Vấn đề là ai “rửa tay gác bút”?

15-05-2011 10:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau khi SK&ÐS số chủ nhật (số 70 ra ngày 1/5) có bài Các nhà viết kịch có rửa tay gác bút?, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi với những ý kiến trái ngược. Ðể rộng đường dư luận, PV báo SK&ÐS đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà viết kịch Chu Lai, Ủy viên Thường vụ Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK),

 Nhà văn Chu Lai.
Sau khi SK&ÐS số chủ nhật (số 70 ra ngày 1/5) có bài Các nhà viết kịch có rửa tay gác bút?, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi với những ý kiến trái ngược. Ðể rộng đường dư luận, PV báo SK&ÐS đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà viết kịch Chu Lai, Ủy viên Thường vụ Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK), Trưởng ban Sáng tác ngõ hầu có được thông tin nhiều chiều quanh vấn đề này.

- Nhiều người nói rằng ông là nhà văn nhảy sang sân khấu có phải vì thành tựu văn học của ông quá lớn khiến họ quên rằng ông vốn là nhà sân khấu nhảy sang văn chương khi thời trẻ ông từng là diễn viên, cụ thân sinh Học Phi là tác giả, từng là Chủ tịch Hội SK, anh trai Hồng Phi cũng là nhà viết kịch nổi tiếng một thời?

- Gốc gác, gia cảnh không làm nên tác phẩm! Đứng ở đâu nhảy sang đâu càng không quan trọng, miễn là công việc của mình có ích!

- Và khi ông nhận lãnh trách nhiệm Trưởng ban Sáng tác thì hình như hoạt động sáng tác có nóng hơn với 5 trại sáng tác và giải thưởng kịch bản 2 năm một lần?

- Ban bệ chỉ là tham mưu. Quan trọng là Ban Chấp hành và tâm huyết của người đứng đầu Hội.

- Vậy với tư cách tham mưu, sao các năm trước giải thưởng kịch bản Hội NSSK thường không có giải nhất, còn các giải khác lại như mưa, năm vừa qua tuy có giải nhất nhưng giải nhì có 2, lại không có giải ba và khuyến khích cũng chỉ có 3?

- Có giải này không có giải kia căn cứ vào chất lượng tác phẩm với những tiêu chí rõ ràng chứ không thể hạn hẹp hoặc “mưa” như bạn nói để tất cả đều vui vẻ Giải thưởng hằng năm ngoài chuyện ghi nhận đóng góp của các tác giả còn là bức tranh, đồ thị về sự trồi sụt của kịch bản sân khấu. Như giải nhất kịch bản 2010 “Tôi và các nhân vật phụ” đã có 3 đoàn đăng ký dựng...

- Nếu được giải nhưng không có đơn vị nào dựng vì lý do có thể không ăn khách thì…

- Hội sẽ tài trợ! Ví dụ Bác không phải là vua đoạt giải nhì, Hội cùng với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam mỗi bên cùng bỏ ra 150 triệu kết hợp với một đơn vị nghệ thuật để truyền hình trực tiếp trên Nhà hát Truyền hình. Tất nhiên, trước và sau khi phát trực tiếp, đơn vị nghệ thuật đó vẫn biểu diễn bình thường. Ngay kịch bản không có giải nhưng Hội vẫn sẽ đầu tư như Bốn người cha nếu như đơn vị của chị Hồng Vân trong TP.HCM chấp nhận dàn dựng.

- Lý do tài trợ dựng vở, thưa ông?

- Để định hướng kịch mục khi mà kinh tế thị trường làm các đoàn bươn chải chỉ lo dựng vở cốt kéo khách. Hàng loạt những hài kịch ra đời trong đó không ít hài kịch trong thời gian qua như là nét chủ đạo của hoạt động SK là điều đáng buồn trong khi SK thiếu vắng những vở diễn mang hơi thở cần lao của nhân dân, những hình tượng nhân vật trong mọi thời tiết xã hội có tác dụng dự báo cảnh tỉnh, lay động đến những góc sâu nhất trong lòng người xem... Khi khán giả nhàm chán kịch mục hiện tại, muốn tìm về cái đích thực của SK thì đã muộn.

 Một cảnh trong vở Dời đô của Nhà hát kịch Quân đội.

- Ở kịch bản Bác không phải là vua thì rõ Bác không phải là vua theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng thì rõ là Bác đứng đầu cả nước, vậy có nên viết điều ai cũng biết? Hơn nữa nghe nói kịch bản này không có nhân vật Bộ Chính trị quanh Bác mà chỉ có những nhân vật bình thường như anh thợ điện, bà bán thịt... Liệu có phản ánh đúng hiện thực?

- Bác không phải là vua là lời của Bác chứ không phải lời tác giả. Kịch bản này nếu đạo diễn tốt, diễn viên đóng vai Bác tốt, tôi đảm bảo mỗi câu nói của Bác, mỗi tình huống kịch sẽ tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ cho công chúng vì tính thời sự nóng bỏng, tính nhân văn mà vấn đề kịch đặt ra. Viết về Bác là khó, rất khó, nhưng viết mềm được như thế, đưa hình ảnh vị lãnh tụ tối cao xuống đời thường khá nhuyễn được như thế, tôi cho rằng đã làm đảo ngược một định đề rêu phong lâu nay: Cứ là tác  phẩm cúng cụ thì cúng xong, ta đem bỏ vào kho, ngại gì.

- Ông có lo kịch thiếu xung đột?

- Thế nào là xung đột? Có cái xung đột ngầm, có cái lại xung đột nổi. Mạch ngầm, sóng ngầm bao giờ cũng đáng sợ hơn sóng bạc đầu miễn là tác giả viết ra được cái ngầm đó mà không phải chỉ làm duyên. Tôi vay tiền của bạn rồi không muốn trả chẳng hạn thì hành động cãi nhau, đánh nhau có thể xảy ra nhưng nếu chúng ta nể nhau và bạn vẫn muốn đòi, tôi vẫn muốn không trả thì ngồi uống nước rất lịch sự với nhau thế này vẫn có xung đột đấy chứ! Lý luận thì dài, bạn cứ đọc kịch bản hoặc xem vở diễn đã. Quan trọng là có thấy thú vị và tìm được sự chia sẻ không!

- Từ năm nay được biết ngoài giải thưởng hằng năm còn có cuộc thi kịch bản 2 năm 2010-2011 mà đến cuối tháng 12 này là khóa sổ của Hội NSSK. Nhưng sao quy chế cuộc thi lại định ra tác phẩm dự thi chưa được công bố nghĩa là chỉ định chấm bản thảo? Và rồi giải hằng năm và giải cuộc thi kịch bản là hai việc khác nhau sao có thể được giải hằng năm rồi thì không được tham gia cuộc thi? Mong ông đừng giận vì lời nói thẳng!

- Sao lại phải giận khi sức mạnh của SK nói riêng và của mọi lĩnh vực cuộc sống nói chung đều bắt đầu từ những phản biện để hoàn thiện cho tốt hơn chứ không phải từ việc giải thích, chứng minh mình luôn luôn đúng. Cũng nói thật đây là cú hích để các tác giả có điều kiện tập trung sáng tạo được những tác phẩm mới để khỏi có trường hợp chỉ “đánh trống ghi tên”, lôi cái cũ ra sửa sang, đánh bóng lại rồi nộp lên. Hội SK đâu phải là hội từ thiện có nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho tác giả. Cũng xin nói thẳng, giải thưởng hằng năm hoặc cuộc thi 2 năm này sẽ khuyến khích các tác giả mạnh dạn đi vào những vấn đề gay cấn, bức xúc nhất của cuộc sống mà không cần tránh né, lo lắng tự biên tập. Xin mời hãy cứ bứt phá đến tận cùng, sẽ có một hội đồng chấm thi, chấm giải công tâm, khách quan, từng trải, có uy tín tiếp nhận và xem xét với tất cả khao khát vì sự đi lên của một nền văn học kịch đang có chiều chững sựng.

- Xin cảm ơn ông vì sự thẳng thắn và cuộc trò chuyện cởi mở này. Hy vọng SK sẽ bứt phá từ khâu đột phá này.

- Chắc còn phải nhiều dịp thẳng nữa, quyết liệt nữa thì ngõ hầu mới mong góp phần thúc cho con ngựa SK có thể cất vang những tiếng hý kiêu hãnh như nó đã từng hý và lồng lên được.Thay mặt Hội NSSK, tôi cũng cảm ơn báo chí thời gian qua đã sát cánh cùng giới SK với tất cả trách nhiệm và sự thẳng thắn.

          Tố Lan (thực hiện)


Ý kiến của bạn