Vận động viên chật vật thích nghi thời tiết khắc nghiệt

19-06-2020 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hiện nay, thế giới đang đứng trước 5 cuộc khủng hoảng lớn là: dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. 5 cuộc khủng hoảng này đều liên quan chặt chẽ với môi trường và nó tác động mạnh mẽ tới mọi hoạt động trong xã hội.

Việc đánh giá tác động của môi trường trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, thể thao, an ninh, quốc phòng... không chỉ giúp chúng ta dự báo những ảnh hưởng của môi trường đến đời sống, sức khỏe nhân dân mà còn giúp những nhà quản lý chủ động lựa chọn những phương án khả thi và tối ưu nhất để hạn chế ảnh hưởng xấu từ môi trường. Tại giải Cúp điền kinh tốc độ 2020 mới đây được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, một sự việc đã xảy ra khi VĐV Nguyễn Thị Huyền phải vào bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do các VĐV đã phải thi đấu với cường độ lớn trong điều kiện thời tiết nắng nóng xen lẫn mưa rào dai dẳng tại TP.HCM ở thời điểm này. Theo ghi nhận của Ban huấn luyện, phóng viên và những người có mặt tại sân lúc ấy, Nguyễn Thị Huyền không còn kiểm soát được cơ thể khi tranh tài ở đường chạy và tình thế trở nên xấu đi khi Huyền bị sốc nhiệt giữa thời tiết nắng nóng cực độ. Huyền gần như bò lê ở khu vực đăng ký và nhân viên y tế phải cho cô thở oxy trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cần trang bị kiến thức về phòng ngừa, điều trị các bệnh về nhiệt cho HLV, cán bộ y tế ngành thể thao,... VĐV. Ảnh: Đào Tùng

Cần trang bị kiến thức về phòng ngừa, điều trị các bệnh về nhiệt cho HLV, cán bộ y tế ngành thể thao,... VĐV. Ảnh: Đào Tùng

Đây là một trong số ít những trường hợp của thể thao Việt Nam gặp phải khi tham gia các giải đấu thể thao đỉnh cao trong môi trường khí hậu khắc nghiệt. Nhưng thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều giải đấu, các VĐV gặp phải tình trạng này. Và đây thực sự trở thành vấn đề mà các nhà quản lý cần hết sức lưu tâm. Theo một nghiên cứu gần đây của Hoa Kỳ, tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên rõ rệt trong giới thể thao khi những ngày nắng nóng cực độ ngày càng gia tăng. Vào những ngày nhiệt độ cực đoan, thể thao và cái nóng trở thành một sự kết hợp nguy hiểm. Các bệnh liên quan đến nhiệt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc tàn tật cho các VĐV. Trong thời tiết nóng ẩm, mồ hôi không thể bốc hơi dễ dàng từ da, vì vậy, các VĐV có nguy cơ mắc các bệnh như kiệt sức vì nóng và say nắng. Độ ẩm và nhiệt độ là những yếu tố rất quan trọng để xem xét chất lượng những buổi tập luyện thể thao ngoài trời vì độ ẩm trong không khí càng cao, cơ thể con người hạ nhiệt càng kém hiệu quả. Trong khi luyện tập, cơ thể nóng lên và ra mồ hôi để giải phóng sức nóng. Nhưng cơ thể chỉ có thể mát hơn nếu mồ hôi bay hơi. Khi độ ẩm cao, mồ hôi khó có thể bay hơi khiến cơ thể không thể hạ nhiệt một cách hiệu quả. Lúc đó, VĐV sẽ cảm thấy ngột ngạt và thiếu ôxy.

Còn nhớ, tại giải Quần vợt Úc mở rộng năm 2014 - một trong những giải đấu danh giá, được hàng triệu người trên khắp thế giới đến xem và theo dõi qua tivi, đã trở nên tai tiếng vì những điều kiện mà các VĐV và khán giả phải chịu đựng. Họ đã trải qua 4 ngày liên tục dưới nắng nóng trên 41°C để theo dõi các trận đấu. Các tay vợt bị ảo giác, ngã gục, nôn mửa và nguyên nhân được cho là đã phải chịu đựng những điều kiện thi đấu cực kỳ khắc nghiệt.

Mặc dù các phác đồ điều trị đã được áp dụng, song các VĐV vẫn không chịu nổi bệnh về nhiệt do gắng sức và say nắng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đột ngột trong các hoạt động thể thao. Sau một loạt sự cố đáng tiếc xảy ra, các nhà tổ chức và cụ thể là ngay chính các HLV, các VĐV cần phải tính đến các giải pháp để có thể đảm bảo tổ chức thành công giải đấu, mang lại yếu tố kinh tế như mong muốn, song yếu tố sức khỏe, sự an toàn của VĐV phải được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, đối với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản... ngoài việc họ đang áp dụng thử nghiệm các nghiên cứu về môi trường và tác động của biến đổi khí hậu trong các hoạt động thể thao, họ còn trao quyền tối thượng cho trọng tài khi có thể hủy trận đấu nếu thấy các yếu tố an toàn không đảm bảo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác này chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, ngay lúc này, các HLV, các chuyên gia y tế và cả chính các VĐV cần được đào tạo và chuẩn bị để ứng phó, phòng ngừa và điều trị các bệnh về nhiệt do gắng sức ở các VĐV; Xây dựng các chính sách cho các sự kiện thể thao diễn ra trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.


An An
Ý kiến của bạn