Hà Nội

Vấn đề hiến, ghép tạng: Thời gian chết não nên giảm xuống 6 giờ

09-11-2016 16:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Trước thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày càng tăng cao trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển...

Trước thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày càng tăng cao trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Việt Nam đã thực sự làm chủ kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người (tạng) thành công như ghép thận, tim, gan, giác mạc... mang lại cơ hội cứu sống tận cùng cho nhiều người bệnh suy mô, tạng.

Nhìn một cách tổng quát, từ năm 2006 đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành ghép tạng Việt Nam ra đời và phát triển. Tính đến ngày 15/6/2016, chúng ta đã có 16 cơ sở y tế có khả năng lấy, ghép mô, tạng hiệu quả và đã tiến hành ghép thành 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối thận - tụy và 1 ca ghép khối tim - phổi minh chứng một điều rõ ràng rằng kỹ thuật y khoa của Việt Nam không kém các nước trong khu vực và trên thế giới về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng.

Chăm sóc bệnh nhân ghép thận tại BV Việt Đức. Ảnh: TM

Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng người được ghép mỗi năm vẫn còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu thực tế ngày một tăng cao. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề này, một trong những nguyên nhân chính là thiếu nguồn mô, bộ phận cơ thể người hiến tặng trong khi hoạt động truyền thông, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người dân chưa được đầu tư tương xứng để làm thay đổi nhận thức, hành vi tiến tới tình nguyện hiến tặng hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác không thể không nói tới đó là chúng ta còn thiếu một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để tác động, định hướng và thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày một phát triển đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội hiện nay.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam hiện nay làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn cả lý luận lẫn thực tiễn.

Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (có hiệu lực từ 1/7/2007) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung, đó là:

Bất cập trong quy định về chết não

Theo quy định tại mục 3, chương III của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chết não là một nội dung đặc biệt quan trọng được quy định thành một mục riêng trong luật. Theo đó, việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, tạng của người có thẻ đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết. Tuy nhiên, để xác định được chết não phải có đủ 3 chuyên gia (hồi sức cấp cứu; thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y) và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian.

Với quy định này là hết sức chặt chẽ, bảo đảm tối đa việc đưa ra kết luận một người đã chết não hay chưa. Tuy nhiên trên thực tế, đặc biệt là ở các nước phát triển, các điều kiện về cận lâm sàng không nhất thiết còn bắt buộc cũng như tiêu chuẩn về thời gian dẫn tới bắt buộc phải có 3 lần xác định chết não và mất tối thiểu 12 giờ tính từ lần xác định chết não đầu tiên là quá dài, vừa gây tốn kém kinh phí xác định chết não, kinh phí hồi sức tích cực người chết não, đồng thời kéo dài thời gian đánh giá xác định chết não sẽ làm mất cơ hội vàng để lấy được mô, tạng của người người hiến chết não.

Bên cạnh đó, quy định về chuyên gia giám định pháp y trong Hội đồng xác định chết não cũng cần phải đánh giá lại, bởi về bản chất, các tiêu chuẩn cận lâm sàng của chết não khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập), do đó vừa không phát huy được chuyên môn của bác sĩ pháp y, vừa gây khó khăn cho các cơ sở y tế nếu không mời được bác sĩ pháp y tham gia trong hội đồng xác định chết não.

Chúng tôi đề nghị cân nhắc giảm thời gian xác định chết não xuống còn 6 tiếng và bỏ quy định bác sĩ pháp y trong hội đồng xác định chết não; bỏ quy định phải có đơn vị ghép thực nghiệm đối với các cơ sở y tế khi cấp phép hoạt động lấy, ghép tạng.


Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế)
Ý kiến của bạn