mà kinh tế thị trường với những vật dụng làm ra từ máy móc hiện đại, giá rẻ có thể bóp chết hàng thủ công được sinh ra trực tiếp từ bàn tay khéo léo của con người để mỗi sản phẩm mang một dáng vẻ riêng.

Rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa truyền thống và hiện đại với những mâu thuẫn cần giải quyết, cần đến sự thảo luận bàn tròn của đông đảo cộng tác viên, bạn đọc báo SK&ĐS. Quan hệ trong gia đình hiện nay như quan hệ bố con, ông cháu, vợ chồng, dâu con cũng là quan hệ không đơn giản khi lớp trẻ, người phụ nữ hôm nay tham gia công tác xã hội nhiều hơn và quan niệm ứng xử của các thành viên trong gia đình cũng khác trước. Giữ nguyên những ứng xử truyền thống hay hiện đại, tân tiến nó cho phù hợp với thời đại? Chuyện tâm linh cũng là một khía cạnh văn hóa? Nhiều người cho rằng chuyện tâm linh là vớ vẩn khi khoa học kỹ thuật hôm nay có thể giải thích được mọi hiện tượng nhưng cũng có người cho rằng chưa biết thần thánh có thật hay không nhưng khi con người biết sợ những đấng vô hình thì khi dù không ai biết cũng không dám làm bậy bởi người không biết nhưng trời biết, đất biết, và lưới trời lồng lộng, mọi hành vi tội ác đều phải trả giá.

Vấn đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là một tất yếu song giao lưu thế nào để ta càng là ta chứ không phải dập theo nước ngoài một cách khiên cưỡng như nhiều thanh niên tự lưu vong trên chính đất nước mình với làn môi tái, mắt xanh, tóc râu ngô. Sự giao lưu giữa truyền thống và hiện đại từ bên ngoài cần hoa thơm song liệu có cỏ độc chen vào?

Không phải mọi điều cũ đều cần được giữ lại mới là truyền thống nhưng những giá trị được cha ông gìn giữ từ đời này qua đời khác trở thành truyền thống sẽ được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay ra sao. Những giá trị mới được sinh ra từ hôm nay cũng có thể trở thành truyền thống sau thời gian dài để phong phú thêm những giá trị văn hóa dân tộc. Bởi, văn hóa là dòng chảy liên tục có bổ sung và loại trừ để xây dựng được diện mạo chung của một dân tộc.

Trên đây chỉ là một vài vấn đề cụ thể trong khi cuộc sống còn bao vấn đề khác mà mỗi người có thể phát hiện và trao đổi. Rất mong các vị học giả, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý và bạn đọc gần xa từ suy nghĩ trăn trở và từ nhận biết thực tế tham gia thảo luận, đề xuất những giải pháp cùng báo SK&ĐS quanh Diễn đàn Văn hóa - Truyền thống và hiện đại với những ý kiến, lý giải riêng của mình, kể cả trái chiều, rất trái chiều.

Bài tham gia chuyên mục xin đề rõ ngoài bì thư “Ban Văn hóa - Xã hội báo Sức khỏe & Đời sống”- 138A Giảng Võ Hà Nội” hoặc gọi điện trực tiếp tới toà soạn theo số máy (04)8461042; 0989559621.

Rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc gần xa. Xin trân trọng cảm ơn!

SK&ĐS


Ý kiến của bạn