Rớt nước mắt với những lời dị nghị cay đắng
Mới đây, hồi đầu tháng 5-2016, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công ca ghép gan và tim cho hai bệnh nhân với nguồn tạng từ một chàng trai chết não do tai nạn giao thông tại TP.HCM.
Tuy nhiên, để có thể cứu sống những người chờ chết kia, gia đình chàng trai đã phải trãi qua những giằng xé tột cùng, vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống. Thậm chí, bà con hàng xóm còn dị nghị là họ đã... bán nội tạng con trai mình cho bệnh viện để lấy tiền...
Gia đình đã dũng cảm vượt qua những ồn ào dư luận, sau 5 ngày được các bác sĩ BV Chợ Rẫy tư vấn, gia đình đã đồng ý hiến thận, tim, gan của con mình.
Thực tế, việc hàng xóm láng giềng dị nghị gia đình hiến tạng đã bán nội tạng của người thân sau khi qua đời không phải là cá biệt. Các bác sĩ đã phải rớt nước mắt vì những lời dị nghị cay đắng mà thân nhân người chết phải gánh chịu, có người mẹ sau khi hiến tạng của con thì bị gia đình bên chồng quay lưng từ mặt luôn...
Mỗi một lần nhận được sự đồng ý của một trường hợp hiến tạng là một lần hàng trăm con người chạy đua để kịp thời sử dụng tấm lòng ấy một cách hiệu quả toàn vẹn. Chàng trai xấu số sớm ra đi song đã giúp hồi sinh cuộc sống cho 6 người khác; trong đó có 2 bệnh nhân Hà Nội cách Chợ Rẫy hơn 1.700km đang trên bàn mổ đợi máy bay mang tim và gan chàng trai Sài Gòn chuyển ra.
Từ chối hiến tạng ở phút 89!
Theo TS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ tính từ 8-2014 đến 5-2015, Đơn vị tiếp cận được với 30 gia đình của 28/30 bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng tại Khoa Hồi sức ngoại thần kinh và 2/30 bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng, hôn mê, thở máy, nguy cơ ngừng tim tại Khoa Tim mạch của BV Chợ Rẫy.
Qua tiếp xúc 30 gia đình, 46,66% gia đình đã biết thông tin về hiến tạng khi chết, 20% có suy nghĩ về việc hiến tạng. Tuy nhiên, thực tế 96,67% gia đình (29/30 gia đình) đã từ chối hiến tạng ngay trong giây phút cuối cùng của người bệnh, sau khi được ngỏ ý có đồng ý hiến tạng không thì gia đình liền xin xuất viện vì sợ ở lại sẽ bị bác sĩ "mổ lấy nội tạng".
Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân lúc đó mất mát rối bời, các bác sĩ rất thông cảm và không thể làm được gì hơn.
Quan niệm "chết phải toàn thây" khiến thân nhân những người chết não phân vân chần chừ khi ra quyết định. Hàng chục năm làm công việc vận động, bác sĩ Thu đối diện thường xuyên với chuyện bị từ chối.
Theo TS Dư Thị Ngọc Thu, thời gian qua Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những thông tin truyền thông trong cộng đồng về hiệc hiến mô tạng nhưng chưa thể lan rộng đến vùng sâu vùng xa và những người không có phương tiện tiếp cận được thông tin mới.
Mặc khác, còn do ảnh hưởng của phong tục tập quán, tôn giáo, quan niệm xã hội,... và đặc biệt là những thông tin xấu trên mạng nhiều hơn các thông tin tích cực nên làm cho người dân còn e ngại khi quyết định hiến tạng, như: sợ bị bắt cóc lấy tạng sau khi đăng kí hiến tạng, sợ bị chẩn đoán bệnh để lấy mô tạng, lo gặp sự phản đối của người thân, và nhiều trườngh ợp lại tìm đến hiến thận vì lý do kinh tế,...
Trong khi đó, theo TS Thu, việc vận động hiến tạng nhân đạo và điều phối tạng hiến là việc làm đòi hỏi có tính minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung và về mặt y khoa nói riêng. Và tạng được hiến từ người hiến tạng khi chết não hay ngừng tuần hoàn là một món quà vô giá, có ý nghĩa vô cùng cao quý trong việc cứu người khi chết, chúng ta cần phải trân trọng và thực hiện đúng ý nguyện của người đã mất.
Rồi cũng có gia đình đồng ý hiến tạng của bệnh nhân khi qua đời nhưng có yêu cầu trao đổi về kinh tế. Đơn vị đã từ chối nhận tạng hiến trong trường hợp này.