Hà Nội

Vụ tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia 'kêu đói': VĐV ăn bao nhiêu mới đủ?

03-10-2023 18:00 | Dinh dưỡng

SKĐS - Vận động viên đói không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm hiệu suất trong tập luyện và thi đấu, đặc biệt là thi đấu thành tích cao.

1. Vận động viên đói thường xuyên có thể gây thiếu chất dinh dưỡng

Trong mấy ngày vừa qua, báo chí đã phản ánh về việc các tuyển thủ đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình kêu vận động viên đói.

Trước thông tin này, Cục Thể dục Thể thao đang xác minh thông tin để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Trong ngày 2 và 3/10, Cục đã chỉ đạo Phòng Thể thao thành tích cao 2, bộ môn bóng bàn, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình họp để kiểm tra, làm rõ sự việc để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Theo phản ánh, bữa ăn của 8 vận động viên có chi phí 800.000 đồng nhưng thực đơn chỉ có đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua. Một số vận động viên chia sẻ phải tự mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập do ăn uống không đầy đủ.

Vận động viên đói có thể ảnh hưởng đến thành tích thi đấu - Ảnh 2.

Bữa ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam được cho là khiến các VĐV đói. Ảnh: T.P.

Từ ngày 1/1/2021, theo Thông tư 86/2020/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên, huấn luyện viên thể thao quy định như sau:

Vận động viên đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.

Vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.

Với các vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.

Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV được lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm. Tiền ăn, tiền nước uống hằng ngày của VĐV được gói gọn trong số kinh phí này theo thông tư 86.

2. Vận động viên đói thì tập luyện và thi đấu thế nào?

Dinh dưỡng và tập luyện là hai mảng không thể thiếu được đối với vận động viên, đặc biệt là vận động viên thành tích cao. Với vận động viên chuyên nghiệp muốn giành đến đỉnh cao thì dinh dưỡng cực kỳ quan trọng.
PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh , cố vấn dinh dưỡng cho thể thao Việt Nam

Chưa bàn về chuyện thông tin nêu trên chính xác đến đâu nhưng cần nhìn thẳng vào một thực tế, thể lực của nhiều vận động viên Việt Nam còn khá khiêm tốn. Các chuyên gia y học thể thao cho biết, dù có được đào tạo tốt đến mấy cũng khó giúp vận động viên đạt được thành tích cao nếu không ăn uống đúng cách.

Hoạt động thể thao làm tăng đáng kể nhu cầu năng lượng thực phẩm của một người. Hoạt động thể chất tăng lên đòi hỏi nhiều calo thực phẩm hơn.

Lượng thức ăn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động của mỗi vận động viên. Một vận động viên cao lớn hơn cần nhiều calo hơn vận động viên nhỏ hơn vì cần nhiều năng lượng hơn để di chuyển nhiều khối lượng hơn trên cùng một quãng đường.

Các chuyên gia y học thể thao cho biết, vận động viên thường đốt cháy nhiều calo hơn trong một buổi luyện tập so với khi thi đấu thực tế vì tổng công việc thường được thực hiện nhiều hơn trong khi luyện tập. Trước thông tin vận động viên kêu đói, thường xuyên phải mua thêm đồ ăn cho đủ no – nếu việc này là đúng thì ảnh hưởng vô cùng lớn đến quá trình tập luyện và hiệu suất thi đấu bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Mạnh, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: song song với việc chuẩn bị tâm lý, rèn luyện thể lực thì vấn đề dinh dưỡng, nghỉ ngơi, hồi phục cho vận động viên là điều luôn được quan tâm. 

Vấn đề cải thiện tầm vóc và thể trạng cho người Việt Nam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rất quan tâm và đưa vào kế hoạch triển khai. Trên thực tế hiện nay về chiều cao và thể trạng các vận động viên của chúng ta đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Việc quan tâm đến chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng phù hợp vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, với sự quan tâm về tâm lý cũng như nhu cầu dinh dưỡng tốt chúng ta sẽ hoàn thiện được thể lực, tâm lý của các vận động viên.

Còn theo ThS.BS Hà Phan Thắng: Các vận động viên phải được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng liên quan đến môn thể thao của họ. Điều này có thể phụ thuộc vào một số yếu tố như chuyên môn hoặc vị trí thi đấu, lịch tập luyện, mục tiêu thích ứng hoặc mục tiêu về thành phần cơ thể. Nếu vận động viên thường xuyên có thói quen ăn uống kém, thậm chí nạp quá ít calo hoặc protein có thể gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng và mệt mỏi liên tục. Mục tiêu của bất kỳ kế hoạch dinh dưỡng nào đều là giúp vận động viên khỏe mạnh và không bị chấn thương, đồng thời tối đa hóa khả năng thích ứng về chức năng và trao đổi chất để tăng hiệu suất.

Vận động viên đói có thể ảnh hưởng đến thành tích thi đấu - Ảnh 5.

Các chiến lược dinh dưỡng được thiết kế tốt có thể nâng cao thành tích thể thao cũng như khả năng phục hồi sau các hoạt động thể thao. Ảnh: Duy Linh.

3. Vận động viên bóng bàn cần bao nhiêu calo?

Bóng bàn là môn thể thao đòi hỏi sự kết hợp giữa sức mạnh, sức bền, sự nhanh nhẹn, tinh thần tỉnh táo và phản ứng nhanh. Các chiến lược dinh dưỡng được thiết kế tốt có thể nâng cao thành tích thể thao cũng như khả năng phục hồi sau các hoạt động thể thao.

Việc hấp thụ carbohydrate kịp thời đã được chứng minh là giúp cải thiện sức bền, trong khi việc tiêu thụ đồng thời carbohydrate và protein sau khi tập thể dục có thể cải thiện khả năng phục hồi. Trung bình cứ mỗi 1kg trọng lượng cơ thể, vận động viên bóng bàn cần khoảng 7-8gr carbohydrate mỗi ngày. Chẳng hạn, một người chơi bóng bàn 60kg sẽ cần khoảng 420 – 480g carbohydrate/ngày. Với những người 70kg sẽ cần khoảng 490 – 560g/ngày.

Hiểu được nhu cầu sinh lý, thể thao và thi đấu của môn bóng bàn có thể cho phép áp dụng kiến thức dinh dưỡng thể thao hiện có để đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng cho môn bóng bàn.

Việc tiêu hao năng lượng của người chơi bóng bàn phần lớn phụ thuộc vào khối lượng và cường độ tập luyện của họ cũng như các đặc điểm cá nhân như trọng lượng cơ thể và thành phần. Ví dụ để quyết tâm tập luyện, nam vận động viên bóng bàn ở trường đại học Nhật Bản tập luyện ba giờ mỗi ngày có mức tiêu hao năng lượng hàng ngày ước tính là 3700 ± 450 kcal.

Về chế độ dinh dưỡng cụ thể với các vận động viên cũng cần được thực hiện khác nhau tùy theo hoạt động, ví dụ như dinh dưỡng tập luyện, dinh dưỡng thi đấu và dinh dưỡng phục hồi.

4 nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của vận động viên4 nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của vận động viên

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với vận động viên. Vậy để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho tập luyện bữa ăn của vận động viên nên có những loại thực phẩm nào?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sử dụng doping trong thể thao - Lợi bất cập hại.

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn