Khi ta không có tiền thì đừng nên tìm tiền trong ví, không có gạo thì đừng tìm gạo trong thùng. Phải nhìn cái thiếu từ gốc ở nơi nó có. Văn hóa bệnh viện là văn hóa y tế và cái gốc để có nó phải bắt đầu từ y tế cơ sở.
Tính văn hóa này nằm trong đường lối y tế của Đảng và Nhà nước ta khi hệ thống mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta phát triển rộng khắp cả nước, tới từng xã, thôn, bản được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là bản chất của văn hóa y tế Việt Nam và cũng là một thành tựu lớn ngành y tế Việt Nam khi mà nhiều năm qua, mạng lưới này đã không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân.
Y tế cơ sở điểm tựa cho nhiều người dân địa phương. |
Những năm qua, nhân lực y tế tuyến cơ sở đã được liên tục bổ sung, nâng cao từ việc các địa phương thu hút, huy động được nhiều nguồn nhân lực y tế ngoài công lập gồm cán bộ y tế quân y, dân y về hưu hoặc hỗ trợ nhân viên y tế người địa phương đi học để trở về phục vụ đến việc Bộ Y tế tăng cường cho cơ sở qua Đề án 1816, dạy nghề và giúp dân tại chỗ.
Tuy nhiên, do điều kiện đất nước còn nghèo, ngân sách y tế hạn hẹp nên tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động luôn là khó khăn lớn đối với y tế cơ sở. Cả nước còn xã nào chưa có trạm y tế và bao nhiêu trạm y tế xã chỉ mới làm được nhà tạm? Chưa kể bão lũ tàn phá khiến nhiều trạm y tế bị ảnh hưởng nặng nề. Nhìn vào trang thiết bị y tế tại các trạm y tế thấy phần nhiều còn rất thô sơ. Khi kinh phí hoạt động eo hẹp cộng với những thiếu thốn trang thiết bị đã làm đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thiếu yên tâm, mong lên tuyến trên để nâng cao chuyên môn và dân có bệnh thì quên luôn y tế cơ sở đang bên cạnh mình dù thừa biết càng đi xa sẽ càng khó khăn, phức tạp và tốn kém.
Hiện nay, cả nước có hơn 2/3 số xã có bác sĩ đã là thành tích lớn nhưng non 1/3 còn lại thiếu BS cũng là điều trăn trở. Đó là về số lượng, còn về chất lượng, trình độ BS xã cũng cần được khảo cứu bởi khi có trang thiết bị y tế hiện đại thì vấn đề trình độ người sử dụng để phát huy được hiệu quả của trang thiết bị cũng là vấn đề cần bàn. Nếu chỉ đầu tư trang thiết bị mà không đầu tư nhân lực cho y tế cơ sở thì trang thiết bị nếu có lại thành sự lãng phí.
Việc này không thể ngày một ngày hai làm được ngay bởi ngay tại các thành phố lớn đã có không ít bác sĩ bỏ bệnh viện công để đến những nơi làm việc có thu nhập cao và thuận lợi hơn. Không ít nhưng không phải là tất cả bởi y đức trong đội ngũ thầy thuốc hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Vấn đề là chế độ chính sách dành cho thầy thuốc hiện nay khi không thể chỉ nhìn vào thu nhập trong số rất nhỏ BS các BV lớn mà quên thực tế thu nhập và công việc nặng nhọc của đội ngũ thầy thuốc trên cả nước.
Vai trò của chính quyền địa phương trong lĩnh vực y tế cơ sở là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần thu hút, tạo điều kiện khuyến khích trí thức trẻ về cơ sở bởi bên cạnh cơ chế, chính sách (tiền lương, phụ cấp...) thì sự quan tâm tới đời sống tinh thần và thái độ trọng thị thầy thuốc cũng quan trọng hơn rất nhiều. Chỉ có địa phương mới có thể kết hợp hài hòa giữa tinh thần và vật chất cho đội ngũ y tế cơ sở như: giúp đỡ nơi ở, thu xếp việc làm cho vợ hoặc chồng đi cùng, nơi học hành của con trẻ hoặc chính sách đào tạo cử tuyển, hỗ trợ kinh phí học tập cho nhân viên y tế đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng để về phục vụ bà con quê hương mình.
Văn hóa bệnh viện không chỉ nhìn tại BV mà cần nhìn từ gốc khi vấn đề chăm sóc sức khỏe không chỉ là công việc của ngành y tế mà còn là công việc của toàn xã hội.
Hiền Lê