Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người giữ một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và thiết yếu trong hệ thống tư vấn, điều phối lấy và ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi, hệ thống, công khai và minh bạch trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, đây cũng là quy định về mô hình hoạt động hiệu quả trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới.
Cách gì để điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng?
Theo quy định tại các Điều 36, 37 và Điều 38 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, việc điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng được thực hiện thông qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, theo đó trung tâm có nhiệm vụ chính sau đây:
- Tiếp nhận và xử lý thông tin về việc hiến, thay đổi hoặc hủy bỏ việc hiến mô, bộ phận cơ thể người;
- Quản lý danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia;
- Quản lý việc cấp thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác;
- Quản lý các thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép mô, bộ phận cơ thể người;
- Điều phối việc lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô, bộ phận cơ thể người;
- Hợp tác quốc tế trong việc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Bệnh nhân được ghép tim tại BV Việt Đức . Ảnh TM
Với những quy định trên cho thấy, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người giữ một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và thiết yếu trong hệ thống tư vấn, điều phối lấy và ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi, hệ thống, công khai và minh bạch trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, đây cũng là quy định về mô hình hoạt động hiệu quả trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, đây là hoạt động mới, chưa có tiền lệ và vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để vận hành và điều phối hoạt động lấy, ghép mô, tạng. Mặt khác, các cơ sở y tế có chức năng cần có quy định, cơ chế khả thi để bảo đảm nguyên tắc phối hợp, kết nối chặt chẽ với trung tâm qua việc cập nhật thông tin người hiến, đặc biệt là người cần ghép mô, tạng để xây dựng và quản lý danh sách chờ ghép quốc gia, làm cơ sở cho việc điều phối hiệu quả việc lấy, ghép mô, tạng bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực cho người hiến cũng như người ghép mô, tạng.
Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và khả thi trong việc điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, góp phần hạn chế và chống lại nguy cơ mua bán nội tạng, đồng thời góp phần vinh danh người hiến tặng mô, tạng không vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh, cần phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để chủ động tiếp nhận, sàng lọc danh sách chờ ghép quốc gia, danh sách hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não (hiến tặng mô, tạng tiềm năng) và điều phối lấy, ghép mô, tạng hoàn toàn độc lập, khách quan trên hệ thống công nghệ thông tin đó.
Cần xây dựng, định hình mạng lưới thu gom, điều phối mô tạng quốc gia với vai trò trung tâm điều tiết của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tạng đang khan hiếm. Theo đó, cần phải tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, để trung tâm này có đủ năng lực kiểm soát, điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng trong cả nước một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả.
Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều phối như tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng và điều phối hoạt động lấy, ghép mô, tạng hoàn toàn chưa có, trong khi công việc luôn đối diện với sức ép khi phải tiếp xúc vận động người thân trong bối cảnh vừa có người chết não hiến tặng mô, tạng; sức ép trong việc chạy đua với thời gian để lấy, vận chuyển và ghép mô, tạng... nên chưa động viên, khuyến khích cán bộ y tế thực hiện xứng đáng với đặc thù công việc khó khăn, phức tạp và sức ép hiện nay...