Văn hóa truyền thông báo chí thời hội nhập

01-03-2012 2:12 PM | Văn hóa – Giải trí

Hội thảo khoa học do Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều GS, PGS, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo lão thành, giảng viên cùng đại biểu sinh viên báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội xoay quanh chủ đề: “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” đã lưu dấu ấn khá đậm, đặc biệt là mảng: Văn hóa truyền thông trong hoạt động báo chí.

Hội thảo khoa học do Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều GS, PGS, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo lão thành, giảng viên cùng đại biểu sinh viên báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội xoay quanh chủ đề: “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” đã lưu dấu ấn khá đậm, đặc biệt là mảng: Văn hóa truyền thông trong hoạt động báo chí.

 Những bức ảnh "nóng" được tung lên báo mạng với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả.
Báo chí là thông điệp văn hóa

Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN trong phát biểu đề dẫn mong muốn Hội thảo làm sáng rõ: Những vấn đề thực tiễn đặt ra về văn hóa báo chí - truyền thông. Khuyến nghị và đề xuất các giải pháp góp sức nâng cao tính văn hóa của đội ngũ nhà báo, trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông đại chúng!... GS. Hà Minh Đức khẳng định: Văn hóa truyền thông phải góp phần bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc và bản sắc dân tộc; Phải đề cao những giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Truyền thông văn hóa XHCN phải đảm bảo tính trung thực không bịa đặt!... Nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch HNBVN cho rằng: Văn hóa chúng ta đề cập ở đây là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của phát triển!... Đi sâu vào văn hóa báo chí, ông diễn giải: “Về báo chí cũng có nhiều cách hiểu, tuy nhiên, cái chung nhất được mọi người xưa nay chấp nhận là: nói báo chí là nói thông điệp. Nhà báo chuyển thông điệp đến công chúng bằng phương tiện truyền thông. Truyền thông không chỉ là phương tiện vật chất, công nghệ, truyền thông trước hết là người. Thông điệp báo chí vì vậy có thể cao quý, nhân văn, phục vụ lợi ích cộng đồng, cũng có thể thông tục, phi văn hóa, phi đạo đức, phục vụ các lợi ích nhóm và tham vọng kinh tế-chính trị của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều yếu tố đan xen, làm cho ranh giới trong nội dung thông điệp không rõ nét như trước, song không bao giờ biến mất hoàn toàn!”… Vậy thế nào là nhà báo có văn hóa? PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chuẩn mực tối quan trọng ở mỗi nhà báo là phải có phông văn hóa cao! Nhà báo Ngô Tiến Cảnh (Quảng Ninh) trong tham luận viết: Phải sống trung thực, viết trung thực! Nhà báo Phan Quang luận bàn: Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Trên đời, chắc không mấy ai nhố nhăng vỗ ngực xưng mình là “nhà văn hóa”, tuy nhiên, về thực chất, có văn hóa là yêu cầu quán xuyến suốt cuộc đời nghề nghiệp của bất kỳ ai dấn thân vào nghề làm báo, viết văn hay làm nghệ thuật!

Văn hóa báo chí đang quá xô bồ

Nhà báo Nguyễn Hòa (báo Nhân dân) bức xúc: “Việc đua tranh đưa tin và bình luận về sự kiện-hiện tượng bất thường đã đưa tới một hệ quả là tình trạng “chụp giật”, nổi lên là “chụp giật” thông tin vụ án, tin tức liên quan đến người nổi tiếng hoặc các sự vụ có thể tác động đến sự hiếu kỳ và lôi cuốn số đông. Cứ vào trang văn hóa của một website báo mạng chuyên tổng hợp tin bài sẽ gặp vô số tin bài rất ít tính văn hóa, đại loại như: PTV sợ bị coi là giả tạo nếu mặc kín; Phát ngốt vì TNH dạo phố “kín trên hở dưới”... làm nhiễu loạn chuẩn mực văn hóa lành mạnh! Bàn về văn hóa truyền thông trong môi trường internet, nhà báo Nguyễn Thúy Hoa (báo điện tử VOV online) thông tin: Hiện cả nước đã có tới 30.516.587 người dùng internet, chiếm 33,05% dân số, trong đó có tới 4 triệu người dùng internet băng thông rộng… Theo kết quả nghiên cứu được Yahoo công bố gần đây thì tỷ lệ người trẻ của ta dùng internet chiếm số đông hơn cả. Như vậy cũng có nghĩa: nếu báo chí không làm tốt chức năng văn hóa thông tin, trái lại, đăng tải những thông tin phản giáo dục thì tác hại thật khó lường. Thực trạng thật đáng buồn: Xu hướng giật gân, câu khách đang tràn lan trên nhiều báo mạng. Họ thi nhau đăng những chuyện kích thích trí tò mò; khai thác triệt để những vụ án đau lòng, bạo lực với những tình tiết rùng rợn. Đua nhau phát tán các hình ảnh khêu gợi, khiêu dâm!... Khá nhiều ý kiến cho rằng, còn có những tờ báo chuyển tải thông tin chưa văn hóa, nhan nhản những dòng tít dạy dỗ, những giọng điệu hách dịch, xếch mé, trịch thượng. Cá biệt, có người coi tờ báo như “chợ búa” để đấu khẩu, cãi vã với người va vấp với mình, với đồng nghiệp! Họ quên mất tờ báo là sản phẩm văn hóa của xã hội!...

Sứ mệnh của báo chí

Nói “nhà báo - nhà văn hóa” là nói đến tố chất văn hóa nơi người làm báo. Trong công việc, tố chất văn hóa người làm báo thể hiện trước hết bằng đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo có văn hóa là người tôn trọng luật pháp, tôn trong các quy ước của cộng đồng. Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của từng người làm báo trong suốt cuộc đời tác nghiệp, ở tác động dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển. Đông đảo ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, làm báo có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có vô vàn thách thức, để thực hiện văn hóa truyền thông trong hoạt động báo chí thì cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản phải quản lý chặt chẽ hơn nữa. Hơn bất cứ lúc nào, đây là chặng điểm cần làm thật tốt việc đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nhà báo và lãnh đạo của các cơ quan báo chí. Đương nhiên, giải quyết tình trạng thiếu văn hóa trong truyền thông báo chí không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý Nhà nước mà xã hội, bạn đọc và báo chí cần bày tỏ thái độ phản ứng rõ ràng đối với trào lưu xấu trong thông tin. Cũng không ít ý kiến khuyến nghị: Đi cùng với giáo dục cần xử lý nghiêm, thậm chí nghiêm trị, phạt thật nặng đối với những tác giả và lãnh đạo cơ quan báo chí cho loan truyền những tác phẩm vô văn hóa.

Ở góc độ đào tạo, PGS.TS. Ngô Văn Giá cho rằng: Cần trang bị cho người làm báo một cảm quan mỹ học, một cảm hứng mỹ học thường trực chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Nó phải được chuyển hóa vào trong các sản phẩm tinh anh và đẹp đẽ của mỗi người lao động, nhất là lao động chữ nghĩa của nhà báo!

Nguyễn Uyển (tổng thuật)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH