Vận động người dân vùng cao giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ

27-10-2022 11:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Với lý do có tập quán săn bắn nên nhiều người dân vùng cao vẫn lén lút chế tạo vũ khí tự chế dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị bắn vào ngực bằng súng tự chế Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị bắn vào ngực bằng súng tự chế

SKĐS - Hai anh em đang chơi đùa với nhau bằng súng tự chế của bố, bất ngờ súng phát nổ khiến người em bị trúng đạn vào phần ngực trái.

Trước đây ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có thói quen dùng súng và vũ khí tự chế đi săn bắn.

Để ngăn chặn việc sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công an đã mời những người có uy tín của bản làng vận động người dân giao nộp cho lực lượng chức năng. Chỉ riêng ở xóm Bản Tèn, từ đầu năm 2022 đến nay, 30 khẩu súng tự chế đã được người dân nộp cho cơ quan công an.

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhằm hạn chế những vụ việc mất an ninh trật tự liên quan đến súng đạn, vật liệu nổ, lực lượng công an đã có hơn 1.500 buổi tuyên truyền đến từng thôn xóm. Người dân cũng chủ động giao nộp hơn 1.000 súng tự chế, hàng chục kg thuốc nổ, hàng trăm linh kiện chế tạo súng.

Vận động người dân vùng cao giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ - Ảnh 2.

Người dân giao nộp súng, vũ khí tự chế và vật liệu nổ các loại.

"Tàng trữ vũ khí và vật liệu nổ là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh rất cao, vì nếu có xảy ra mâu thuẫn, nếu không có súng và vật liệu nổ thì có khi cũng không có gì lớn nhưng nếu có vũ khí, vật liệu nổ thì nguy cơ gây chết người hoặc thương tích rất dễ xảy ra vì nó có tính sát thương rất lớn...", Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng Công an xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

Riêng huyện Sông Mã - vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La, trong đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác 371 khẩu súng các loại, 23 linh kiện súng, 6 nòng súng, 2,5 kg thuốc nổ.

Anh Vàng A Ka, bản Kéo Co, xã Mường Hung cho biết: "Do phong tục tập quán, nên gia đình tôi vẫn cất giữ 1 khẩu súng kíp trong nhà. Công an, cán bộ xã tuyên truyền pháp luật, nguy cơ tiềm ẩn từ súng tự chế gây ra, gia đình tôi đã hiểu, tự giác giao nộp súng và cam kết không tàng trữ, sử dụng".

Được biết, tại xã Mường Hung, qua nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động, người dân đã giao nộp 35 khẩu súng tự chế và 4 nòng súng.

Vận động người dân vùng cao giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ - Ảnh 3.

Lực lượng chức tổ chức tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thượng tá Tạ Phúc Rực, Phó trưởng Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu kể lại vụ một người dân dân bản San Gì, xã Nậm Xe trong lúc đi săn bắn trên rừng vô tình bắn nhầm người dẫn đến tử vong.

Theo Thượng tá Tạ Phúc Rực, toàn huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn với hơn 10 dân tộc cùng sinh sống. Từ xa xưa, phong tục tập quán của người Thái, Mông, Dao trên địa bàn thường sử dụng súng kíp tự chế để bảo vệ tính mạng, tài sản khi ở trên nương, rừng trước sự tấn công của các loại thú rừng; đi săn bắn; hoặc làm "lý" trong việc cưới, việc tang.

Do vậy, ngoài việc tuyên truyền đến người dân không tàng trữ, sử dụng súng tự chế lực lượng công an còn chủ động công tác đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm vi phạm pháp luật.

Cùng với công tác tuyên truyền, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương vùng cao thực hiện hiệu quả như "Đổi 1 khẩu súng tự chế lấy 1 mũ bảo hiểm", phong trào thi đua như "Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc", chương trình kể chuyện "Tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép"…

Xem thêm video được quan tâm:

Thanh niên 25 tuổi bị cha dượng dùng súng tự chế bắn tử vong


Linh Thuỳ
Ý kiến của bạn