Hà Nội

Văn hóa nghệ thuật với chủ quyền biển đảo

29-07-2016 14:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang trở thành địa chỉ nóng, không chỉ có nhân dân Việt Nam mà toàn thế giới quan tâm bởi tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang trở thành địa chỉ nóng, không chỉ có nhân dân Việt Nam mà toàn thế giới quan tâm bởi tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về đường lưỡi bò của Trung Quốc bị “cắt đứt”, phía Việt Nam bằng mọi hành động quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, trong đó đội quân văn hóa nghệ thuật đã tham gia rất tích cực, những tiếng nói của các nghệ sĩ đã gây được dư luận lớn...

Được biết, Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Phóng viên báo SK&ĐS có cuộc trao đổi với giáo sư về vấn đề này.

Giáo sư Hoàng Chương.

Phóng viên (PV): Giáo sư có thể cho biết những hoạt động văn hóa nghệ thuật về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa?

Giáo sư Hoàng Chương: Đề tài về biển đông nói chung và về Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn nóng ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Rất nhiều văn nghệ sĩ đã tham gia với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú. Tôi được biết có nhiều văn nghệ sĩ đã đến với Trường Sa bằng tất cả trái tim rung động của mình, người thì hát, người thì sáng tác văn thơ nhạc họa, người thì quay phim chụp ảnh, người thì tạc tượng, dựng bia và xếp gạch thành lá cờ đỏ sao vàng lớn nhất Việt Nam trên đảo Trường Sa, qua những chuyến thăm Trường Sa, các nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm ngắn dài. Tất cả đều hay, đều gây xúc động trong lòng người đọc.

Có những bút ký, những trường ca và những bài thơ dài ngắn khác nhau, nhưng tất cả đều chung một cảm xúc một chủ đề là ca ngợi biển đảo, ca ngợi Tổ quốc Việt Nam anh hùng và ca ngợi những người lính bảo vệ biển đảo của Việt Nam, như hai tập: “Hoàng Sa Trường Sa” và “Về Tổ” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã được giới thiệu trong năm 2014. Về âm nhạc, cũng đã có nhiều nhạc sĩ viết về Hoàng Sa, Trường Sa trong đó có lẽ thành công nhất là bài Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song. Bài hát đã luôn vang lên trên biển cả, trên sân khấu khắp đất nước, gợi cho người nghe cùng yêu Tổ quốc và yêu biển cả bao la của mình. Tiếp theo nhạc sĩ Thế Song còn có nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, nhạc sĩ Mác Tuyên cũng có ca khúc hay về Hoàng Sa, Trường Sa.

PV: Nghệ thuật sân khấu đã có những đóng góp gì cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo Việt Nam, thưa giáo sư?

Giáo sư Hoàng Chương: Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm văn học và thơ ca, nhạc họa và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Những bộ môn nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, dân ca, kịch nói tuy mạnh nhưng không nhạy bén, không kịp thời như thơ ca, nhạc họa, người sáng tác phải có vốn sống tích lũy rồi thông qua tư duy sáng tạo mới có được kịch bản, tiếp theo là khâu dàn dựng cũng rất công phu. Vì vậy mà cho đến nay tuy đã có một số vở diễn sân khấu nói về biển đảo nhưng chưa thấy xuất hiện những vở diễn lớn về biển đảo, cụ thể là Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tôi tin rằng khi đất nước có họa ngoại xâm thì nhất định văn nghệ sĩ sẽ ra mặt trận bằng vũ khí, ngọn bút, cây cọ, máy ảnh... của mình, nhất định sẽ có những tác phẩm hay như ta thấy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn nghệ sĩ đã sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm hay. Ví dụ: Năm 1979, Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc của nước ta, nhà viết kịch Trúc Dương đã viết vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh thể hiện chiến thắng oai hùng của nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long thống nhất đất nước. Vở diễn đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng xem và khen ngợi và mới đây (tháng 9/2015) để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống Trung Quốc trong âm mưu lấn chiếm biển đảo Việt Nam bằng cách vẽ lại bản đồ chín đoạn hình lưỡi bò, thì Bộ Văn hóa và lãnh đạo tỉnh Bình Định chỉ đạo cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn phục hồi vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh. Trong vở có một cảnh vua Càn Long vẽ lại bản đồ kéo dài xuống biển Đông mà nay họ gọi là “hình lưỡi bò” là “ đường chín đoạn”, nhằm lấn chiếm đất của Việt Nam và một số nước châu Á khác như Philippines…

Nghệ thuật là phải phản ánh hiện thực một cách kịp thời, trung thực và có nghệ thuật thì mới được khán giả hoan nghênh, mới kéo người xem tham gia vào những cuộc đấu tranh vệ quốc cùng ngăn chặn họa xâm lăng bảo vệ Tổ quốc của mình.

PV: Sau phán quyết của PCA về đường lưỡi bò của Trung Quốc vô giá trị; đồng thời trên google chính thức chỉnh lại thông tin ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, rất nhiều người dân và các nghệ sĩ Việt đã lên tiếng ủng hộ phán quyết, cũng như sẵn sàng sát cánh góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, nhóm Xẩm Hà Thành của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long vừa cho ra mắt bài Xẩm Đường lưỡi bò? Ông nghĩ thế nào khi nghệ thuật Xẩm cũng góp tiếng nói trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam?

Giáo sư Hoàng Chương: Hát Xẩm là loại hình âm nhạc dân gian vô cùng truyền cảm, nó chứa đựng cả một thế giới tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, với quan hệ gia đình, tình yêu đôi lứa, chứa đựng các bài học luân lý, truyền đời sâu sắc và xúc động. Hát Xẩm cũng từng là một vũ khí nghệ thuật giàu sức chinh phục trái tim con người và làm được cả việc giáo dục tư tưởng đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương đến ngoài mặt trận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Mới đây, nhóm Xẩm Hà Thành đã góp chung tiếng nói cùng các văn nghệ sĩ trong nước về việc ủng hộ phán quyết của tòa, cũng như phản đối những yêu sách vô lý về đường lưỡi bò và vấn đề chủ quyền lãnh thổ của nước ta theo cách riêng của mình.Tôi cũng đã nghe bài Xẩm Đường lưỡi bò mang màu sắc dí dỏm với tính chất hơi châm biếm truyền tải nội dung về sự vô lý trong yêu sách đường lưỡi bò đã bị những nước liên quan cũng như dư luận quốc tế lên án bấy lâu nay. Bài Xẩm do hai giọng hát cá tính của nhóm Xẩm Hà Thành là Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long thể hiện. Bài Xẩm này có ca từ trực diện, dễ hiểu lại mang nội dung truyền tải thông điệp mang tính thời sự nên người nghe sẽ dễ nhớ. Tôi thực sự hoan nghênh nhóm Xẩm Hà Thành đã ra mắt đúng thời điểm, Xẩm Đường lưỡi bò đã góp chung tiếng nói với các văn nghệ sĩ trong nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

PV: Còn những môn nghệ thuật khác nữa đã làm gì trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa?

Giáo sư Hoàng Chương: Dĩ nhiên là còn nhiều bộ môn nghệ thuật khác cũng đóng góp kịp thời trong việc bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa như hội họa, nhiếp ảnh. Đặc biệt, nhiếp ảnh đã có những tác phẩm đẹp phản ánh kịp thời sinh động về Hoàng Sa, Trường Sa từ những phóng viên giàu lòng yêu nước, yêu con người. Cụ thể là những chiến sĩ kiên cường bảo vệ biển đảo, những cảnh sát biển dũng cảm, những ngư dân quên mọi hiểm nguy không chịu lùi bước trước một sức mạnh xâm lấn nào. Tất cả đã được lọt vào ống kính của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh dũng cảm. Trong số những nghệ sĩ nhiếp ảnh xung phong làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa còn có nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, anh không sợ hiểm nguy trong những giờ phút căng thẳng nhất ở Hoàng Sa nên đã ghi lại được hàng trăm bức ảnh tả thực sắc nét về hành động dũng cảm của các chiến sĩ Việt Nam quyết tâm bảo vệ biển đảo của mình. Những cảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, những cảnh bộ đội ta thông minh tránh né, ngăn chặn tàu địch và đẩy lùi tàu địch mà không phải đổ máu đã được Nguyễn Á ghi lại trong ống kính của mình. Hàng trăm bức ảnh có giá trị ấy đã được Nguyễn Á chọn in thành một tập sách cỡ lớn vô cùng sinh động như một bộ sử bằng ảnh để phổ biến cho đồng bào ta biết về hiện thực đấu tranh trên biển đảo như thế nào, đồng thời tặng lại cho những chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo hôm nay. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cũng đã tổ chức tọa đàm giới thiệu công trình ảnh đặc biệt này của Nguyễn Á tại Bộ Văn hóa (51 Ngô Quyền - Hà Nội), hàng trăm học giả, văn nghệ sĩ và nhà báo đã đến dự và hầu hết ý kiến đều đánh giá rất cao tập sách ảnh Hoàng Sa, Trường Sa của Nguyễn Á.

Rất tiếc là còn nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có những bức ảnh đẹp, sinh động về Hoàng Sa và Trường Sa mà tôi chưa tiếp cận được nên chưa thể nói ra đây. Tôi hy vọng sắp tới nếu phát hiện được những nhà nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm có giá trị về Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi lại tổ chức giới thiệu, quảng bá góp phần tuyên truyền về cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của nhân dân ta hôm nay.

PV: Giáo sư có biết về những hoạt động văn hóa ở nước ngoài của Việt kiều trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam?

Giáo sư Hoàng Chương: Từ ngày Trung Quốc có hành động xâm lấn biển đảo Việt Nam, nhiều văn nghệ sĩ trí thức Việt kiều ở nước ngoài không những đã lên tiếng phản đối Trung Quốc mà còn có những việc làm cụ thể nhằm chỉ ra những ý đồ xâm lược của Trung Quốc, trong số đó có kỹ sư Trần Thắng -  cháu của nhà thơ Tế Hanh ở Mỹ. Trần Thắng đã sưu tầm được 500 bản đồ cổ do Trung Quốc và một số nước vẽ, trong đó ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Không chỉ một vài bản đồ chỉ ra thực tế đó mà hàng trăm bản đồ đều thống nhất không có đường chín đoạn và hình lưỡi bò như Trung Quốc tự vẽ ra hôm nay.

Những bản đồ của Trần Thắng sưu tầm đã được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới công nhận, xác định bản đồ chín đoạn và hình lưỡi bò của Trung Quốc tự vẽ ra là không thể chấp nhận được.

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!


Thu Hiền (thực hiện)
Ý kiến của bạn