Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, số lao động trẻ em (LĐTE) trên toàn cầu đã giảm 1/3 so với năm 2000 nhưng hiện vẫn còn 168 triệu LĐTE. Và điều đáng lo ngại là mặc dù tỉ lệ giảm có cải thiện nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016.
ILO ước tính, hơn một nửa trong tổng số 168 triệu LĐTE toàn cầu tham gia làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đó là những công việc trực tiếp nguy hại đến sức khỏe, sự an toàn và phát triển đạo đức của trẻ. Số trẻ em hiện nay làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 85 triệu, giảm đáng kể từ 171 triệu năm 2000.
Báo cáo đánh giá tiến bộ đối với công tác xóa bỏ LĐTE của ILO cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2012, LĐTE từ 5-17 tuổi giảm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và khu vực tiểu vùng Saharan Châu Phi. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương số LĐTE giảm nhiều nhất, từ 114 triệu vào năm 2008 xuống còn 78 triệu vào năm 2012. Số lượng LĐTE cũng giảm tại khu vực tiểu vùng Saharan Châu Phi (giảm 6 triệu), và giảm nhẹ tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Cari-bê (giảm 1,6 triệu). Có 9,2 triệu LĐTE tại khu vực Trung Đông và khu vực Bắc Phi.
Ông Constance Thomas – Giám đốc Chương trình quốc tế về xỏa bỏ LĐTE của ILO nhấn mạnh, LĐTE là công việc tước đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm của các em, đồng thời nguy hại đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Những lựa chọn về chính sách, đầu tư cho giáo dục và bảo trợ xã hội là những yếu tố giúp làm giảm đáng kể số lượng LĐTE.
D.Hải