Vấn đề “báo lá cải” làm nóng hành lang nghị trường

17-06-2012 16:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước được Quốc hội quan tâm. Nhiều bộ luật quan trọng đã được thảo luận sôi nổi và sẽ thông qua.

(SKDS) –  Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước được Quốc hội quan tâm. Nhiều bộ luật quan trọng đã được thảo luận sôi nổi và sẽ thông qua. Thế nhưng, có một vấn đề tưởng chừng nằm ngoài “tầm ngắm” của các đại biểu trong nghị trường thì ở ngoài hành lang lại có vẻ như vẫn nóng, đó là chuyện “báo lá cải”.

Tôn trọng tiếng nói từ cuộc sống

Trước và trong khi diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, một cuộc tranh luận khá sôi nổi về báo chí đã diễn ra ở nhiều tờ báo xung quanh vấn đề “báo lá cải” và báo chính thống với hàng loạt bài có những cái tít khá sốc như: Nhận diện “đầu nậu báo lá cải” của Nhật Hòa; Tự thú của một phóng viên viết “báo lá cải” của Đinh Bảo Trung; Đường đi của “báo lá cải” của Phan Sông Gianh; Thảm họa “báo lá cải” của Đường Loan; “Báo lá cải” tồn tại giữa yêu ghét khó lường của A Sáng... Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào của cơ quan quản lý cũng như chưa có một công trình khoa học nào được công bố xác tín thế nào là “báo lá cải” và thực chất nó có tồn tại trong nền báo chí cách mạng Việt Nam hay không thì dường như những người tham gia tranh luận chẳng ai đề cập đến.

Tuy nhiên, đọc tất cả các bài viết xung quanh vấn đề “báo lá cải”, thấy nó nóng lên vì có không ít người đã lợi dụng quyền “tự do báo chí” để làm những việc không có lợi cho an sinh xã hội, làm phương hại đến thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức của người Việt, nhưng lại được đăng tải trên một số báo trong thời gian gần đây như là cách để triệt hạ “đối thủ” của mình.

Chẳng hạn như việc khai thác quá sâu những chi tiết rùng rợn, giật gân của một số vụ án cướp của giết người, hiếp dâm trẻ em hay trả thù theo kiểu ân oán giang hồ, xã hội đen... rồi đến những việc làm theo yêu cầu của người khác, đưa tin đơm đặt về một chuyện không có thật với mục đích câu khách, bán báo. Một số báo chưa thật sự tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí cũng như đạo đức nghề nghiệp, dựng chuyện đặt điều cho đồng nghiệp, cố tình tạo ra cơn sốt ảo cốt để tăng sự chú ý của bạn đọc... Đã có một số người vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm nên nhắm mắt làm liều. Họ đã viết và đăng tải quá nhiều chuyện vụ án, đưa các vấn đề về giới tính, tình dục một cách thô lậu đã tác động tiêu cực đến giới trẻ khiến các em dễ bắt chước, làm theo.

Thời gian gần đây, nhiều báo nhân danh “phản ánh sự thật” đã cho đăng nhiều tin trần trụi, mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ở góc độ này, dường như cả nhà báo và bản báo đều đã “quên” mất chức năng định hướng dư luận của báo chí cách mạng nước ta. Lẽ ra nhà báo phải lấy mục đích viết những cái gì có lợi cho dân, cho nước thì người ta lại chỉ quan tâm đến số lượng bài được in, báo bán chạy, rốt cuộc tác giả có được nhiều tiền nhuận bút và tiền thưởng của cơ quan.

Những điều vừa nêu trên tưởng chỉ là chuyện “chuyên môn” thuần túy của các nhà báo, ngờ đâu nó đã ít nhiều góp phần làm nóng hành lang nghị trường, nơi mà các đại biểu đang rất bận rộn và khẩn trương đưa ra những quyết sách vĩ mô nhằm phát triển kinh tế đất nước và ổn định cuộc sống người dân trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.       

 Đã có nhiều bài viết về các vấn đề giới tính, tình dục... tác động tiêu cực đến giới trẻ.

Nhưng phải tuân thủ pháp luật

Trả lời câu hỏi của giới báo chí về trào lưu của một dòng báo gọi là “báo lá cải” bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son khẳng định, ở nước ta không có cái gọi là “báo lá cải”. Tất cả các cơ quan báo chí đều có cơ quan chủ quản và phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Còn đương nhiên báo nào đi lệch tôn chỉ, mục đích khi cho ra đời ấn phẩm sai phạm thì phải xem xét xử lý.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua, chúng ta đã xử lý chưa nghiêm đối với một số báo đi sai tôn chỉ, mục đích. Báo chí có quyền nói sự thật nhưng sự thật đó phải vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đối với một số vụ án mang tính chất nhạy cảm, viết một cách tỉ mỉ, chi tiết các tình tiết của nó càng kích thích tính tò mò của người đọc, nhất là đối với giới trẻ hiện nay. Điều này rõ ràng không phù hợp với lợi ích của đất nước, nhất là thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, nhà báo là những người hoạt động trên mặt trận chính trị - tư tưởng, phải có nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, văn hóa, bất luận vì lý do gì anh ta lại cố tình mô tả các tình tiết vụ án quá tỉ mỉ như thế, nhất là những vụ án giết người man rợ, những hành vi hiếp dâm, đồi trụy... Trong khi đó, những hành vi ấy chỉ là hình ảnh đơn lẻ, cá biệt ở một vài người nào đấy trong xã hội ta, chúng không phổ biến, cũng không đại diện cho ai cả và vì thế không cần phải tuyên truyền, cổ súy cho các hành động đó. Việc làm ấy của một số người hoàn toàn không có lợi, nhất là trong việc hình thành nhân cách của lớp trẻ.

Tới đây, Bộ TT-TT sẽ nâng cao hơn nữa các chế tài của các cơ quan quản lý các cấp từ Bộ đến Sở TT-TT các tỉnh nhằm mục đích ngăn chặn việc các nhà báo và cơ quan báo đi sai tôn chỉ, mục đích, gây hoang mang trong dư luận. Thậm chí, theo Bộ trưởng, “nếu các sai phạm này không được khắc phục, báo có thể bị xem xét rút giấy phép hoạt động”.

Liên quan đến vấn đề này, ngoài hành lang kỳ họp, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng rau cũng có loại “sạch”, loại “bẩn” nên người đọc phải cảnh giác và biết cách chọn lọc tin tức khi báo chí đưa.

Ai cũng biết báo chí thuộc quyền lực thứ tư của xã hội. Nhưng bản thân nó luôn có tác động hai mặt. Chính vì thế, chúng ta đã có Luật Báo chí và đạo đức báo chí của cộng đồng những người làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực của báo chí. Những hiện tượng vừa xảy ra trên một số báo vừa qua, trước hết phải được chế tài bằng luật, làm sai phải đính chính. Và trong cộng đồng báo chí phải có thái độ ủng hộ hay phản đối rõ ràng trước những hiện tượng đó.
 
Báo chí hoạt động trong cơ chế thị trường, chắc chắn chỗ này, chỗ nọ cũng sẽ bị “ô nhiễm” do mặt trái của cơ chế này đem lại. Thậm chí, có những thông tin mang tính chất cá nhân, tác động tiêu cực cho đời sống xã hội. Chẳng hạn như đưa tin về vấn đề giá cả, về bà con nông dân hay những người làm ra những sản phẩm… Do cách đưa tin của một số bài báo thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội nên dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng, mà vụ bưởi Năm Roi cách đây ít lâu là một điển hình.

Các cơ quan chức năng cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc đủ tính răn đe để hạn chế những việc đáng tiếc như vừa nêu trên nếu không sẽ tạo kẽ hở cho một số kẻ chạy theo những thứ rẻ tiền, giật gân, câu khách, không có lợi cho xã hội.      

  Huyền Vũ


Ý kiến của bạn