Áo dài, ai mặc cũng duyên
Ở Tokyo hiện nay, có một cửa hàng ăn mang tên " AOZDAI" (áo dài ). Biết bao thực khách năm châu đã đến đây không chỉ để nếm những món ăn mà còn được ngắm nhìn các cô gái Nhật Bản xinh đẹp trong chiếc áo dài Việt Nam quyến rũ.
Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nhật Bản Ishimoto Akimi đã nhiều lần đến đô thị cổ Hội An nổi tiếng để ghi lại hình ảnh các di tích lịch sử cổ xưa và các cô gái Việt Nam mặc áo dài để rồi trở về quê hương có được món quà đặc biệt mà chị thích: Chiếc áo dài Việt Nam. Còn ngày nay, theo tờ Shucan Hose (Nhật Bản), các cô gái trẻ Nhật Bản đua nhau mặc áo dài Việt Nam, đâu đâu cũng thấy áo dài Việt Nam, họ gọi nó với cái tên thân thương là "Kimono Viet nam", "sản phẩm tuyệt tác của Việt Nam".
Là người Việt Nam, chúng ta hiểu hơn ai hết cái cảm nhận "tuyệt tác" ấy. Sinh ra từ những ngày đầu của những năm 30 do họa sỹ Cát Tường cải tiến từ chiếc áo dài đầu tiên của chúa Nguyễn Phúc Khoát, triều Nguyễn (1744), áo dài đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử. Áo dài đưa ta về với Hà thành cổ kính của "Phố Phái" và "Thiếu nữ bên hoa Huệ" của Tô Ngọc Vân. Kháng chiến bùng nổ, cả Hà Nội chìm trong khói lửa chiến tranh, chết chóc, đau thương, hận thù và đổ nát. Áo dài bị mai một vào dĩ vãng dưới lớp bụi thời gian của lãng quên, để rồi đến mùa thu 1954 giải phóng Thủ đô nó mới được "nhớ ra" và mùa xuân 1975 mới thực sự hồi sinh trở lại.
Từ đó đến nay, áo dài liên tục được hiện diện như một nét văn hóa cổ truyền không chỉ trong các dịp lễ Tết trọng đại như hội nghị, tiếp khách, biểu diễn nghệ thuật, sinh nhật, khai trương, tổ chức sự kiện,… mà cả trong những ngày thường, nghi lễ của các cơ quan đoàn thể… Áo dài chia ngọt sẻ bùi với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa khi Hoa hậu tỏ lòng từ thiện, áo dài tôn vẻ đằm thắm dịu dàng của các cô dâu trong ngày lễ vu quy.
Áo dài không thể thiếu trong các cuộc thi sắc đẹp và áo dài cũng là bản lĩnh Việt Nam, tài năng Việt Nam trong các cuộc thi tài đọ sức về khoa học và nghệ thuật với bạn bè quốc tế. Áo dài là phụ nữ Việt Nam, tâm hồn Việt Nam. Tâm hồn ấy, nhân hậu thủy chung đã đi vào thơ ca nhạc họa từ hơn nửa thế kỷ nay của dân tộc ta với tất cả những gì đẹp đẽ, tinh hoa, cao quý nhất. Phụ nữ Việt Nam, trong trái tim hàng triệu người là vẻ đẹp yểu điệu thướt tha của tà áo, của nón lá nghiêng che và bước chân nhẹ như chiều gió.
Áo dài đã tôn vinh thêm vẻ đẹp thuần phác dịu hiền, nhưng cũng rất "thiên thần" ấy. Cứ thế, áo dài đi vào cuộc sống giản dị, tự nhiên, nên thơ và kỳ diệu. Người Nhật gọi nó là AOZDAI (áo dài); Người Anh, Pháp thì gọi "AO-DAI" và họ không bỏ lỡ cơ hội nào để gần gũi chiếc áo "thần tượng" đó. Trechekova – nữ du hành vũ trụ Liên Xô đã vô cùng xúc động khi chị khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng trong chuyến đi thăm Việt Nam.
Jane Fonda đã mặc áo dài khi đến Việt Nam và cảm thấy yêu mến hơn một dân tộc anh hùng đã tiến hành một cuộc đấu tranh yêu nước chống Mỹ. Dalina, nữ ca sĩ Mỹ nổi nên với bài hát "Lòng mẹ" bằng tiếng Việt Nam trong trang phục áo dài Việt Nam truyền thống và ngôi sao điện ảnh Pháp Catherine Deneuve sung sướng vô cùng khi mặc chiếc áo dài ở Việt Nam để quay bộ phim "Đông Dương" của chị.
Áo dài, vẻ đẹp không trộn lẫn
Hôm nay, tà áo dài của phụ nữ Việt Nam càng trở nên quyến rũ và bay bổng hơn. Nó đã được làm đẹp bởi chính bàn tay của phái đẹp thiết kế, sửa sang, đi sâu và tìm tòi, cải tiến. Và nhiều tên tuổi mới đã vì niềm yêu chiếc áo dài Việt mà đem đến những sáng tạo không giới hạn.
Giờ thì áo dài như người con gái "đang thì" xuân sắc. Với vẻ đẹp "kín đáo, gợi cảm" của áo dài, người Nhật cho rằng "Bạn gái sẽ trở thành nàng tiên của nam giới, nếu như mặc nó mà không trang điểm son phấn". Còn người Anh, họ bảo chiếc áo dài của Việt Nam "vừa quyến rũ, vừa khêu gợi, nó phủ tất cả nhưng lại hầu như không che gì cả" – và Piere Cardin (nhà tạo mẫu Pháp) đã đúc kết: " Áo dài Việt Nam là thời trang của mọi thời đại".
Sau hơn nửa thế kỷ truân chuyên và loạn lạc, áo dài Việt Nam đã bước những bước đi của "đôi hài vạn dặm". Thời trang của mọi thời đại ấy xuất sắc bởi những vinh danh nhưng khác biệt bởi chỉ một bản sắc. Giờ thì tà áo ấy không chỉ "bay bay trong gió nhẹ nhàng" như lời ca, tiếng hát, mà nó còn là xứ sở, là quê hương, là chùm khế ngọt, mà cái vị ngọt ấy không thể trộn lẫn, hòa đồng, dẫu nó nhỏ nhoi trong trăm ngàn thứ cao lương mỹ vị khắp chốn miền xa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hướng dẫn cách ly tại nhà cho F0, F1 người cao tuổi, người khuyết tật.