Nghĩ tôi nghe câu trên mới vặn lại ông bạn già:
- Đã là văn hóa thì không thể thiếu văn hóa được!
- Ví dụ ngày lễ Tết, nơi công cộng treo đèn lồng cho đẹp nhưng nhiều nơi lại treo đèn lồng Trung Quốc trông cứ như lạc vào một phố Tàu nào đó...
- Ờ ờ... Đấy là cái dễ nhận ra, với lại đèn lồng Trung Quốc giá rẻ, người ta vô tình ham mua chứ trong không gian văn hóa Việt còn không ít yếu tố văn hóa ngoại lai, ví dụ sư tử mang phong cách tạo hình Trung Hoa là linh vật canh mộ bên đó nhưng lại đặt ở nơi trang nghiêm bên mình! Khối ông còn đặt trên bàn làm việc...
- Nói như bác thì còn khối cái tương tự như chùa Việt dùng ngói vẩy cá hay còn gọi là ngói âm dương nhưng có chùa Việt mới xây có chỗ dùng ngói ống trúc của Tàu, nửa này ngửa nửa kia úp. Rồi chùa cũng rất hoành tráng trong khi bản sắc Việt là khiêm tốn, chùa lẫn trong bóng cây...
Hai Phiếm thừ người:
- Bao nhiêu năm Bắc thuộc mà nền văn hóa Đông Sơn của ta vẫn còn, sức sống văn hóa Việt vẫn tồn tại...
- Chính vì thế nên khi các nhà nước hình thành cùng thời với nước ta ở Nam Trung Quốc đều lần lượt bị sáp nhập vĩnh viễn vào Trung Hoa còn ông cha chúng ta đã “thoát Bắc thuộc” thành quốc gia độc lập tự chủ từ thời Ngô Quyền đến nay.
- Xem ra giữ nước không chỉ là giữ biên cương, biển đảo mà còn phải biết giữ gìn văn hóa Việt.
- Rất tiếc là cơ quan quản lý văn hóa đang thiếu người am hiểu, thành ra chuyện “sáng tạo” bắt chước bên Trung Quốc đã xảy ra hình rồng chạm tự dưng được vá đầu nghê, tượng thờ sau trùng tu bỗng có diện mạo khác hẳn không hiếm!
Hai Phiếm rên rỉ:
- Làm văn hóa mà thiếu am hiểu văn hóa thì giết văn hóa rồi!...
Cả Nghĩ