Thực phẩm không đảm bảo nhan nhản khắp các cổng trường
Trong khi cổng trường lại là nơi tập trung rất nhiều các hàng quán thức ăn đường phố và đối tượng sử dụng lại là các em học sinh.
Dù thời gian qua vấn đề về an toàn thực phẩm trước cổng trường được cơ quan chức năng chấn chỉnh, siết chặt nhưng vẫn đang diễn ra hàng ngày. Để giải quyết bài toán này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó nhà trường, phụ huynh, học sinh cần nâng cao ý thức tiêu dùng.
Hà Nội là thành phố lớn của cả nước nơi tập trung đông dân cư và hệ thống trường học dày đặc nên vấn đề an toàn thực phẩm trước cổng trường vẫn luôn được thành phố quan tâm chú trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên trước cổng nhiều trường học hàng quán vỉa hè, xe hàng lưu động, xe hàng rong xuất hiện nhan nhản, hoạt động khó kiểm soát. Những hàng quán bày bán đủ các món ăn vặt như xúc xích, nem chua rán, phô mai que, thịt xiên, bánh tráng trộn, bánh kẹo, kem, mỳ cay, mỳ trộn…Những mặt hàng rất dễ 'hút' học sinh.
Trong vai học sinh mua những món khoái khẩu của các cô cậu học trò, chúng tôi "choáng ngợp" trước cách chế biến cũng như giá cả của các món ăn quà vặt này ở gần một cổng trường học trên địa bàn Hà Nội. Qua quan sát cho thấy, giá của các loại "xiên bẩn" được bán với mức giá dao động chỉ 2.000 – 8.000 đồng/xiên; nhiều loại nước giải khát đủ màu, đủ vị chỉ có giá 5.000 – 15.000 đồng/cốc;...
Quy trình chế biến ở các cơ sở này cũng là một điều đáng chú ý khi dụng cụ chế biến thường xuyên được sử dụng lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín mà không qua vệ sinh kỹ lưỡng. Người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng tay trần; cách bảo quản sơ sài, không che đậy khiến bụi bẩn và côn trùng dễ dàng xâm nhập;…
Và hậu quả là đã ghi nhận các vụ ngộ độc do học sinh ăn các đồ ăn vặt mua ở cổng trường.
Làm sao để kiểm soát?
Trước thực trạng tên, ngay từ tháng 8/2024, TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề "Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội" đối với các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.
Theo ông Đặng Thanh Phong Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý ATTP tiếp tục được tăng cường, trong đó, TP tập trung triển khai chuyên đề "Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội" đối với các cơ sở giáo dục.
Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Cùng đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện nghiêm túc thường xuyên. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan chức năng sẽ điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Tuy nhiên, em Chi cục trưởng Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội thì việc kiểm soát từ chính quyền sẽ không thể đạt hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp từ gia đình và nhà trường.
Theo kế hoạch, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm của Hà Nội sẽ thực hiện duy trì Tổ cảnh báo nhanh về ATTP 02 cấp, kịp thời nắm bắt các thông tin về sự cố mất ATTP, ngộ độc thực phẩm để xử lý theo đúng quy định. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc. Lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết. Cảnh báo cho cộng đồng nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát ATTP, kiểm nghiệm thức ăn, xét nghiệm nhanh, hướng dẫn thực hành các quy định đảm bảo ATTP đối với từng loại hình theo quy định tại Luật ATTP và Nghị định số 155/2018/NÐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ. Trọng tâm kiểm tra, giám sát một số nội dung sau:
+ Viêc chấp hành các quy định về điều kiện ATTP (vệ sinh cơ sở, cống rãnh xung quanh trường, trang thiết bị chế biến, bảo quản, chứa đựng thực phẩm, sức khỏe nhân viên, thực hiện mang bảo hộ cá nhân, kẹp gắp thực phẩm chín, lưu mẫu thức ăn).
+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cam kết đảm bảo ATTP, niêm yết danh sách các nhà cung cấp thực phẩm. Kiểm tra việc ghi chép thông tin về nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, chú trọng thực phẩm tươi sống và thức ăn bán tại chỗ.
+ Kiểm tra kho bảo quản nguyên liệu và thực phẩm (có đủ giá kệ, tủ bảo quản, đảm bảo điều kiện bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất), kiểm tra hồ sơ nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm theo quy định.
+ Lẫy mẫu xét nghiệm: Làm các test xét nghiệm nhanh và lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan kiểm nghiệm đối với các thực phẩm/thức ăn nghi ngờ ô nhiễm.
+ Đối với cơ sở thức ăn đường phố hoặc kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn/thức ăn ngay: Đảm bảo tiêu chí có dụng cụ che nắng mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Nguyên liệu để chế biến thực phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
+ Kiểm tra việc khắc phục những tồn tại, hạn chế của cơ sở mà lần kiểm tra, giám sát trước đã chỉ ra.
+ Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP, công khai trên hệ thống loa truyền thanh phường, trang thông tin điện tử phường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
- Có phương án xử lý, nghiêm cấm các điểm bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường, hàng rong trước cổng trường nhằm đảm bảo trật tự công cộng, mỹ quan đô thị và hạn chế nguy cơ mất ATTP.