Hà Nội

Vận động là hạnh phúc

06-01-2020 14:36 | Y tế
google news

SKĐS - Đã gần Tết Nguyên đán, vậy mà tôi còn nhận được một thiệp mời dự lễ mừng thượng thọ mẹ của bạn tôi đã 90 tuổi.

Có điều, quê bạn tôi ở Hưng Yên - nơi nổi tiếng có nhãn lồng và gà Đông Tảo, mà tôi thì đang sinh sống tại Đà Lạt, xa quá.

Còn nhớ cách đây đúng 10 năm, tôi được dự lễ mừng thọ của mẹ bạn 80 tuổi. Đấy là một người mẹ cũng như bao người mẹ khác, đã động viên con trai mình tòng quân chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi thuộc lớp người “Gác bút nghiên lên đường ra trận”. Trong lễ mừng thọ mẹ 80 tuổi, bạn tôi dâng lên mẹ câu thơ: “Con đi bao nẻo đường xa/Thì con thương mẹ cũng là bấy nhiêu”. Câu thơ làm tôi nhớ đến thời chúng tôi vượt Trường Sơn; cứ mỗi bước chân, mỗi vòng bánh xe lăn là chúng tôi lại xa mẹ thêm. Nhưng mẹ đã dặn “Chân cứng đá mềm” kia mà. Càng thương mẹ, chúng tôi lại càng thêm vững bước.

Làm vườn giúp người cao tuổi thêm nhanh nhẹn.

Làm vườn giúp người cao tuổi thêm nhanh nhẹn.

Bạn tôi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước đã trở thành ông giáo dạy toán. Vậy mà ông thầy dạy toán này không biết từ bao giờ đã làm được câu thơ nói đúng tâm tư những người lính thời chiến xa mẹ. Và cả thời bình nữa, chúng tôi vẫn vững bước trên con đường mà mình đã chọn.

Ngày ấy, mẹ bạn tôi rất khỏe, dáng nhanh nhẹn. Còn hôm nay, chắc chắn tôi phải thu xếp ra dự lễ thượng thọ lão bà 90 tuổi để được tận mắt xem sức khỏe lão bà ra sao?

Mới mồng 4 Tết nên vùng quê Hưng Yên còn đậm đà tiết xuân. Gặp lão bà, tôi rất mừng vì lão bà còn khỏe, tuy tóc đã bạc nhiều, lưng còng hơn trước. Tôi vô cùng xúc động và cảm phục bà cụ vì cụ vẫn nhận ra tôi, vẫn gọi đúng tên tôi dù 10 năm đã qua. Thế là cụ vẫn còn minh mẫn lắm.

Suốt cả buổi lễ thượng thọ, tôi lắng nghe những câu chuyện của mọi người, đặc biệt liên quan đến sức khỏe của cụ.

- Này ông, một người nói với bạn tôi, mừng vì cụ còn khỏe nhưng ông đừng để cụ phải làm việc nữa.

- Thì từ lâu rồi chúng tôi vẫn nói thế, nhưng cụ cứ làm, còn thích làm nữa là đằng khác.

Cụ không những nghe thủng được câu chuyện mà còn tham gia vào:

- Nói thật, một ngày mà tôi không làm vườn thì cứ thấy nhớ nhớ thế nào ấy. Thế là lại phải ra vườn làm.

Bỗng một người còn trẻ nói:

- Các bác không biết đấy thôi, cụ còn trồng được rau sạch, lại còn đem bán được rau nữa đấy.

Rồi quay qua bà cụ:

- Thế hôm nào cụ lại bán rau cho cháu?

- Ôi dào, rau thì tôi có khối. Mai bán cũng được.

- Mai mới mồng 5 Tết mà cụ đã bán rau rồi ạ?

Như hiểu ra người hỏi chỉ nói đùa, cụ cười móm mém, mà ánh mắt thì thật là vui vẻ.

Chợt một đứa cháu sà vào lòng cụ:

- Cụ ơi, cụ đọc thơ đi.

- Thơ hả? Thơ hay là thư?

- Cả thơ, cả thư.

Thì ra cụ vẫn thuộc thơ và thích thơ. Cụ còn nhớ nguyên cả bức thư bạn tôi gửi cụ ngày trước khi ra trận. Thế mới biết lòng mẹ thương con biết nhường nào!

Bạn tôi dạy học tại TP. Hạ Long. Thỉnh thoảng về thăm mẹ. Nhưng hỏi thăm sức khỏe mẹ thì hầu như hàng ngày. Một lần điện thoại cho người bạn cạnh nhà:

- Này ông, ông thấy bà cụ nhà tôi có khỏe không?

- Cụ có khỏe không thì tôi không biết. Nhưng tôi thấy cụ đang lội xuống ao xách bùn lên đổ vào vườn kia kìa.

Bạn tôi rên lên:

- Thế ngộ nhỡ cụ ngã ra đấy thì sao? Ông cản bà cụ lại giúp tôi với.

- Nói thế thôi, ông yên tâm đi, tôi thấy cụ còn khỏe chán.

Nghe câu chuyện này, không tin được, tôi bèn hỏi cụ:

- Thưa cụ, sao cụ 90 tuổi rồi mà còn khỏe thế? Còn xách được bùn từ dưới ao đổ lên vườn được ư?

- Thì bác tính, không khỏe mà được à. Bây giờ con cháu nó cứ bảo tôi đừng làm, chứ ngày xưa ấy à (chắc là thời chống Mỹ), tôi cứ luôn chân luôn tay từ sáng đến đêm mà cũng chưa hết việc. Ấy thế, chắc là nó quen đi, bây giờ không động tay động chân, tôi thấy khó chịu lắm.

Luôn tay luôn chân, chứng tỏ cụ vận động đủ nhiều khiến cơ thể dẻo dai khỏe mạnh.

Tập thể dục, đi bộ khoảng 60 phút mỗi ngày cũng là “vận động đủ nhiều” giúp phòng chống bệnh, nâng cao sức khỏe cho mỗi chúng ta.

Tôi chợt nhớ đến BS. Đỗ Hồng Ngọc (TP. Hồ Chí Minh). Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc thì “Vận động là hạnh phúc”.

Quả thật, hạnh phúc đang tràn ngập trong gia đình bạn tôi. Hạnh phúc đang hiện diện trong câu thơ bạn đọc dâng mẹ: “Mừng mẹ tuổi đã chín mươi/Sức khỏe của mẹ - Tiếng cười của con”...


BSCKI. Nguyễn Tất Ứng
Ý kiến của bạn