Vẫn còn nhiều địa phương “trắng” về cấp cứu ngoại viện

27-11-2019 14:26 | Tin nóng y tế

SKĐS - Công tác cấp cứu ngoại viện hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố, nhiều khu vực, địa bàn còn trắng về dịch vụ cấp cứu trước viện.

Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu trước viện. Thông tin trên  được chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện” do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.

Những khó khăn hiện hữu của cấp cứu ngoại viện

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập... Việc đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân. Dịch vụ cấp cứu ngoại viện hay còn được gọi là dịch vụ cứu thương (Emergency Medical Service-EMS) là một trong những nhóm dịch vụ y tế khẩn cấp nhằm nỗ lực giảm thiểu những tổn thất về tính mạng và sức khỏe.

Công tác cấp cứu ngoại viện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.Minh

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, hiện mới có 11 tỉnh có trung tâm cấp cứu 115 công lập, 18 BVĐK tỉnh có tổ cấp cứu 115, 7 tỉnh có trung tâm cấp cứu tư nhân 115. Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu trước viện. Trong 9 tháng đầu năm 2019, các sở y tế và 26 BV Trung ương, BV ngành đã khám cấp cứu do tai nạn giao thông cho gần 353.000 lượt người, vận chuyển trên 41.000 lượt bệnh nhân đến BV...

Tuy nhiên, công tác cấp cứu ngoại viện vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố, nhiều khu vực, địa bàn còn trắng về dịch vụ cấp cứu trước viện. Ở khu vực thành phố, mật độ giao thông cao, khó vận chuyển. Ở khu vực nông thôn, khó tiếp cận dịch vụ do ở cách xa trung tâm cấp cứu dẫn đến khó đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu trước viện.

TS. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, TP.Hà Nội có 8 triệu dân nhưng cấp cứu 115 của thành phố chỉ có 22 xe cứu thương, trong đó 1 chiếc đã hỏng và nhiều chiếc sập sệ, mỗi xe vận chuyển cấp cứu đã chạy trung bình khoảng 300.000 km. Mạng lưới cấp cứu của Hà Nội mỏng nên nhiều địa điểm xa các trạn cấp cứu, không đảm bảo thời gian vàng. Có nơi như ở thị xã Sơn Tây, nếu có yêu cầu vận chuyển cấp cứu thì cần cả tiếng đồng hồ để xe cấp cứu có thể đến nơi, không đảm bảo về thời gian vàng trong cấp cứu, đặc biệt trong một số trường hợp như: tai nạn giao thông hoặc bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác cấp cứu cũ hỏng xuống cấp; chưa có thiết bị cấp cứu nâng cao như: máy thở, máy ép tim.

Tại BV Trung ương Huế, số bệnh nhân được cấp cứu trước viện chỉ khoảng 7%, trong khi số bệnh nhân được vận chuyển bằng phương tiện cá nhân là 53,76%. Còn BV Chợ Rẫy có tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu trước viện cao nhất là 30%, trong khi có tới 43,92% bệnh nhân được chuyển tới viện bằng phương tiện công cộng.

Như vậy, hiện nay hệ thống cấp cứu trước viện của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần quá nhỏ bé so với nhu cầu của người dân.

BS. Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hệ thống cấp cứu trước viện thuộc mạng lưới cấp cứu 115 chưa đáp ứng tốt nhu cầu rất lớn về cấp cứu trước viện của người dân trên địa bàn. TP. Hồ Chí Minh có 24 quận, huyện, có địa bàn rất rộng. Có những nơi rất xa, khi cần cấp cứu nhưng xe khó đến nơi, thời gian di chuyển lâu, buộc người dân đi cấp cứu bằng phương tiện tự túc”.

Phát triển cấp cứu ngoại viện giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn.

Theo đó, sẽ xây dựng chiến lược quốc gia thiết lập và nâng cao năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trung tâm cấp cứu trước viện gồm các trung tâm 115 độc lập, trung tâm điều phối thông tin kết nối giữa các trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện; xây dựng cơ chế tài chính thu phí vận chuyển cấp cứu và đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế; trang bị xe ô tô cứu thương và trang thiết bị cấp cứu.

Cũng theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, những hoạt động này sẽ giúp hoàn thiện, xây dựng và phát triển hoạt động cấp cứu trước viện, giúp tăng cơ hội sống, tiếp cận dịch vụ, điều trị y tế cho người bệnh.


Thái Bình
Ý kiến của bạn