Charles Dickens (1812-1870) - nhà văn hiện thực lớn nhất nước Anh thế kỷ 19 nảy ý tưởng khác, độc đáo và thiết thực hơn. Nhờ công nghệ thuộc da, Dickens đã lưu giữ không chỉ hình ảnh mèo Bob...
Dickens là người yêu thú vật hiếm gặp. Dạo mát trong dinh thự tác giả tiểu thuyết David Copperfield (xuất bản lần đầu 1850), lữ khách cần phải để mắt, không chỉ dưới chân - nơi quây quần cả đàn đông đảo họ hàng nhà khuyển đủ loài mà còn phải chú ý trên đầu - trong khoảng không có thể vướng cánh chim vẹt, quạ hoặc... đại bàng (Dickens mang về từ Mỹ sau một chuyến du lịch).
Văn hào Charles Dickens.
Tuy nhiên, trong đám đông bạn bốn chân và chim muông phong phú, vẫn thiếu mèo. Tất cả vì sự hiện diện trong dinh thự nhà văn của loài điểu học. Tạo hóa xui khiến chim muông vừa là con mồi vừa là kẻ thù không đội trời chung của loài mèo.
Dẫu vậy, ông chủ Dickens không có lối thoát khi con gái lớn Mamie được bạn thân tặng con mèo Xiêm màu vàng nhân ngày sinh nhật. Bạn mới của gia đình được nhà văn đặt tên là William để tưởng nhớ nhà văn kiêm kịch gia huyền thoại tiền bối William Shakespeare (1564-1616) - cho đến thời gian khi mèo Xiêm bất ngờ cho ra đời 4 mèo con. Khi ấy, Dickens sửa chữa sai lầm và đổi tên mèo mẹ mới toanh thành Williamina (William cái).
Trong cuốn sách My Father as I Recall Him, Mamie, con gái nhà văn kể, hầu như toàn bộ đàn mèo, khi đã lớn, đều được chủ mới xin về nuôi, trừ 1 con không ai muốn nhận - đó là con mèo điếc, vì thế, gia đình nhà Dickens buộc phải giữ lại để nuôi. Nó điếc nên lúc nào cũng có vẻ khinh khỉnh, chảnh tính, không phản ứng với tiếng gọi của mọi người. Bà giúp việc ghét nó, đặt tên cho mèo xấu số là “ông chủ”. Riêng bố tôi rất thương yêu nó, ông trìu mến đặt tên nó là Bob.
Thực tế, cái tên “ông chủ” do bà giúp việc đặt cho mèo điếc không hề quá đáng. Bởi nó có không ít hành vi rất khác thường. Bob gắn bó với Dickens như hình với bóng. Nó lẽo đẽo rảo cẳng theo nhà văn trong thời gian ông dạo bộ và ngồi chễm chệ trên bàn làm việc khi Dickens viết sách. Mèo điếc cũng nhõng nhẽo luôn tìm kiếm sự quan tâm của nhà văn.
“Một buổi tối, Bob “đọc sách” trên chiếc táp đờ luy, bên cạnh ngọn nến (con gái Dicken viết). Bỗng chốc ngọn nến phụt tắt. Bố tôi ngồi bên bàn làm việc liền kề, đang say sưa viết sách, ông đứng dậy, nhoài người đóng cánh cửa sổ vì cho rằng gió bên ngoài thổi mạnh làm tắt ngọn nến. Sau đó, tay phải bố tôi bật lửa thắp lại ngọn nến, tay trái vuốt nhẹ vào người Bob. Đáp lại cử chỉ của bố tôi, mèo điếc đảo mắt nhìn ông một cách thương hại và trở lại công việc “đọc sách”.
Vài phút sau, khi ngọn nến lần thứ hai phụt tắt, đoán biết chính mèo điếc đã dùng chân trước dập tắt ngọn nến, bố tôi thở dài, thắp lại ngọn nến. Sau đó, ông nhếch mép cười, nhìn thú cưng đầy vẻ van xin và đưa cả hai tay âu yếm vuốt nhẹ người nó. Lần này, thái độ nhũn nhặn của bố tôi dường như đã khiến mèo điếc mủi lòng. Nó ngồi yên và chấm dứt trò làm tắt nến”, Mamie - con gái Dickens hồi tưởng.
Bạn nhỏ bốn chân gắn bó như hình với bóng với Charles Dickens đã giành được tình cảm đặc biệt của nhà văn. Thời khắc Bob sống những ngày cuối đời chắc chắn là thời gian cực khó chịu đối với nhà văn. Khát khao lưu giữ kỷ vật nào đó từ tấm thân của Bob yêu quý là chứng cứ rõ ràng của điều đó. Trong bối cảnh này, công nghệ thuộc da làm thú nhồi bông - lĩnh vực Charles Dicken ngưỡng mộ từ lâu đã hỗ trợ nhà văn hiện thực hóa mơ ước.
Và cho dù đa số chúng ta ngày nay không có thiện cảm với thuộc da làm thú nhồi bông, song bộ môn nghệ thuật này rất được ưa chuộng thời thế kỷ 19. Người yêu thú vật thời đó tận dụng kỹ thuật thuộc da không chỉ để tạo ra những kỷ vật cá nhân mà còn phục vụ mục đích thực dụng: đặt hàng làm lọ mực từ móng chân ngựa, chế tác đèn ngủ từ đầu mèo, mũ đội mùa đông từ chim đại bàng...
Dickens cũng bị cuốn hút vào trào lưu này. Nhờ bàn tay khéo léo của thợ thuộc da, nhà văn đã có con dao rọc giấy với cán dao bọc bằng... chân trước của mèo Bob. Trên chân thú yêu, nhà văn thuê thợ khắc dòng chữ: “C.D in Memory of Bob 1862” (tạm dịch, Charles Dickens thương nhớ Bob 1862).
Bạn quan tâm có thể chiêm ngưỡng kỷ vật độc đáo của Dickens tại Thư viện Công cộng New York.