Hà Nội

Vẫn đang đánh giá hiện trạng môi trường khu vực quanh nhà máy Rạng đông

01-09-2019 08:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho biết, cơ quan này vẫn đang quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng đông.

Sau khi có thông tin về vụ cháy kho hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (ở số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 30/8, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc trực tiếp đến hiện trường xung quanh Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan thực hiện khảo sát, quan trắc và phân tích các thông số môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường xung quanh khu vực nhà máy.​

Trong sáng ngày 31/8/2019, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cũng đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang tiếp tục giám sát và phân tích các thông số kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí để có kết quả đánh giá, đưa ra thông tin về mức độ ảnh hưởng môi trường một cách khoa học, chính xác trong thời gian sớm nhất.

Kỹ sư đo chất lượng không khí xung quanh Công ty Rạng Đông.

Không nên đổ xô đi xét nghiệm

Sau vụ cháy, nhiều người dân đã lo sợ bị nhiễm độc thủy ngân nên đã đi xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Tuy nhiên đến thời điểm này, các kết quả vẫn cho âm tính, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm độc thủy ngân.

Một số người dân khác đã "sơ tán", chuyển đi nơi khác một vài ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chia sẻ về vấn đề này, theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù vụ cháy khá lớn, số lượng bóng đèn bị phá hủy nhiều, nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng đến nỗi phải chuyển đi nơi khác.

“Người dân ở Hà Nội đa phần ăn rau, thực phẩm ở nơi khác chuyển đến. Nước cũng từ nhà máy nước cung cấp, chứ có mấy ai tự nuôi, tự trồng được thực phẩm. Giờ nguy cơ cao nhất là không khí, theo tôi nguy hiểm nhất là lúc lửa đang cháy, khói/khí nóng bốc lên và phải ở lâu trong môi trường kín mới dễ bị nhiễm độc. Còn tới nay đã sau vài ngày, khí độc nếu có cũng có thể đã bay đi. Bởi vậy việc người dân lo lắng rồi di dời đi nơi khác để tránh theo tôi là không thực sự cần thiết” - BS Nguyên nói.

BS. Nguyên cũng cho rằng, hiện tại vẫn chưa có kết luận, đánh giá cuối cùng về chất lượng không khí, nước, hay đất ở khu vực xảy ra cháy, nên tất cả (nguy cơ, cảnh báo) chỉ mang tính chất dự đoán. Người dân không nên quá hoang mang. Chỉ có những người như: lính cứu hỏa, người dân trực tiếp tham gia chữa cháy hay người già, trẻ nhỏ, người đang mắc bệnh có các dấu hiệu ban đầu bao gồm: tức ngực, khó thở, đau bụng, choáng váng, lẫn, nôn mửa hay tê bì chân tay… mới cần tới bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm.

“Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao nhất (nếu có) là khi lửa đang cháy, bởi vậy, những người không trực tiếp hít phải hơi nóng hay khói độc hại thì nguy cơ nhiễm độc rất thấp. Mọi người cũng không nhất thiết phải đổ xô đi khám hay xét nghiệm tránh gây quá tải bệnh viện mà lại tốn kém” - BS. Nguyên nhấn mạnh.

 

Trong quá trình chờ đợi kết quả đánh giá cuối cùng, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Tổng cục Môi trường khuyến cáo:

Người dân sinh sống khu vực xung quanh Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km cần thận trọng, thực hiện các biện pháp:

Tắm bằng xà phòng và nước ấm; giặt quần áo bằng xà phòng và nước ấm; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình.

Không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở; tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản và gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh...

Ngoài ra, khi có việc cần thiết đi qua khu vực xung quanh công ty, khuyến nghị người dân nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang có than hoạt tính.

 


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn