Giờ xin nói đến văn hóa Đông và Tây không gặp nhau dưới góc độ nhân học – dân tộc học. Xin nhắc lại một định nghĩa văn hóa xuất phát từ tiêu chuẩn ứng xử: Văn hóa là tổng thể những hệ thống tín hiệu đặc trưng cho những giá trị chi phối các ứng xử và giao tiếp giữa những con người trong một cộng đồng khiến các cộng đồng này khác cộng đồng kia. Như vậy là Đông Tây khác biệt, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều có nền văn hóa riêng của mình.
Cũng có ý kiến ngược lại, cho là không có sự khác biệt giữa Đông và Tây, chí ít là về phương diện tâm lý và tư duy. Một học giả Libăng đưa ra lý thuyết này: Những đặc thù của phương Đông trong Đông Phương học đều là “ảo”, đó là hình ảnh do phương Tây tưởng tượng mà tạo ra để đối lập với mình. Đó là những hình ảnh méo mó, chỉ có trong sách vở, thơ văn của những nhà văn phương Tây như kiểu văn sĩ Pháp tiền lãng mạn Chateau Brillant. Đó thực ra là khuynh hướng lãng mạn tìm thoát ly thực tế của mình và đất nước mình bằng cách tìm cái xa lạ.
Môn tâm lý học thì cho là con người Đông hay Tây đều có chung một tâm lý. Vì từ hơn một thế kỷ nay, các nhà tâm lý học đều thống nhất là bộ máy tư duy của nhân loại, da đen, da trắng, da vàng, da đỏ đều thao tác giống nhau. Chỉ có một tư duy lô-gich chung cho mọi con người. Trẻ con 6 - 7 tuổi mới bắt đầu vận dụng được tư duy lô-gich, nghĩa là có thể suy nghĩ không những về các sự vật cụ thể mà cả về cách suy nghĩ của mình, có những biểu tượng mạch lạc, tìm cách chứng nghiệm đúng hay sai. Đến 10 - 11 tuổi, tư duy lô-gich mới thật hoàn chỉnh, trẻ bắt đầu hiểu khoa học văn hóa một cách có hệ thống. Trước tuổi 6 - 11 có thể so cách suy nghĩ của trẻ em với cách suy nghĩ tiền lô-gich của con người nguyên thủy, mà một nhà xã hội học Pháp đã nghiên cứu. Con đường nhận thức của người phương Đông hay phương Tây đều đi từ nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác, biểu tượng) tiến lên nhận thức bằng tư duy trừu tượng, cơ sở của lô-gich (khái niệm, phán đoán, suy lý, giả thuyết, lý luận...).
Vì vậy, anh thợ máy ở Mỹ, bác nông dân ở đồng bằng sông Hồng đều cùng theo một sơ đồ suy nghĩ được đặc trưng bởi cách tìm hiểu sự việc qua nguyên lý “nguyên nhân và kết quả”, khuynh hướng đặt ra các phạm trù và lập luận theo lô-gich. Như vậy là tư duy Tây hay Đông đều giống nhau, khác nhau là do hai nền văn hóa khác nhau, đối tượng tư duy khác nhau (anh công nhân Mỹ bận tâm về chiếc máy điện mới, anh nông dân Việt bận tâm về ngày giỗ bố chẳng hạn...).
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là mấy trường đại học Mỹ qua thực nghiệm, lại đi đến những kết luận ngược với môn tâm lý học hiện đại: tư duy, văn hóa Đông Tây khác nhau. Người phương Đông tư duy theo chủ toàn (holistic). Từ ngữ chủ toàn của Cao Xuân Huy có lẽ thích ứng với lập luận ấy, tổng hợp hơn người phương Tây, chú trọng hơn đến bối cảnh, các mối liên hệ, dựa vào trực giác, xuất phát từ thể nghiệm hơn là lô-gích trừu tượng, dễ chấp nhận những mâu thuẫn hơn. Phương Tây nặng về phân tích (Cao Xuân Huy dùng từ chủ biệt), tách đối tượng khỏi bối cảnh, bị chi phối bởi lô-gich, tránh các mâu thuẫn.
Dưới góc độ ứng xử và giao tiếp, rõ ràng có những khác biệt giữa các dân tộc, Đông và Tây. Những kết quả nghiên cứu của G.Hofstede thường được sử dụng làm khung cho những công trình nghiên cứu về các vấn đề văn hóa trong doanh nghiệp và quản lý kinh tế. Khung đó đề ra một số yếu tố khu biệt các nền văn hóa dân tộc khác nhau. Trong những yếu tố đó, yếu tố so sánh tính cá thể, tính cộng đồng (individualism/collectivision) có tầm quan trọng đặc biệt. Hofstede xếp Bắc Mỹ và Tây Âu vào loại văn hóa đậm tính cá thể. Các nước châu Á, châu Phi và Nam Mỹ vào loại đậm tính cộng đồng.
Edward Hall đưa ra khái niệm hai loại hình văn hóa: loại hình văn hóa với giao tiếp có bối cảnh cao và loại hình văn hóa giao tiếp có bối cảnh thấp.
Loại hình thứ nhất phù hợp với những nền văn hóa đậm tính cộng đồng, thiên về cảm xúc thơ mộng, trực giác, tổng hợp, truyền thống...Loại hình thứ hai đặc trưng cho các nền văn hóa đậm tính cá thể, thiên về lô-gich, lý trí, phân tích...
Không đi sâu vào lý luận, ta có thể xếp văn hóa Việt vào loại hình văn hóa đậm tính cộng đồng. Cũng phải nhắc lại là khái niệm tính cộng đồng này của nhân học văn hóa chỉ sự gắn bó văn hóa với những nhóm (in-group): gia đình, làng xã, tổ chức xã hội, tôn giáo... trong cộng đồng dân tộc lớn với sự tin tưởng là sẽ được những nhóm ấy che chở...
Sự khác nhau giữa những giá trị văn hóa của các dân tộc Đông và Tây dĩ nhiên gây ra sự khác biệt về ứng xử và tiếp xúc giữa các dân tộc phương Đông và phương Tây.
Hữu Ngọc