Vận động hiến máu tình nguyện Thách thức và cơ hội

14-02-2014 23:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 24/1/1994, đứng trước nhu cầu máu cho điều trị ngày càng cao, công tác đảm bảo an toàn truyền máu đối mặt với những thách thức lớn, đó là thiếu người hiến máu, trên 90% lượng máu tiếp nhận được từ những người cho máu lấy tiền, đại dịch HIV/AIDS đe dọa an toàn truyền máu...

Ngày 24/1/1994, đứng trước nhu cầu máu cho điều trị ngày càng cao, công tác đảm bảo an toàn truyền máu đối mặt với những thách thức lớn, đó là thiếu người hiến máu, trên 90% lượng máu tiếp nhận được từ những người cho máu lấy tiền, đại dịch HIV/AIDS đe dọa an toàn truyền máu..., Bộ Y tế đã giao cho Viện Huyết học – Truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) phát động Ngày hội hiến máu nhân đạo, đánh dấu bước khởi động và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) của cả nước. Hơn 20 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện nước ta đã thu được những kết quả rất giá trị, tổng lượng máu tiếp nhận được ước tính hơn 8,2 triệu đơn vị máu. Nhân dịp này, báo Sức khỏe&Đời sống có bài phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế về những kết quả này.

Xin Thứ trưởng đánh giá về giá trị và đóng góp của công tác vận động HMTN 20 năm qua đối với phát triển y tế nói chung?

Giá trị lớn nhất mà công tác vận động HMTN 20 năm qua là cung cấp máu để cứu sống bệnh nhân với hơn 8 triệu đơn vị máu thu được. Hơn thế, chúng ta đang từng bước chuyển đổi người hiến máu từ hiến máu lấy tiền sang người hiến máu tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng; việc có máu ổn định cũng giúp cho ngành y tế phát triển và nâng cao chất lượng công tác an toàn truyền máu; góp phần thúc đẩy triển khai, ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị.

Với cộng đồng, 20 năm qua đã hình thành được một phong trào HMTN đầy tính nhân văn, góp phần rất lớn vào công tác giáo dục đạo đức, hướng người dân, đặc biệt là giới trẻ đến với các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng. Có thể khẳng định rằng phong trào HMTN đã góp phần làm cho xã hội ngày càng nhân văn hơn. Cùng với đó, qua phong trào, nhận thức của người dân về sức khỏe, về phòng chống các bệnh lây qua đường truyền máu ngày càng được nâng cao hơn.

Xin Thứ trưởng cho biết sự phối hợp và hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác vận động HMTN thời gian gần đây?

Nếu chỉ có ngành y tế thì không thể có được phong trào HMTN như ngày hôm nay. Trong 20 năm qua, công tác vận động HMTN đã có sự vào cuộc rất tích cực và có vai trò rất lớn của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương, trong đó có Hội Chữ thập đỏ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các ngành, các cấp trong việc tổ chức các hoạt động vận động HMTN, chính sự vào cuộc đầy trách nhiệm này mà chúng ta đã hình thành hệ thống Ban chỉ đạo từ trung ương đến tận cấp xã/phường, hoạt động rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, có sự vào cuộc rất quan trọng của các cơ quan truyền thông. Từ các đài, báo trung ương, tỉnh/thành phố đến các đài phát thanh cơ sở đã góp phần to lớn vào công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo dựng niềm tin cho nhân dân tích cực, hăng hái tham gia hiến máu, hiến máu nhiều lần.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được truyền máu kịp thời do máu còn thiếu, theo Thứ trưởng, công tác vận động HMTN ở nước ta có những thách thức gì?

Nhận thức của người dân còn hạn chế và chưa đồng đều; chưa kể đến sự thờ ơ của bộ phận lớn người dân và đặc biệt là của nhiều nhà quản lý, ở nhiều địa phương với việc HMTN. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm các bệnh nhiễm trùng truyền đường máu còn chưa có xu hướng giảm như HIV/AIDS, nhiễm các virut viêm gan, các dịch bệnh... đều là nguy cơ đe dọa tới việc thu hẹp nguồn người hiến máu. Trong khi chúng ta chưa có luật về hiến máu, nguồn lực đầu tư cho công tác vận động HMTN còn rất eo hẹp, nhân lực, trang thiết bị cho truyền máu còn thiếu, không đồng đều... không chỉ là khó khăn mà còn là thách thức đối với việc đảm bảo đủ máu an toàn, kịp thời cho điều trị.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về những cơ hội để đẩy mạnh công tác vận động HMTN?

Phong trào HMTN những năm qua còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục nhưng nhìn về phía trước, chúng ta có những thuận lợi, những cơ hội để thúc đẩy hơn nữa. Đó là sự quan tâm của các cấp ủy đảng chính quyền, của cộng đồng. Chúng ta hãy về Bắc Giang để chứng kiến những người nông dân chân lấm tay bùn hăng hái hiến máu; về huyện A Lưới - Thừa Thiên Huế sẽ gặp ngay những người dân Vân Kiều mà họ tự hào là “bản hiến máu”, “làng hiến máu”; lên huyện Tịnh Biên, tỉnh An

Giang để thấy bà con dân tộc Khmer nhiệt tình đăng ký hiến máu dự bị... Điều đó cho thấy rằng, người dân Việt Nam luôn có tinh thần “tương thân tương ái”, chỉ cần biết cách tuyên truyền vận động, tổ chức tốt việc hiến máu thì tôi tin chắc rằng sẽ không còn tình trạng thiếu máu và đó cũng là cơ hội lớn nhất.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc tổ chức Lễ hội Xuân hồng – Lễ hội hiến máu lớn nhất ngay sau Tết Nguyên đán?

Lễ hội Xuân hồng thể hiện sự sáng tạo, chủ động để đảm bảo máu cho người bệnh, rất hiệu quả. Lễ hội Xuân hồng đã trở thành một sự kiện nhân ái lan rộng khắp cả nước, tạo nên nét văn hóa đẹp của người dân vào mỗi độ Tết đến Xuân về. Bước phát triển dù mới 7 năm thôi nhưng đây cũng là hình ảnh thể hiện rõ sự sáng tạo, đa dạng và rất đặc trưng của công tác vận động HMTN ở nước ta 20 năm qua.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Lê (thực hiện)

Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên.


Ý kiến của bạn