Vấn đề Triều Tiên sẽ “nóng” những ngày tới?

18-10-2015 11:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố bác bỏ đề xuất nối lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời tuyên bố những nỗ lực như vậy đã thất bại.

Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra tuyên bố bác bỏ đề xuất nối lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời tuyên bố những nỗ lực như vậy đã thất bại. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã nhắc lại yêu cầu Mỹ ngồi vào đàm phán về một Hiệp ước hòa bình. Những động thái này dự báo sẽ những diến biến nóng mới trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên về các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đổi lại, Triều Tiên cần phải thể hiện thái độ nghiêm túc đối với việc từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này.

“Mỹ và Hàn Quốc  sẵn sàng đối thoại với những nước mà chúng tôi có xung đột, nhưng ông Kim Jong Un phải hiểu rằng ông ta sẽ không thể phát triển được kinh tế chừng nào còn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân », Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh. “Rõ ràng chúng ta cần những nỗ lực cứng rắn hơn để phá vỡ những cái vòng luẩn quẩn này. Tôi trông đợi sự hợp tác của Triều Tiên sau khi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Tổng thống Hàn quốc  Park Geun-hye nêu rõ hôm 17/10. Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ngày 17/10 các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn quốc đã đề cập tới việc nối lại tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vốn bị đình trệ từ tháng 12/2008.

Vấn đề Triều Tiên sẽ “nóng” những ngày tới?
Tổng thống Hàn quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Obama hội đàm hôm 17/10.

Việc Triều Tiên đưa ra tuyên bố bác bỏi đề xuất nối lại đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này hôm 18/10 sau cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn được ví như “một gáo nước lạnh” dội vào các nỗ lực của Mỹ và Hàn quốc. Triều Tiên cho rằng việc nối lại đàm phán 6 bên hay không cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề nếu như không có một hiệp ước hòa bình tồn tại. Theo Triều Tiên, cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã khép lại bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình. Điều này có nghĩa là hai miền Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật và do đó các bên cần một văn bản thực tế cam kết chấm dứt chiến tranh.

Các cuộc gặp song phương gần đây giữa Hàn Quốc - Trung Quốc, Mỹ - Trung Quốc và Hàn Quốc - Mỹ đã tập trung thảo luận nhiều vào việc tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Bà Park Geun-hye đã nhiều lần tuyên bố Hàn Quốc sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực hướng tới thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, bà Park Geun-hye cũng đã thể hiện quan điểm cứng rắn khi đưa ra yêu cầu tiên quyết Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi ngồi vào đối thoại. Hôm 1/10, bà Park Geun-hye cho biết Hàn quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2016 sắp tới, nhằm xây dựng một hệ thống quân sự mạnh và hiện đại hơn. Dù không chỉ đích danh Triều Tiên, song những động thái trên được cho là nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu nếu Triều Tiên bác bỏ các đề xuất hòa bình và tiếp tục từ chối lại các nỗ lực đối thoại. Hồi tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh vào quỹ đạo, khiến LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này đồng thời đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba. Vì thế, việc Triều Tiên một lần nữa tuyên bố bác bỏ đề xuất nối lại đàm phán sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn hôm 17/10 dự báo sẽ có những động thái mới những ngày sắp tới.

 

Vấn đề Triều Tiên sẽ “nóng” những ngày tới?
Tổng thống Hàn quốc Park Geun-hye được cho là người có mối quan hệ ảnh hưởng tới Trung quốc.

Một nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là Trung quốc. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Trung quốc giữ vai trò tích cực trong việc thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, tình hình sẽ biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Nếu không chưa ai có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Tờ The Christian Science Monitor số ra hôm qua (18/9) đãn phỏng vấn ông Scott Snyder, chuyên gia phân tích hàng đầu về tình hình Triều Tiên cho rằng với tư cách là đối tác thân thiết, Hàn quốc có thể thuyết phục Trung quốc gây ảnh hưởng tới Triều Tiên. Nhưng kết quả của những nỗ lực thuyết phục này ra sao, có lẽ tiếp tục là một ẩn số bởi có quá nhiều yếu tố đan xen trong trục quan hệ Mỹ-Hàn-Trung./.

N. Minh

(Theo Reuters, AP và CSM)

 

 


Ý kiến của bạn