Sinh thời và cho đến khi Bác Hồ đi xa đã có không ít người bàn đến tư tưởng của Người từ nhiều khía cạnh khác nhau. Và hiện nay trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam đang dấy lên phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đối với một lãnh tụ cách mạng và văn hóa như Bác Hồ, việc tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức của Người sẽ mãi là một vấn đề có tầm chiến lược đối với nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta.
Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Sinh thời, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các lĩnh vực như: dân tộc, giai cấp, chủ nghĩa xã hội, công nhân, nông dân, phụ nữ, trí thức, học sinh,... cũng như những tư tưởng về con người không được trình bày thành những công trình lý luận độc lập, trái lại chúng luôn hòa quyện, gắn kết với việc vận động quần chúng đứng lên làm cách mạng giải phóng con người, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho mọi tầng lớp nhân dân.
Có thể nói, Đường Kách mệnh và Thường thức chính trị là hai tác phẩm tương đối lớn của Bác Hồ, nhưng vẫn chưa phải là những tác phẩm lý luận có tính chất hàn lâm và kinh viện như các nhà tư tưởng khác, mà vẫn là các tác phẩm phổ biến kiến thức lý luận cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong quá trình truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản theo quan điểm của học thuyết Mác-Lênin đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do cho đất nước. Phải chăng, vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc đã thu hút mọi thời gian, tâm trí, khiến Người không còn đủ thì giờ để tập trung trí tuệ vào việc nghiên cứu những vấn đề lý luận dài hơi. Nhưng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và các kiệt tác để lại cho muôn đời con cháu về sau chưa thấy bao giờ Bác bày tỏ ý định làm một nhà lý luận chính trị hay triết học. Bởi vậy, tính chất duy lý, triết lý của Bác Hồ còn lại trong các tác phẩm của Người không phụ thuộc nhiều vào đề tài, chủ đề hay độ ngắn dài của tác phẩm, mà trái lại phụ thuộc vào tầm nhìn, tính khái quát vấn đề chứa đựng một hàm lượng tư tưởng cao.
Tác phẩm Đường Cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội trên thế giới thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh có những tư tưởng uyên thâm, sâu sắc và rất độc đáo, đặc biệt về con người và đời sống của con người, nhưng lại không phải là những công trình nghiên cứu lý luận đồ sộ về bản thân con người mà chủ yếu là những triết lý hành động trong khi giải quyết những vấn đề của con người và thuộc về con người. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét: Tầm cỡ của một nhà hiền triết chưa chắc ở chỗ giải quyết mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới này là thực tại hay là ảo ảnh, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung qui là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít khi bàn đến bản chất của tồn tại và nhận thức, mà triết học phương Tây gọi là Bản thể luận và Nhận thức luận. Vì theo Người, việc đó chưa chắc chắn đã cần bằng sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và phong kiến hàng bao đời nay, khiến họ không còn đủ quyền và tư cách làm người, quyền tự do lao động sáng tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân con người và phát triển xã hội.
Bác Hồ mỗi khi đặt bút viết về một vấn đề gì đó, Người thường quan tâm đến việc làm người và ở đời. Đây chính là những quan niệm nhân sinh của Bác gắn liền với lối sống, cách sống, hành vi, đạo đức của mỗi con người. Với Bác, điều này gắn chặt với quá trình hoạt động cách mạng, cũng như mục đích cuộc đời của Người là bằng cách nào và làm như thế nào để giải phóng con người, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi đêm trường nô lệ, ách áp bức của các giai cấp thống trị. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng Bác Hồ đã tiếp thu, vận dụng một cách hết sức sáng tạo phong cách tư duy duy lý của các trường phái tư tưởng Đông - Tây. Người đã từng đặt các vĩ nhân phương Đông như Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Gandi, Tôn Dật Tiên... bên cạnh tên tuổi các nhà tư tưởng phương Tây như: Karl Marx, Engel, V.I.Lenin và có lần người đã tự nhận tôi là học trò nhỏ của các vị ấy. Tất cả các vị ấy đều là những nhà tư tưởng và đều rất quan tâm đến con người. Nhưng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên mới dám đặt và so sánh các vị ấy với nhau như vậy.
Minh chứng cho sự quan tâm chính yếu trong nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề con người, chúng ta có thể tìm thấy ở 12 tập sách trong Hồ Chí Minh toàn tập(1) có tới hơn 1.600 lần Bác Hồ nhắc đến từ người, trên 170 lần nhắc đến từ con người. Đối với từ dân và từ nhân dân, cũng có hơn 1.600 lần Bác nhắc tới và gần 200 lần bác nhắc tới từ người dân.
Rõ ràng là từ người mà Bác quan tâm đến ở đây không bao hàm nội dung ý nghĩa tồn tại về mặt bản thể mà mang ý nghĩa về những con người bằng xương, bằng thịt đang sống, chiến đấu, lao động, học tập, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước mình. Trong các từ và cụm từ trên, con người là hạt nhân, trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động của Bác. Nhân theo tiếng Hán có nghĩa là người, dân cũng có nghĩa là người trong cách xếp hạng về tứ dân: sĩ, nông, công, thương theo quan niệm của Nho giáo phương Đông. Theo đó, các từ: dân, người dân, nhân dân, con người, người trong ý nghĩ của Bác đều có chung một ý nghĩa là những con người lao động bình thường, không phải là những người ở tầng lớp trên nắm quyền cai trị kẻ khác. Như vậy có nghĩa là trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, có tới trên 5.000 lần các từ chỉ về con người còn lưu lại trong tâm trí của vị lãnh tụ thiên tài dân tộc Hồ Chí Minh. Liệu phải chăng đây là trường hợp duy nhất đối với một vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và của dân tộc ta: Bác Hồ?
Điều đó gợi cho chúng ta một suy nghĩ rằng nếu một ai đó quan tâm đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc và nếu một nhà nước và chính phủ nào muốn đưa đất nước mình tiến lên mà chưa quan tâm thỏa đáng đến con người và cuộc sống của con người một cách thiết thực thì liệu sự quan tâm và mong muốn ấy của họ có trở thành hiện thực được không? Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.(2)
Hai dẫn chứng sinh động về vấn đề con người đã được Bác dẫn lại trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại buổi lễ long trọng, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đã thay mặt Nhà nước Việt Nam non trẻ và toàn thể quốc dân đồng bào dõng dạc tuyến bố trước thế giới ngày 2/ 9/1945, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều ấy đã để lại cho chúng ta và muôn đời con cháu về sau một bài học lịch sử vô cùng quí giá về quyền con người mãi còn giữ nguyên giá trị lịch sử của nó.
Từ đấy cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta bằng mọi nỗ lực của mình cam kết với thế giới rằng, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi người được phát triển hài hòa với cộng đồng, dân tộc. Việt Nam là một trong những nước sớm ký vào các Công ước Quốc tế về Quyền con người và Quyền trẻ em, đặc biệt với những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng đã, đang và sẽ dành cho họ sự quân tâm ngày càng nhiều hơn để họ hoàn toàn có thể yên tâm được sống trong một đất nước, môi trường an toàn để tự do phát triển tài năng, trí tuệ, sức lực và tình cảm của mình, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
(1), (2). Hồ Chí Minh - Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, 2000.
Đỗ Thanh