Văn hóa bệnh viện với bệnh nhân nghèo

10-12-2011 08:24 | Y tế
google news

Khi đất nước còn khó khăn thì ngành nào cũng khó, trong đó có y tế. Thế nhưng có những cái khó có thể gác lại được như một tác giả đã phát biểu trên diễn đàn này rằng không tiền thì hoãn mua sắm, kể cả hoãn cưới nhưng chữa bệnh thì không thể hoãn được.

Khi đất nước còn khó khăn thì ngành nào cũng khó, trong đó có y tế. Thế nhưng có những cái khó có thể gác lại được như một tác giả đã phát biểu trên diễn đàn này rằng không tiền thì hoãn mua sắm, kể cả hoãn cưới nhưng chữa bệnh thì không thể hoãn được. Đấy là góc độ bệnh nhân. Về phía các bệnh viện hẳn còn rất nhiều cái khó. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay là một trong những biểu hiện về cái khó của ngành y tế.

Tại sao bệnh nhân thích dồn về tuyến cuối mà không thích ở bệnh viện huyện và tỉnh dù rằng ra Hà Nội là khó khăn, tốn kém đủ bề? Đơn giản chỉ vì ở tuyến cuối, phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại hơn. Khi tuyến huyện, tỉnh còn nghèo nàn thì bác sĩ mới ra trường cũng ngại về không phải vì đời sống vất vả mà là ước vọng nâng cao tay nghề khó có thể thực hiện nhanh chóng. Thế là cái khó sinh ra sự lãng phí lớn, nghĩa là bệnh viện tuyến cuối bị “khai thác vượt công suất” nhiều lần trong khi bệnh viện tuyến huyện, tỉnh chưa khai thác hết công suất.

Ai đó nói rằng tuyến huyện nếu có trang bị máy móc hiện đại thì làm gì có người sử dụng. Cứ có máy móc đi, ắt có người sử dụng tốt. Không có cái để họ thực hành thì làm sao có người sử dụng giỏi được.

 Nồi cháo tình thương do báo SK&ĐS thực hiện tại BV Nhi TW nhằm chia sẻ những khó khăn với người bệnh nghèo. Ảnh: TM

Lại chuyện đầu tiên là tiền đâu?

Rõ ràng là ngân sách dành cho y tế hiện nay chưa tương xứng với sự gia tăng dân số. Đất nước còn phải chi bao việc khác như quốc phòng, an ninh, giao thông... Nhưng không lẽ để cho y tế, tức là vấn đề chăm sóc sức khoẻ nhân dân mãi thế này với tình trạng đông đúc nơi tuyến cuối, thưa thớt ở tuyến đầu? Một trong những biện pháp khắc phục khó khăn là toàn dân tham gia qua hình thức công trái cho y tế. Tôi tin là toàn dân sẽ ủng hộ.

Sử dụng tiền công trái làm gì?

Trước hết là mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên y tế ở các tuyến này. Khi mặt bằng trang thiết bị và trình độ thầy thuốc tương đối ngang bằng thì hiện tượng quá tải sẽ hết. Hết quá tải là dân đỡ khổ vì không phải đi xa, một người bệnh mất thêm vài người đi theo chăm sóc.

Nên hiểu công trái cho y tế theo nghĩa: lúc này Nhà nước cần đầu tư cho y tế nhưng không có tiền nên vay của dân hoặc dân cùng gánh vác với Nhà nước về chuyện của chính mình.

Bên cạnh chuyện công trái y tế, nên phát động xây dựng quỹ chăm sóc bệnh nhân nghèo. Kinh tế thị trường càng cần phải có quỹ này để người bệnh nhẹ giúp người bệnh nặng, người có khả năng kinh tế giúp người đang khó khăn trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Các bệnh viện từ trung ương tới tuyến tỉnh, huyện nên có hòm để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đóng góp. Các thầy thuốc trực tiếp khám chữa bệnh cũng vận động bệnh nhân và mọi chuyện công khai thì không có gì đáng ngại. Các bệnh viện thông báo tháng này thu được bao nhiêu, đã giúp được ai...

Chuyện công trái cho y tế và xây dựng quỹ chăm sóc bệnh nhân nghèo không chỉ là chuyện tiền nong mà lớn hơn là chúng ta khơi ở mỗi người tình cảm trước cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn lớn. Đất nước còn khó khăn nhưng dựa vào dân thì không khó khăn nào không thể vượt qua.          

Vũ Xuân Hùng


Ý kiến của bạn