Đây là những nhấn mạnh của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tại Hội nghị phiên thứ 27 của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện chiều 5/7 tại Bộ Y tế.
Đồng chủ trì hội nghị với Thứ trưởng Trần Văn Thuấn là bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập Đỏ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.
6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc vận động, tiếp nhận trên 817.000 đơn vị máu
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được hình thành và phát triển tròn ba thập kỷ đã mang lại kết quả rất khích lệ; đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện ngày 26/02/2008, công tác hiến máu tình nguyện trong toàn quốc ngày càng phát triển và từng bước đi vào ổn định.
"Ban Chỉ đạo các cấp đã chủ động vào cuộc tích cực, chỉ đạo sát sao, có trách nhiệm; sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước ta đã vận động và tiếp nhận máu năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng đã phục vụ kịp thời cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong cả nước"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc vận động, tiếp nhận trên 817.000 đơn vị máu, đạt trên 51% kế hoạch năm góp phần cứu chữa cho hàng vạn người bệnh cần truyền máu.
Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã tích cực triển khai nhiều chiến dịch, sự kiện đảm bảo phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển và duy trì như: "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" - 07/4; "Chiến dịch những giọt máu hồng - hè" và Hành trình Đỏ, các hoạt động tôn vinh, khen thưởng thành tích trong công tác hiến máu tình nguyện hưởng ứng "Ngày Quốc tế người hiến máu" - 14/6 …
Tất cả các chiến dịch, sự kiện trên đều đảm bảo hiến máu an toàn, phòng, chống dịch bệnh; công tác chăm sóc người hiến máu ngày càng được thực hiện bài bản, chu đáo; tập huấn cho đội ngũ, lực lượng cán bộ, nhân viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên về công tác hiến máu tình nguyện...
Đến nay, 56/63 tỉnh/thành phố có 100% số huyện có Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện. Một số địa phương có đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc cơ quan, doanh nghiệp là thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục duy trì, phát triển nguồn người hiến máu thông qua các loại hình Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ máu hiếm…
Đề xuất nghiên cứu lồng ghép vận động hiến tặng mô, tạng trong vận động hiến máu
Ghi nhận những kết quả tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, năm 2024, ý thức và trách nhiệm đối với công tác hiến máu tình nguyện của người dân ngày càng được nâng cao, người dân đã tự giác và sẵn sàng tham gia hiến máu, nhất là vào các thời điểm còn thiếu máu cục bộ hoặc thiếu nhóm máu.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cảm ơn Hội Chữ thập đỏ và các ban, ngành đã đồng hành cùng ngành y tế trong suốt hơn 30 năm qua để chúng ta đạt được kết quả phong trào hiến máu tình nguyên ngoạn mục như hiện nay.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết nhu cầu ghép tạng ở nước ta mỗi năm rất lớn, nhưng trong hơn 30 năm qua mới chỉ thực hiện được 9.000 ca ghép.
"Chúng ta đã làm chủ được công nghệ, thế giới tiến hành ghép được những kỹ thuật gì thì chúng ta đều thực hiện ghép được. Hiện cả nước có 26 bệnh viện có thể triển khai kỹ thuật ghép tạng. Nhu cầu ghép thì lớn, nhưng cái khó nhất là thiếu người cho, chủ yếu do công tác vận động chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập Đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết năm 2024, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy văn hóa hiến máu nhân đạo; đồng thời cùng nhau lan tỏa thông điệp "Hiến mô tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác" theo sự kiện phát động "Đăng ký hiến tặng mô tạng – cho đi là còn mãi" tổ chức tại Hà Nội ngày 19/5/2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi.
"Trong suốt hành trình đỏ năm 2024 tại 51 tỉnh/ thành, cùng với các thông điệp về hiến máu nhân đạo chúng ta sẽ làm cho ý nghĩa của việc "hiến mô, tạng, cơ thể người – cho đi là còn mãi" đến với mọi người dân, là cơ hội để mỗi người thể hiện và kết nối tinh thần nhân văn này trên mọi miền của Tổ quốc"- bà Bùi Thị Hòa nói.
Về thực hiện 6 tháng cuối năm, hội nghị đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 10 giải pháp chủ yếu, cả về công tác tham mưu, chỉ đạo, truyền thông, cập nhật và điều chỉnh chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu, huy động nguồn lực…
Hội nghị cũng báo cáo phương án điều chỉnh chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu năm 2025 trên cơ sở chỉ tiêu giai đoạn 2023 – 2027, kết quả công tác vận động, tiếp nhận máu 6 tháng đầu năm và ước tính kết quả, nhu cầu sử dụng máu của năm 2024.
Bên cạnh hoạt động hiến máu tình nguyện, tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến nhất trí việc nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và điều chỉnh tên gọi đối với Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, phù hợp với các quy định hiện hành về hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành và các văn bản liên quan.
Theo bà Bùi Thị Hòa – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, hoạt động vận động hiến máu tình nguyện và vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người đều có những nhiệm vụ, đối tượng khá tương đồng.
"Nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo ở các địa phương đều là lãnh đạo UBND các cấp và các đoàn thể chính trị, xã hội. Nếu tích hợp được nhiệm vụ này cũng phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy ở địa phương", bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.