Hà Nội

Vấn đề thường gặp trong thai kỳ và cách đối phó

19-03-2021 19:05 | Đời sống
google news

SKĐS - Giai đoạn mang thai, bà bầu bị giảm sức đề kháng so với người bình thường.

Đồng thời, thai phụ phải trải qua những sự thay đổi về thói quen, giờ làm việc và phải thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới. Hơn nữa, trong giai đoạn này, thai phụ tăng cân nhanh và nhiều... Những yếu tố đó khiến thai phụ dễ gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.

Ốm nghén

Khoảng 70% phụ nữ mang thai có triệu chứng ốm nghén, thường xuất hiện vào giai đoạn đầu của thai kỳ lúc thai 9-10 tuần. Thông thường, cuối tháng thứ 4 của thai kỳ, các triệu chứng này gần như biến mất hoàn toàn hoặc giảm đi nhiều.

Để làm giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ ốm nghén, các mẹ bầu có thể: Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính (khoảng 2 tiếng ăn một lần); Tránh những thực phẩm có mùi, thực phẩm chiên nướng, dầu mỡ sẽ làm cho tình trạng ốm nghén tệ hơn; Ăn nhiều trái cây, rau củ, uống nhiều nước, có thể để sẵn những thực phẩm này bên mình để ăn bất cứ khi nào có thể trong ngày. Thêm gừng, chanh vào các bữa ăn hàng ngày. Có thể ăn bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên chất vào buổi sáng. Ăn ít đường và giảm ăn mặn. Nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.

Tư vấn cho các thai phụ về các vấn đề thường gặp khi mang thai và sau sinh.

Tư vấn cho các thai phụ về các vấn đề thường gặp khi mang thai và sau sinh.

Mệt mỏi

Đây là hiện tượng phổ biến nhất trong suốt thai kỳ. Một số mẹ bầu sẽ cảm thấy kiệt sức mặc dù không làm gì, sức lực bị hao mòn, thậm chí tim còn đập nhanh đến khó chịu. Đối với nhiều phụ nữ mang thai, mệt mỏi khó chịu là một trong những dấu hiệu đầu tiên của 3 tháng đầu thai kỳ, thậm chí hiện tượng này còn kéo dài đến khi cơ thể họ trở nên nặng nề hơn ở 3 tháng cuối. Vì vậy, mẹ bầu cần ngủ đủ giấc (8 giờ/ngày, ngủ trưa 30 phút), ngủ đúng giờ, tránh ngủ muộn. Ngoài ra, cần thư giãn, đọc sách, xem tivi, nghe nhạc, làm việc hợp lý...

Chứng ợ nóng

Ợ nóng là chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai. Hiện tượng ợ nóng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn vào những tháng cuối. Đây cũng là hiện tượng thường gặp, ở khoảng 30-35% phụ nữ mang thai.

Có thể làm theo một số cách sau để giảm chứng ợ nóng ở phụ nữ mang thai: Tránh ăn những thực phẩm gây chứng ợ nóng như: sôcôla, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu, cà phê, bạc hà; Đặc biệt tránh ăn vào thời gian trước khi đi ngủ vì thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết nên khi nằm xuống, axit trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây khó chịu. Uống sữa hay các chế phẩm sữa (sữa chua, phô mai) có thể làm giảm bớt chứng ợ nóng vì trong sữa có chứa nhiều canxi và một số chất khoáng giúp trung hòa axit trong dạ dày. Ăn chậm, nhai kỹ. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ. Nằm nghiêng bên trái hoặc kê cao gối khi ngủ.

Đau lưng

Hiện tượng đau lưng, đau thắt lưng thường xuất hiện vào những tháng cuối thai kỳ là nỗi ám ảnh với nhiều thai phụ. Theo thống kê, có đến 50-80% bà bầu có triệu chứng này. Chính vì vậy, cần tránh đứng hoặc ngồi quá lâu tại một vị trí. Không mang giày cao gót, nên mang giày đế bằng. Để gối mềm sau lưng khi ngồi. Ngoài ra có thể dùng liệu pháp massage sẽ giúp thai phụ giảm đau lưng đáng kể. Nên kết hợp tập các động tác yoga dành cho mẹ bầu để giảm đau lưng và cải thiện chức năng tim, phổi, thần kinh. Và điều quan trọng tập thể dục theo sự hướng dẫn của chuyên gia.

Táo bón

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai như do hormon thai kỳ là progesterone gây giãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột, do thuốc (bổ sung viên sắt trong thai kỳ), do hạn chế vận động, mệt mỏi. Hơn nữa, quá trình phát triển của thai nhi cũng làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, gây sung huyết, làm tình trạng táo bón gia tăng. Các yếu tố làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón: nghén, đã từng bị táo bón trước đó, mắc hội chứng ruột kích thích... Theo thống kê, có 35-40% phụ nữ mang thai có hiện tượng táo bón trong thai kỳ.

Các mẹ bầu có thể làm theo những cách sau để giảm táo bón: Cần uống nhiều nước (6-8 ly nước/ngày); Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức và phù hợp với sức khỏe; Tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất xơ: rau củ quả sạch, trái cây (một số loại trái cây giúp giảm táo bón như: mận, sung, chuối, cam, lê, táo, kiwi). Lưu ý, khi uống viên sắt - acid folic để bổ sung vi chất trong thai kỳ cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần.


BS. Trịnh Ngọc Mai
Ý kiến của bạn