Tuyên chiến với chất cấm
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2016, các cơ quan chức năng trung ương và địa phương đã tăng cường thanh kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 21.364 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả đã phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng (Bộ Công an, chính quyền các địa phương) đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với việc sử dụng, buôn bán chất cấm (chất tạo nạc salbutamol; chất vàng ô) trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc, xuất xứ; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy: tỷ lệ mẫu thịt chứa chất cấm salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%), đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7/2016 - 12/2016), không phát hiện salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả và thịt vi phạm cũng giảm so với 2015. Cũng trong năm 2016, đã phát hiện 11/1.345 mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (chiếm 0,82%), giảm so với 1,39% năm 2015; 12/293 mẫu rau củ quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 4,1%), giảm so với 7,76% năm 2015... Theo đó, các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn”. Tính đến nay, cả nước cũng đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp lớn Vingroup, Dabaco, Ba Huân... Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ bơm nước vào heo ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, TP. Bạc Liêu.
Ngăn nạn bơm nước vào gia súc và hóa chất trong tôm
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung vào vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất trong tôm. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, theo ông Việt, phải đẩy mạnh thanh tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên cả nước. Do đó, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan như: Bộ Y tế, Công Thương, Công an... thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phát biểu tại Hội nghị ,Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ATTP là mặt trận nóng bỏng, khó khăn, phức tạp. Do vậy, phải có những giải pháp đồng bộ, liên tục, kiên trì từ Trung ương xuống địa phương, triển khai quyết liệt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả kế hoạch hành động năm cao điểm VSATTP lĩnh vực nông nghiệp 2017 tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Ban hành các chính sách cụ thể theo đặc thù của địa phương, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn.