Vấn đề an toàn thực phẩm cần huy động toàn xã hội vào cuộc

07-06-2017 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

*Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Đây là vấn đề nóng được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian qua.

ATTP từ cấp cơ sở trở lên phải dần dần đưa vào các tiêu chí thi đua

Phát biểu tại hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá rất cao đối với việc Quốc hội đã lập đoàn giám sát tối cao về ATTP. Có thể nói đây là cuộc giám sát rất quy mô đã tạo một bước chuyển biến ít nhất là trong nhận thức ở rất nhiều ngành, nhiều cấp...

Về mặt luật pháp, không chỉ Luật ATTP mà các hệ thống luật pháp nói chung, chúng ta còn vẫn phải thường xuyên đánh giá tổng kết sửa đổi cho phù hợp, nhất là các văn bản dưới luật như nghị định và thông tư. Tuy nhiên, điều đáng mừng là báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá rằng, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đi đầu trong khu vực về độ hiện đại và tiếp cận đúng xu thế của thế giới, chỉ có vấn đề là năng lực thực hiện của chúng ta chưa theo kịp.Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP.

Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tới khái niệm người tiêu dùng thông thái. Thực ra chúng ta cần phải làm và các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị chúng ta phải làm mạnh vấn đề này. Đấy là phải thiết lập được một hệ thống đo, kiểm nghiệm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm sao phân biệt được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Việc này không chỉ nằm ở các phòng thí nghiệm của các bộ như Bộ Y tế, Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cần phải huy động hệ thống phòng thí nghiệm đo ở các doanh nghiệp. Ai đạt tiêu chuẩn thì chúng ta khuyến khích xã hội hóa. Do đó, chúng ta phải tăng cường đầu tư để có các trang thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm tiêu chuẩn dù rằng chưa mang tính chính xác hoàn toàn về định lượng, nhưng mới định tính ở các chợ đầu mối, thậm chí ở các chợ, các siêu thị để người dân khi nhìn thực phẩm bằng mắt thường không phân biệt được người ta có điều kiện để xác minh là thực phẩm đó có an toàn hay không. Đây là một điều chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nhìn chung đánh giá lại vấn đề ATTP là vấn đề rất lớn, chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính phủ xác định rằng chúng ta cần nỗ lực rất kiên trì, không theo đợt. Hiện chúng ta còn khó khăn, kể cả về chính sách, văn bản pháp luật, sự phân công, biên chế hay kinh phí nhưng nếu chúng ta quyết tâm hơn, với trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là những người đứng đầu tất cả các cấp thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn... Chính phủ rất đồng tình với ý kiến một số đại biểu Quốc hội, tới đây việc đảm bảo vệ sinh, ATTP từ cấp cơ sở trở lên phải dần dần đưa vào các tiêu chí thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa hay nông thôn mới.

Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta khá đồng bộ, đầy đủ nhưng vấn đề cơ bản là khâu thực thi, kiểm tra và xử phạt vi phạm. Sau nhiều hội nghị trực tuyến, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP do Phó Thủ tướng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường với chính quyền các địa phương và cùng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì vai trò của người đứng đầu các cấp được nâng lên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, với hàng loạt vụ ngộ độc và tử vong do rượu vừa qua nhưng chưa truy tố được là vì chưa có căn cứ pháp lý. Vì vậy, Bộ Y tế cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 38 về thi hành Luật ATTP, sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP còn quá nhẹ và chưa nghiêm minh; xử lý nghiêm khắc vi phạm ATTP vào Bộ luật Hình sự.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri bức xúc là truy xuất nguồn gốc thực phẩm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là vấn đề rất khó khăn do chúng ta có rất nhiều chợ cóc, chợ nông thôn nên việc truy xuất hóa đơn, nguồn gốc rất khó khăn... Khi đề cập việc chúng ta có văn bản pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ nhưng các vụ ngộ độc và vi phạm ATTP xảy ra ngày càng nhiều, Bộ trưởng cho rằng đây là do ý thức người dân chưa cao... Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp, nhưng còn trách nhiệm khác của doanh nghiệp, người sản xuất đã coi thường sức khỏe của người dân và chưa thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật ATTP. Ở diễn đàn này chúng ta cũng kêu gọi lương tri của người sản xuất không vì lợi nhuận mà làm trái lương tâm, trái quy định của pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong lĩnh vực bảo đảm ATTP. Vì sự việc (nấu rượu lậu, làm ruốc bẩn...) đều xảy ra ở địa bàn xã phường, do đó, chính quyền cơ sở cần nắm bắt vấn đề này. Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, nhân lực và nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP hiện cũng rất khó khăn do chúng ta không tăng biên chế và tài chính thì khó giải quyết được mâu thuẫn trong quản lý về ATTP hiện nay. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần xã hội hóa nguồn nhân lực, mời các lực lượng cán bộ bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này để cùng với các lực lượng khác ở địa phương nhằm tăng cường lực lượng bảo đảm ATTP trên địa bàn cơ sở.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề truyền thông thay đổi nhận thức người dân, doanh nghiệp và nhà sản xuất là rất quan trọng. Bởi vì, một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cũng không nên quá hoang mang, Bộ Y tế rất cầu thị để tiếp thu, vì xã hội luôn mâu thuẫn và phát triển, trong quá trình phát triển và hội nhập, các văn bản lạc hậu, chưa phù hợp sẽ được bổ sung, chỉnh lý ban hành mới để công tác đảm bảo ATTP dần đi vào nền nếp đảm bảo sức khỏe người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo chương trình làm việc, ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn