Tuy nhiên, thực tế triển khai ở huyện vùng cao Bắc Hà, bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, cần tháo gỡ, đòi hỏi quyết tâm cao của toàn ngành y tế huyện và sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền các xã cùng nhân dân các dân tộc địa phương.
Công tác Y tế thường xuyên được triển khai trong các cuộc giao ban xã
Từ khi sáp nhập các trạm y tế tuyến xã do trung tâm y tế huyện quản lý từ năm 2014, sau đó là sáp nhập trung tâm truyền thông GDSK sinh sản- KHHGĐ, phòng y tế..với sự quan tâm của tỉnh và huyện, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế cho hệ thống mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở có nhiều chuyển biến; nhất là sự hỗ trợ tốt về nguồn vắcxin, nên công tác tiêm chủng mở rộng của huyện vùng cao Bắc Hà đã có nhiều khởi sắc, đáng phấn khởi. Cùng với đó, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng mở rộng, ngành Y tế huyện đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể từ việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến rà soát, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, vắc-xin… Tuy nhiên, hiện nay, công tác tiêm chủng mở rộng của huyện 30A này, vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, một phần do nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao còn hạn chế, một phần do việc tổ chức tiêm ngoại trạm còn thiếu kinh phí hỗ trợ, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng tại một số xã còn đạt ở mức thấp… đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của bà con nhân dân các dân tộc địa phương.
Bác sĩ Dương Thị Nguyêt- Giám đốc trung tâm y tế huyện Bắc Hà cho biết: “ Hàng năm, công tác tuyên truyền về TCMR đã được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú như: Cấp phát tài liệu truyền thông, treo băng rôn, áp phích, thông tin trên loa phát thanh cơ sở… Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y tế thôn, bản, nhờ đó công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng xuống từng địa bàn dân cư, hộ gia đình.
Trung tâm y tế huyện Bắc Hà cũng luôn chú trọng đến việc củng cố, nâng cao kiến thức về “An toàn tiêm chủng” cho đội ngũ cán bộ y tế thông qua việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn về quy trình chỉ định, tư vấn trước tiêm, khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm… Với những hoạt động cụ thể, hiệu quả, đến nay, công tác TCMR trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực: Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đều đạt từ 95%-97%; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ tuổi sinh đẻ đạt trên 90%, tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản B đạt trên 90%. Thêm vào đó, quá trình triển khai tiêm phòng, do có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận nên không để xảy ra tình trạng tai biến và những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, điều này đã củng cố và tạo dựng được niềm tin trong nhân dân về công tác tiêm chủng.
Tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã
Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiêm phòng cho trẻ theo đúng lịch tại các trạm y tế, tiêm mở rộng định kì hàng tháng chưa thực sự đảm bảo, nguyên nhân do một số hộ gia đình đi làm ăn xa, mang con cái theo; bố hoặc mẹ các bé xuất cảnh sang trái phép sang thị trường Trung Quốc làm thuê, nên ít có thời gian quan tâm đến việc tiêm phòng định kì cho con em theo đúng lịch- Theo bác sĩ Nguyệt: “Những trường hợp này gần như không thể thực hiện được. Thêm vào đó, do nhận thức còn hạn chế, nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện còn chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, chưa tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch nên vẫn để xảy ra tình trạng uốn ván sơ sinh.
Những năm trước đây, Khi thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, với sự giúp đỡ một phần kinh phí của tổ chức Gavi - Tổ chức liên minh toàn cầu thế giới về vắc xin, hỗ trợ mỗi xã thực hiện 5 điểm tiêm ngoại trạm, toàn huyện có khoảng 95 điểm tiêm như vậy được hỗ trợ, như vậy đã giảm bớt 1 phần khó khăn trong việc tổ chức tiêm chủng ngoại trạm. Tuy nhiên đến năm 2017, dự án này đã kết thúc, nguồn kinh phí hỗ trợ không còn nữa, thêm vào đó, mỗi trạm y tế chỉ có bình quân từ 5 đến 7 cán bộ, vì vậy, để thực hiện việc tiêm ngoại trạm theo quy định là rất khó khăn. Thêm vào đó, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn, bản còn nhiều gặp rất nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn huyện vùng cao này.
Để bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, đến nay các trạm y tế xã, thị trấn của huyện Bắc Hà đều xây dựng kế hoạch, bố trí lịch tiêm phù hợp. Đối với các xã có địa bàn rộng, giao thông đường xá đi lại cách trở, trạm y tế đều bố trí lịch tiêm chủng ngoại trạm hợp lý, các khâu trong quy trình an toàn tiêm chủng cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt, giảm tình trạng trẻ bị phản ứng sau khi tiêm. Trước những khó khăn, thách thức trong công tác tiêm chủng mở rộng, đội ngũ cán bộ y tế của các trạm y tế của huyện vùng cao Bắc Hà vẫn quyết tâm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân năm 2018 và những năm tiếp theo, phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn huyện vùng cao, còn nhiều khó khăn này./.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà vẫn đang tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TCMR. Chú trọng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, tham mưu cho UBND huyện từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác TCMR...Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành y tế, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành, cấp ủy chính quyền các xã, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc địa phương, góp phần đưa sự nghiệp y tế của huyện Bắc Hà ngày càng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên “ cao nguyên trắng” Bắc Hà.