Vấn đề mang thai hộ, hôn nhân đồng tính còn nhiều ý kiến khác nhau

27-05-2014 21:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 27/5, Quốc hội đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Ngày 27/5, Quốc hội đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Quy định chặt chẽ vấn đề mang thai hộ tránh lợi dụng thương mại hóa

Về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100), trình bày báo cáo trước Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh lợi dụng thương mại hóa. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chưa nên quy định vấn đề này, bởi lẽ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, như: việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, nhất là trẻ em sinh ra trong trường hợp này, việc xử lý các tranh chấp có thể xảy ra. Quy định này liệu có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, vì để thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém nên chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện mới có thể làm được.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) phát biểu ý kiến.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ, hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định thì do nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.

Do vậy, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật. Đồng thời, để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa...

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã nhất trí cao với nội dung trong dự thảo, đặc biệt là việc đưa quy định về mang thai hộ vào dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị sửa Khoản 3, Điều 97 quyền và nghĩa vụ người mang thai hộ từ “người mang thai hộ không bị ràng buộc về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ với lần mang thai hộ” thành “người mang thai hộ không tính vào số lần mang thai sinh con khi thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” để tránh lầm người mang thai hộ là những người không bị ràng buộc chính sách về DS-KHHGĐ. Băn khoăn về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có nên đưa vào luật hay tạm thời gác lại, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) cho rằng, nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con thông qua mang thai hộ hiện nay là khá nhiều. Theo tiếp xúc cử tri có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng chưa có nhiều thông tin, còn dè dặt trong khái niệm mang thai hộ, có ý kiến lại cho rằng việc mang thai hộ chỉ dành cho những người giàu có trong xã hội do chi phí rất cao cho kỹ thuật này, tạo khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Cũng cần xem xét thêm dưới góc độ của những đứa trẻ sau khi ra đời với ý nghĩa nhân đạo. Ở đây dự thảo mới đặt dưới góc độ ý muốn chủ quan của những cặp vợ chồng muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống. Nhưng lại nảy sinh vấn đề về huyết thống khác mà người chịu ảnh hưởng về mặt pháp lý lại chính là đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ. Đứa trẻ sống như thế nào trong mối quan hệ như thế, trong hòa nhập cộng đồng. Liệu rằng trong hồ sơ pháp lý ngoài khái niệm ngoài mẹ ruột, mẹ nuôi còn xuất hiện khái niệm mẹ mang thai hộ!?

Vấn đề quan hệ đồng tính tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp

Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính, hiện có ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới như Luật hiện hành; có ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới; một số ý kiến đề nghị nên cho phép kết hôn.

UBTVQH cho rằng, đến nay quan điểm và nhận thức của xã hội về vấn đề này đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định “cấm” thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, trên cơ sở quy định của Hiến pháp. UBTVQH đề nghị bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành và chuyển quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” tại Khoản 1, Điều 16 sang quy định về điều kiện kết hôn (Khoản 2, Điều 8).

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) bày tỏ, dự tính ở Việt Nam có khoảng 3-5 triệu người là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Về mặt luật pháp họ được hưởng như nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này cơ quan soạn thảo lại biên soạn theo hướng bỏ ngỏ, hoàn toàn không quy định điều chỉnh gì mối quan hệ giữa những người cùng giới tính chung sống với nhau. Thực tế ở Việt Nam vấn đề đồng tính diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, thậm chí là án hình sự, mại dâm đồng tính diễn biến phức tạp... nên cần có luật định rõ ràng để giải quyết những quan hệ mới nảy sinh. Cần có một chương mới về đăng ký sống chung của những người cùng giới tính với điều kiện đăng ký sống chung, trình tự đăng ký sống chung, giải quyết hậu quả nếu không sống chung nữa hay quan hệ tài sản, quyền nuôi con nếu có. Đó cũng là điều kiện để người đồng giới sống đúng với giới tính của mình, tạo điều kiện họ hòa nhập cộng đồng, thụ hưởng các chế định pháp luật bình đẳng, giảm các vụ án hình sự liên quan đến người đồng tính.

Ngày 28/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này; thảo luận ở tổ về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Văn Hậu - Anh Tuấn

Các ý kiến xung quanh vấn đề nhà ở

Trong buổi sáng ngày 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ góp ý về các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tại đây, nhiều vấn đề nổi cộm đã được các đại biểu cho ý kiến.

* Đại biểu Trần Thanh Hải (TP. HCM): Nên có chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện để họ thuê mua, thì chính sách nhà ở xã hội mới đáp ứng yêu cầu

Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần tập trung chính vào vấn để giải quyết nhà ở xã hội, không nên ôm đồm quá nhiều các vấn đề khác. Đối với người làm công ăn lương, nếu thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì phải có chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện để họ thuê mua, thì chính sách nhà ở xã hội mới đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm nhà ở cho người lao động, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia xây nhà ở cho người lao động, vì thế cần tạo điều kiện về đất cho doanh nghiệp. Để có nhiều nhà ở xã hội, Nhà nước làm thì không xuể, phải huy động doanh nghiệp tham gia.

* Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP. HCM: Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ tiền đầu tư xây dựng bất động sản

Liên quan đến dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) phát biểu, luật vẫn chưa có chế định về kinh doanh bất động sản (BĐS). Các doanh nghiệp nhận tiền hàng trăm tỷ đồng tiền của khách rồi cả mấy năm nhà không xây, tiền đó nằm ở đâu, có phải chiếm đoạt tài sản người khác không? Phải làm rõ. Cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ tiền đầu tư xây dựng BĐS, như các chuyên gia nói là phải cơ chế tay 3: doanh nghiệp - khách hàng - ngân hàng để biết tiền đó đi đâu. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề như cách tính diện tích của căn hộ chung cư, vấn đề bảo trì tòa nhà chung cư, diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng ở tòa nhà chung cư... cần phải được giải quyết trong luật này.

* Đại biểu Cao Sỹ Kiêm -Thái Bình: Làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, thời gian sử dụng nhà công vụ

Phải làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, thời gian sử dụng nhà công vụ bởi hiện nay, nhà công vụ đang bị biến tướng thành nhà cá nhân. Một số nơi xây nhà công vụ xong, cán bộ đến ở, rồi lại chuyển công tác khác, chuyển sang địa phương, ngành khác nhưng vẫn “giữ chặt”. Nhiều người chuyển công tác rồi chuyển cho con, cháu ở, trong khi căn nhà trị giá cả chục tỷ đồng. Đấy là một sơ hở mà phải qui định chặt chẽ trong luật. Bao nhiêu nhà công vụ hứa trả nhưng không có pháp luật nào bắt họ trả. Nhiều người được cấp đất rồi, làm nhà ra ngoài rồi nhưng vẫn ở. Tình trạng này xảy ra nhiều tại một số địa phương, rơi vào những người có địa vị xã hội, gây phản cảm về mặt công bằng xã hội, phẫn uất, mất lòng tin.

Minh Phong

 

 


Ý kiến của bạn