Khí xuân thì thực tốt. Có thể nói không khi nào khí trời lại thuận đến như vậy. Oxy là khí của sự sống thì mùa xuân là mùa phát sinh nhiều oxy nhất. Cây cối đâm chồi, cành lá tua tủa mọc. Nắng ấm chan hòa vàng rực khắp chốn. Đây thực sự là thời khắc hữu ích nhất cho thân thể của bạn. Ít nhất, phổi sẽ được lợi, não sẽ được ích và cơ sẽ được khỏe. Vậy thì không có lý do gì chúng ta lại không tranh thủ tiết xuân đầy hữu dụng trong những ngày đầu năm mà tập thở cho thêm khỏe, thêm vui. Tập thở ngày xuân sẽ đem lại cho bạn một sức sống tràn căng thể chất.
Bài tập dang thở:
Hai chân đứng rộng bằng vai. Hai tay buông xuôi thân người. Bạn từ từ bước một chân trái lên phía trước, chân phải giữ nguyên, hơi kiễng về phía trước. Hai tay dang rộng bằng vai, dang sang hai bên, kéo ngực thật căng sang hai bên và hít thở thật sâu và dài. Sau khi hít thở xong thì thở ra. Đồng thời, chân trái thu về và tay trở lại trạng thái buông thẳng. Tiếp tục thay thế bằng chân phải bước lên.
Bạn tập 16 lần, mỗi lần 4 nhịp, 8 lần cho chân trái và 8 lần cho chân phải. Bài tập này có tác dụng làm nở căng lồng ngực theo chiều trước sau giúp lấy khí nhiều ở phần giữa phổi.
Bài tập vươn thở:
Người bạn đứng thẳng, lưng thẳng, hai chân rộng bằng vai, hai tay buông xuôi theo thân người. Nhịp đầu tiên, bạn bước chân trái lên phía trước, hai tay giơ cao trong tư thế thẳng, vươn lên cao hết cỡ, hơi ngả về phía sau sao cho bụng căng, ngực ưỡn, lưng cong. Khi đó phổi hít thật sâu trong tư thế giữ nguyên người như vậy. Sau đó từ từ trả lại cơ thể vị trí như ban đầu (chân trái thu về và hai tay buông thẳng), đồng thời thở ra nhẹ nhàng hết cỡ. Khi thở ra hết, bạn lại tiếp tục bước chân phải và cũng làm như vậy, nhớ hít thật sâu và thật căng khi ngực đang ưỡn và lưng đang cong.
Cứ tuần tự làm như vậy, làm 16 lần, mỗi lần 8 nhịp, 2 nhịp dành cho chân trái và 2 nhịp dành cho chân phải.
Bài tập này có tác dụng làm kéo giãn lồng ngực hết cỡ, nâng toàn bộ lồng ngực ra trước và lên cao giúp lấy được khí sâu tới tận các phế nang dưới đáy phổi. Bài tập cũng giúp kích hoạt các phế nang ít hoạt động để tăng công năng cho phổi.
Bài tập vặn thở:
Bạn đứng thẳng, hai chân rộng khép, hai tay buông xuôi. Nhịp 1, bạn bước chân trái dạng rộng sang trái sao cho 2 chân rộng bằng vai, đồng thời hai tay đưa thẳng ra phía trước, cao ngang vai. Nhịp 2, chân vẫn giữ nguyên, từ từ cúi gập người về phía bên trái sao cho hai tay thẳng, chụm lại, người quay sang trái, hai bàn tay đưa thấp xuống càng thấp càng tốt, tối thiểu phải qua gối trái, chân thẳng đồng thời thở ra mạnh hết cỡ, càng xuống sâu càng thở ra thật mạnh, bụng phải cúi gập nghiêng. Nhịp 3, đưa trở về giống nhịp 2, người thẳng, hít vào thật sâu. Nhịp 4, đưa người về tư thế chuẩn bị, thở ra nhẹ nhàng. Bạn làm như vậy với bên phải.
Bạn làm như vậy 16 lần, mỗi lần 8 nhịp, 8 nhịp cho bên trái, 8 nhịp cho bên phải. Bài tập này có tác dụng đẩy khí cặn ra khỏi phổi, nhất là khí ở phía bên phổi, giúp phổi thải bỏ khí độc và lấy được nhiều dưỡng khí hơn.
Bài tập cúi thở:
Bạn đứng thẳng, hai chân khép sát lại, hai tay buông xuôi theo thân người. Nhịp 1, chân trái bước sang trái, hai tay vươn thẳng lên cao, đồng thời hít vào thật sâu. Nhịp 2, cúi thật mạnh người về phía trước và xuống dưới sao cho chân thẳng, tay thẳng và bàn tay xuống thật thấp. Càng xuống thấp càng tốt, ít nhất phải vượt quá điểm giữa của cẳng chân. Đồng thời thở ra thật mạnh và thật hết. Bụng phải gập lại tối đa. Nhịp 3, người dựng thẳng trở lại, tay vươn lên cao thẳng giống nhịp 2, hít vào thật sâu. Nhịp 4, trở về tư thế ban đầu như tư thế chuẩn bị, thở ra nhẹ nhàng. Bạn làm tương tự như vậy với bên phải.
Bạn làm tuần tự như vậy 16 lần, mỗi lần 8 nhịp, 4 nhịp cho chân trái, 4 nhịp cho chân phải, 8 lần cho chân trái, 8 lần cho chân phải. Bài tập này có tác dụng đẩy hết phần khí cặn ở trong phần trước của phổi ra ngoài, giúp phổi thải bỏ được nhiều khí độc hơn, lấy được nhiều dưỡng khí hơn. Gập bụng lại sẽ đẩy khí cặn ra tối đa.
BS. NGUYỄN NAM PHONG