Hà Nội

Vẫn còn nhiều loại TPCN lấy tên thuốc khiến bệnh nhân tin dùng, bỏ điều trị

01-06-2019 20:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, vẫn còn nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) lấy tên thuốc. TPCN vẫn đang còn kinh doanh tràn lan, trà trộn. Việc này cần phải được giám sát quản lý chặt chẽ, có giải pháp căn cơ bởi nhiều người “hiểu lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc” do tin vào TPCN mà bỏ vấn đề điều trị.

TP.HCM: Hơn 6.100 nhà thuốc đã kết nối công nghệ thông tin

TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đoàn công tác đã có buổi khảo sát và làm việc ở một số nhà thuốc tại TP.HCM liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc.

Tại Sở Y tế TP.HCM, DS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược cho biết, trong thời gian qua, Sở đã nhanh chóng chỉ đạo các công ty cung cấp phần mềm tổ chức giới thiệu phần mềm, tập huấn và thực hiện kết nối. Đã có 67 đơn vị được Bộ Y tế cho phép liên kết dữ liệu. Các chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc bệnh viện và cá nhân, tổ chức có nhu cầu kết nối dữ liệu liên hệ với Cục Quản lý dược và Sở Y tế để thực hiện kết nối.

“Tính đến ngày 24/5 đã có 6.188 nhà thuốc kết nối dữ liệu, chiếm tỷ lệ 94,5% tổng số nhà thuốc trên địa bàn”, DS Dũng nói. Một số khó khăn được phía Sở Y tế nêu lên bao gồm chỉ khoảng 45% nhà thuốc kết nối có kết quả liên thông thành công; hệ thống chưa nhận diện một số loại thuốc dù các thuốc này hợp pháp; danh mục trên danh mục dược quốc gia vẫn còn chưa rõ ràng về loại thuốc kê đơn hay không, các loại thuốc gây nghiện, tiền chất...

Đoàn công tác kiểm tra kết nối công nghệ thông tin nhà thuốc ở TP.HCM.

Theo TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khi thực hiện đề án, Sở Y tế TP.HCM nhận thức đây là xu thế phải làm, trước mắt là để giảm đề kháng kháng sinh, tuy nhiên điều Sở Y tế TP.HCM lo lắng nhất chính là việc thành phố có đến hơn 6.500 nhà thuốc, con số này quá lớn, thêm nữa đơn vị cung cấp phần mềm ban đầu chỉ có một nhà cung cấp. Tuy nhiên nhận thức được tầm quan trọng của việc kết nối công nghệ thông tin các nhà thuốc chính vì thế Sở đã phải cố gắng rất nhiều. Cũng theo TS Tăng Chí Thượng, để thực hiện tốt kết nối công nghệ, điều trước tiên là cần có phần mềm thông minh để có thể cập nhật lưu loát các loại thuốc.

Cũng tại buổi làm việc, các đơn vị cung cấp phần mềm nêu một số bất cập, cụ thể vẫn có một số bất cập như số lượng thuốc đẩy liên thông dữ liệu chỉ được một phần; một số thuốc có đơn vị tính là viên/vỉ cũng khó nhập thông tin vì quy định có thể chỉ là viên hoặc là vỉ; mã dược quốc gia, danh mục dược quốc gia không được cập nhật liên tục khiến không thể liên thông; đơn vị chai và viên còn nhầm lẫn...

Khắc phục tình trạng mã thuốc, danh mục thuốc chậm cập nhật...

Phát biểu sau khi nghe các nhà thuốc và đại diện Sở Y tế TP.HCM báo cáo, TS. Trương Quốc Cường đánh giá cao việc thực hiện đề án của Sở Y tế TP.HCM, BV. Tai Mũi Họng TP.HCM và các nhà thuốc trên địa bàn. Con số 94,5% nhà thuốc có kết nối công nghệ thông tin là đáng hoan nghênh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mục đích của việc kết nối công nghệ thông tin trong các nhà thuốc nhằm giúp quản lý tốt hơn tình trạng thuốc gian, thuốc giả. Kết nối mạng giúp cảnh báo, thu hồi những trưởng hợp thuốc không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi kiểm tra, cứ loại thuốc nào không có trong hệ thống mà vẫn kinh doanh thì xem như sai phạm. Kết nối cũng nhằm mục đích công khai giá thuốc bán ra tại tất cả các nhà thuốc trên cả nước. Phần mềm đạt chuẩn đầu ra cũng giúp kiểm soát, thông báo thông tin thuốc giả kịp thời đến tất cả nhà thuốc. Các thông báo mang tính chuyên ngành cao phải được truyền tải đến các nhà thuốc thật nhanh chóng.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận định, qua khảo sát, khó khăn tại TP.Hà Nội và TP.HCM là gần giống nhau. Ngày 31/5/2019, Đoàn đã tiếp tục đi Phú Yên để kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc.

Kết nối công nghệ thông tin ở nhà thuốc giảm tình trạng kháng kháng sinh. Ảnh minh họa.

Thứ trưởng cho biết, sẽ nhanh chóng chỉ đạo khắc phục tình trạng mã thuốc, danh mục thuốc chậm cập nhật... Các lỗi phần mềm hệ thống từ lỗi chức năng (dành cho quản lý nhà nước), phần dành cho công ty dược, lỗi kết nối giữa nhà quản lý với các nhà thuốc...sẽ được tiếp thu và hoàn thiện sớm nhất. Bộ Y tế sẽ ban hành chuẩn đầu ra cung cấp dịch vụ nhưng các đơn vị có quyền tự lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm chứ không có chuyện độc quyền.

Về thực phẩm chức năng, quy định không cho phép kê đơn thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, chính vì vậy điều này cần chấn chỉnh. “Vẫn còn nhiều loại thực phẩm chức năng lấy tên thuốc. Thực phẩm chức năng vẫn đang còn kinh doanh tràn lan, trà trộn. Việc này cần phải được giám sát quản lý chặt chẽ, có giải pháp căn cơ bởi nhiều người “hiểu lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc” do tin vào thực phẩm chức năng mà bỏ vấn đề điều trị”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Trước đó, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã đến thăm BV. Tai Mũi Họng TP.HCM. Tại đây, PGS.TS Trần Phan Chung Thuỷ, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong 320 mặt hàng thuốc tại bệnh viện, hiện tỷ lệ toa thuốc liên thông công nghệ thông tin đã đạt 96%. Hiện bệnh viện có 3 tài khoản kết nối giữa các nhà thuốc và khoa dược. Tại các nhà thuốc, nhân viên nhà thuốc thực hiện theo chuẩn GPP, các thông tin thuốc sau đó được bộ phận công nghệ thông tin chuyển dữ liệu. Việc kết nối phần mềm không gặp nhiều trở ngại. Toàn hệ thống thuốc chỉ có khoảng 11 loại chưa có dữ liệu dược quốc gia (chưa có mã liên thông.

Ngoài ra, một số khó khăn được đại diện bệnh viện báo cáo như các mặt hàng không phải là thuốc (thực phẩm chức năng) và một số thuốc chưa có mã...

Khảo sát không báo trước tại một nhà thuốc tư nhân hoạt động trên địa bàn quận 1, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cùng đoàn cũng đã kiểm tra quy trình nhập liệu và phần mềm công nghệ thông tin liên kết với cổng thông tin dược quốc gia. Thứ trưởng trực tiếp xem cách làm việc của nhà thuốc trong nhập dữ liệu, nhắc nhở việc công khai giá thuốc...


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn